Thừa Thiên Huế: Đánh giá tiềm năng và tìm kiếm mô hình, giải pháp công nghệ mới
Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Diễn đàn. Qua sự kiện kết nối các startup, đại diện các sở, ban, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp gợi mở, chính quyền, các tập đoàn “ra đề” bài toán đặt hàng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin năm 2024 phù hợp tiềm năng và nhu cầu của địa phương.
Tiềm năng của “Thung lũng Sillicon Việt”
Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Sản phẩm, Công ty Hệ thống thông tin FPT - cho rằng: “Huế, Đà Nẵng, Hội An rất giống Thung lũng Sillicon bởi vì 3 thành phố trong khoảng cách di chuyển 100km, dọc bờ biển môi trường xanh, chất lượng dịch vụ, đời sống tốt và phù hợp cho lối sống của dân công nghệ”.
Nơi đây cũng tập trung nhân tài và vốn đầu tư khi có hệ thống đại học trọng điểm của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp công nghệ và các viện nghiên cứu, đội ngũ cán bộ nghiên cứu chất lượng đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ thông tin tại chỗ.
Tại diễn đàn, ông Hồ Thắng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh giới thiệu tiềm năng của lĩnh vực công nghệ thông tin Thừa Thiên Huế là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư/doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trong và ngoài nước.
Một trong những lợi thế đầu tiên là văn hóa khuyến khích đổi mới, thử nghiệm của chính quyền cùng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, thu hút nhân lực cho lĩnh vực này thông thoáng và cởi mở. Nhiều nghị quyết về chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ đã được tỉnh ban hành.
Thừa Thiên Huế hướng tới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với đẩy mạnh phát triển chính quyền số, xây dựng xã hội số nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kết nối, cung cấp dịch vụ, giải quyết mối quan hệ và thay đổi phương thức sống, làm việc của người dân.
Ông Hồ Thắng cho hay: “Nhà nước kiến tạo môi trường thúc đẩy hoạt động đầu tư, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển trong các ngành kinh tế tiềm năng. Đặt ra các bài toán để doanh nghiệp tham gia vào các ngành trọng điểm. Cùng với đó, huy động sự vào cuộc của các thành tố của hệ sinh thái, cơ quan nhà nước, viện, trường học, tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng doanh nghiệp”.
Hướng đi chủ đạo sẽ là tiếp tục tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trang thiết bị máy móc, tái cơ cấu năng lực sản xuất kinh doanh. Xem trọng ứng dụng thành tựu Khoa học và công nghệ, ứng dụng các kết quả nghiên cứu để thương mại hóa. Đa dạng nguồn lực theo hướng mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở để thu hút đầu tư từ chuyển giao công nghệ, FDI, thu hút nguồn lực từ các Làng công nghệ.
Một số gợi mở cho các startup Cố đô
Diễn đàn thu hút sự thảo luận, tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trao đổi mang tính chiến lược để phát triển bền vững với công nghệ xanh và dữ liệu số. Mở ra cơ sở để Huế phát huy nội lực, huy động tối đa nguồn lực, tranh thủ được các ý kiến của chuyên gia, ý tưởng của startup.
Theo ông Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, Thừa Thiên Huế có nhiều cơ hội để kinh tế tuần hoàn và đô thị thông minh. Ông gợi mở những giải pháp công nghệ mới phù hợp với định hướng phát triển bền vững của tỉnh nhà. Đó là các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong tái tạo năng lượng và phát triển đô thị xanh.
Các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn như: xoay vòng vật liệu xây dựng, thu hoạch và tái sử dụng nước, xoay vòng thông qua giảm sử dụng năng lượng, tận dụng chất thải điện tử trong thành phố, giải pháp xoay vòng cho y tế đô thị, tận dụng chất thải hữu cơ, bao gồm cả thực phẩm, tận dụng chất thải nhựa và mua sắm theo hình thức xoay vòng.
