Tết này về Hội An ghé thăm làng lụa
Chỉ với 50.000 đồng, du khách được trải nghiệm tour tái hiện nghề truyền thống trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa của mảnh đất Quảng Nam. Không chỉ vậy, du khách còn được thưởng thức những ly dâu tằm trong không gian vừa cổ kính, vừa mang nét hiện đại.
Làng lụa Hội An đưa vào hoạt động từ năm 2012, được lấy cảm hứng từ câu chuyện khi Hội An còn là thương cảng sầm uất nhất Đông Nam Á.
Không chỉ giữ được nét nhà cổ kính, làng lụa còn là nơi lưu giữ được giống dâu Chăm Pa cổ.
Được sưu tầm trên vùng núi Quế Sơn và đưa về trồng từ đầu năm 2012, cây dâu Chăm Pa có hơn trăm năm tuổi, điểm độc đáo là lá cây sẻ hình chân chim. Khi chưa cắt cành, cây cao hơn 10 m, tỏa tán lá xum xuê che mát cả một vùng.
Đến làng lụa, du khách được tận mắt chứng kiến những công đoạn từ trồng dâu, ươm tơ,... đến kéo sợi qua bàn tay khéo léo của những người thợ. Kén sẽ được luộc lên qua nhiều giờ, sau đó người thợ dùng tay kéo kén, tạo ra những sợi tơ mỏng và dai. Công việc này luôn đòi hỏi phải có hai người, một người kéo kén và một người quay tơ.
Không chỉ vậy, du khách còn được hướng dẫn viên chỉ cách phân biệt từng loại chất liệu tafta, gấm, đũi thô,...
Những vuông lụa Mã Châu nhẹ nhàng, mịn màng, nhiều màu sắc ở khu trưng bày được ví như "bảo tàng sống" của nghề dệt lụa. Khách đến thăm quan có thể mua về làm quà tặng.
Tại làng lụa, xưởng dệt Cửu Diễn cũng được dựng lại để tôn vinh ông Cửu Diễn - tên thật là Võ Dẫn. Những năm 30 của thế kỉ 20, những người thợ dệt ở Quảng Nam sử dụng khung cửi dệt bằng tay truyền thống, tốn nhiều sức lực nhưng năng suất thấp, chỉ được 3,5-4 m. Sau khi được nhìn thấy máy dệt của người Hoa và người Pháp, ông về quê và tạo ra chiếc máy dệt có cấu tạo riêng. Từ đó, chiếc máy dệt mới giúp ngành dệt ở Quảng Nam phát triển hơn bao giờ hết.
Một số hình ảnh ở làng lụa Hội An:
Võ Liên
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Đặt Vé máy bay Emirates trên Traveloka