“Thừa Thiên Huế có thể tận dụng công nghệ để thúc đẩy phát triển du lịch thông qua ý tưởng sáng tạo những ứng dụng cung cấp thông tin dịch vụ ăn uống, giao thông và đi lại, điểm tham quan, điều hành tour và đại lý du lịch”, ông Cung Trọng Cường khẳng định.
Ông Lê Vĩnh Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế - cho rằng có một số mô hình kết hợp AI có thể áp dụng giải pháp công nghệ mới như, khai thác dữ liệu chuyên ngành như y tế, giáo dục, nông nghiệp, hỗ trợ chẩn đoán, hỗ trợ giảng dạy, học tập, hỗ trợ lập trình và xây dựng các AI như dịch vụ.
Theo ông Bùi Quang Vũ - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trong 5 năm tới, thời gian làm việc của con người và máy móc sẽ bằng nhau. 84% người sử dụng lao động sẽ chuyển sang số hóa các quy trình làm việc. Trong 10 – 15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của họ.
Đón đầu xu thế đó, Huế đã và đang tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt của lĩnh vực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời gian tới. Huế là một trong những thành phố đầu tiên trao nhiệm vụ phát triển hệ sinh thái sáng tạo mở theo hướng liên kết các thành phần trong hệ sinh thái. Các tập đoàn, doanh nghiệp, chính quyền nơi “ra đề” cho các sinh viên, startup đưa ra ý tưởng sáng tạo địa phương đang cần.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ nhấn mạnh: “Sau mỗi cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giá trị của ý tưởng, mô hình, giải pháp mới đạt giải không chỉ là tiền mà quan trọng phải có địa chỉ ứng dụng, có khả năng gọi vốn đầu tư đưa ra thị trường… đó là sự khác biệt của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở”.
Qua sự kiện, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huê đẩy mạnh liên kết hệ sinh thái Cố đô khởi nghiệp với Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, thu hút nguồn lực không chỉ các doanh nghiệp trên địa bàn mà còn thu hút nguồn lực ngoài địa phương, nguồn lực quốc tế, đưa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trở thành một phần động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dịp này, bà Trần Thị Thùy Yên – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ triển khai kế hoạch cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trong đó đối tượng dự thi không giới hạn địa lý, độ tuổi (trừ người nước ngoài) có ý tưởng, dự án khởi nghiệp, có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và dự kiến có triển khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động không quá 5 năm kể từ khi đăng ký thành lập.
Qua đó, cuộc thi khuyến khích các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tham gia một hay nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khuyến khích các ý tưởng, dự án Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc các ngành, lĩnh vực theo định hướng phát triển lĩnh vực xã hội trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, ưu tiên ý tưởng, dự án về: lĩnh vực Du lịch, lĩnh vực Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học, sản phẩm OCOP, kinh tế tuần hoàn; Lĩnh vực Y dược, lĩnh vực Công nghệ thông tin và lĩnh vực Công nghiệp sáng tạo, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và các lĩnh vực đổi mới sáng tạo khác.
Mẫu hỗ sơ dự thi và thông tin về Cuộc thi được đăng tải trên website:
skhcn.thuathienhue.gov.vn hoặc codokhoinghiep.thuathienhue.gov.vn.
Thời hạn đăng ký hồ sơ dự thi đến 17 giờ ngày 31/7/2024.
Hồ sơ được nộp trực tiếp hoặc gửi bưu điện về Sở Khoa học và Công nghệ - Cơ quan thường trực Cuộc thi. Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà 6 tầng, Khu Hành chính tập trung tỉnh Thừa Thiên Huế, đường Võ Nguyên Giáp, P. Xuân Phú, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Điện thoại: 0234.383859. Ngoài ra, gửi kèm file điện tử qua email: [email protected].
Dự kiến, giải thưởng sẽ được trao cho các ý tưởng, dự án được lựa chọn vào tháng 10/2024. Trong quá trình dự thi sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ như hướng dẫn viết hồ sơ, tổ chức hội nghị, tập huấn, tọa đàm về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bảo Hòa