Khát vọng lụa Mã Châu: Biết mình 'đắt giá' sau khi bị làm nhái, làm giả
Chúng tôi đã mường tượng khi về làng Mã Châu (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) sẽ được đi giữa một bãi dâu xanh, bên cạnh những dòng sông. Nhà nhà đều dệt vải, ươm tơ. Ở đó, đời sống êm ả, tao nhã như tiếng hát của cô gái hái dâu, đưa thoi mỗi mùa tằm chín.
Nhưng thực tế, cảnh và người ở Mã Châu hoàn toàn khác. Nơi đây chỉ còn đơn độc nghệ nhân Trần Hữu Phương giữ nghề ươm tơ dệt lụa. Cơn bão số 4 mới càn qua, trong khuôn viên nhà xưởng, cành cây gãy đổ đang được gom lại để có lối cho nhân công làm việc.
Làng lụa còn… một hộ theo nghề dệt tơ
“Tôi là người làng lụa Mã Châu. Lụa Mã Châu chết rồi, làm sao còn lụa Mã Châu được”, Trần Thị Yến (30 tuổi) - con gái ông Phương, ứa nước mắt kể lại lời của một người làng đã bỏ nghề truyền thống, đi làm ăn xa xứ mà chị gặp trong lần mang lụa Mã Châu đi triển lãm.
“Nhiều người nghe Mã Châu lại liên tưởng tới Quảng Châu, Hàng Châu (Trung Quốc)”, chị Yến nói về việc làng lụa nổi tiếng một thời bị lãng quên, nhiều chẳng biết huyện Duy Xuyên có một làng lụa tên Mã Châu.
Trong khuôn viên nhà xưởng, ông Hai Sa (sinh năm 1958), dáng vẻ phong nhã, ngồi giữa nắng nhạt chiều thu bình thản quay tơ, gỡ rối, rồi lại quay tơ. “Ba em phải thuyết phục mãi ông Hai Sa mới tới làm”, Yến nói. Nay Quảng Nam nhiều khu công nghiệp, người dân bỏ nghề truyền thống đi làm công nhân nên khó tìm lao động cho xưởng dệt Mã Châu.
Thời thịnh vượng, làng Mã Châu có hơn 300 hộ đều ươm tơ dệt lụa, với 2000ha trồng dâu nuôi tằm. Năm 2003, các hộ gia đình, hợp tác xã tơ lụa dần giải thể, chỉ còn 30 hộ giữ nghề. Nay, cả làng chỉ còn ông Phương ôm kỷ niệm về làng lụa Mã Châu “vang bóng một thời”.
Đầu thế kỷ XX, sự mở cửa hội nhập hàng công nghiệp đã đưa ngành dệt may Việt Nam vào khủng hoảng. Mặt hàng vải của nước ngoài quá rẻ, mẫu mã đa dạng ồ ạt vào nước ta. Lúc này tơ tằm Việt Nam không tìm được đầu ra. Để xoay vòng vốn nhanh nhất, ông Phương xuất bán hàng thô nhằm duy trì sản xuất, nhưng vẫn không bù đủ chi phí cho nhân công. Khó khăn chồng chất, ông Phương phải vay mượn khắp nơi, cầm cố tài sản, nhà cửa.
“Người làng bỏ nghề vì không mang lại thu nhập. Lúc đó, cả làng ai cũng nói ba tôi như người điên. Ba buồn nhưng say mê nghề, tới nỗi ở lại xưởng mấy tháng không về nhà”, Yến nhớ lại.
Ông Phương mò mẫm một mình trên con đường "hồi sinh" lụa Mã Châu, chỉ có ánh sáng óng ánh của muôn sợi tơ mời gọi, dẫn đường cho ông bước tới. Rồi không biết từ khi nào, mồ hôi, nước mắt của ông đã truyền lửa cho con gái. Thương cho khát vọng của cha mình, Yến lúc đó vừa tốt nghiệp Đại học kinh tế Đà Nẵng gác lại ước mơ riêng ở thành phố, quyết tâm trở về với quê lụa.
“Vì xuất hàng thô nên trên thị trường và người tiêu dùng không hề biết hay nhớ đến thương hiệu lụa Mã Châu. Tôi sợ một ngày công sức của ba chỉ như muối bỏ biển nên quyết định trở về’, Yến nói.
Gian nan khi người tiêu dùng thấy thật nói giả, thấy giả tưởng thật
Việc đầu tiên Yến làm chính là ngừng xuất hàng thô, chỉ bán thành phẩm và hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp. “Hầu hết những thương hiệu lụa lớn tại Việt Nam không có hàng để bán khi Mã Châu dừng cung cấp hàng thô, bởi lâu nay họ vẫn lấy nguyên liệu từ Mã Châu”, ông Phương cho hay.
Ông Phương nhận ra nguyên nhân lụi tàn của lụa Mã Châu đến từ việc mẫu mã đơn điệu. Từ đó, ông dồn tâm sức cải tiến máy dệt và hoa văn để tạo ra các thành phẩm mang thương hiệu "lụa Mã Châu".
Thế nhưng, với giá bán cao vì có 100% chất liệu từ tơ tằm tự nhiên, làm thủ công tới gần 20 công đoạn, lụa Mã Châu gặp nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ đứng. Nhất là khi trên thị trường bắt đầu xuất hiện nhan nhản hàng giả, hàng nhái được bán công khai. Chưa kể, sự nóng vội khi đưa sản phẩm ra thị trường mà không có chiến lược, kế hoạch cụ thể khiến lụa Mã Châu nhiều lần rơi vào “bẫy” trên thương trường.
Ban đầu, thành phẩm lụa Mã Châu được bán cho một số đại lý, nhà buôn lớn. Sau đó, một số khách hàng mua lụa Mã Châu ở đại lý phản hồi về chất lượng. "Lúc này tôi mới biết họ chỉ lấy một ít hàng lụa tơ tằm Mã Châu, rồi trà trộn với những hàng khác đem bán để nâng cao lợi nhuận”, ông Phương chia sẻ.
Theo ông Phương, về chất lượng, lụa Mã Châu phải nấu tơ ở nhiệt độ cao trong 24 tiếng cho lớp keo tằm tách ra, rồi mới kéo thành sợi. Khi dệt thủ công thường sợi sẽ dày nên chạm vào cảm giác hơi đanh lại. Yến cầm tấm lụa mới nhuộm từ hạt điều lên, giải thích: “Công nghệ làm mềm vải bằng hoá chất đã khiến mọi loại vải đều có thể mềm rũ chỉ trong vài phút. Họ chỉ cần dệt thưa và ngâm hoá chất, đánh lừa cảm giác của người tiêu dùng".
Việc hàng giả, hàng nhái Mã Châu tràn lan khiến chiến lược của Yến chưa hiệu quả. Nhưng cũng chính lúc này, nhiều người trong làng mới ý thức và nhận ra giá trị của lụa Mã Châu.
“Chỉ hàng tốt người ta mới làm nhái, làm giả. Điều đó một lần nữa tái khẳng định đẳng cấp thương hiệu lụa Mã Châu tinh tế không nơi nào sánh bằng”, bà Nguyễn Thị Diễn, một thợ dệt lụa tại làng nói.
Năm 2018 Chính phủ Hàn Quốc thực hiện đề án bảo hộ thương hiệu Mã Châu trên thị trường quốc tế và lụa Mã Châu đã được bảo hộ bởi Cục Sở Hữu Trí tuệ Hàn Quốc. Đồng thời, Hàn Quốc cũng tài trợ máy dệt lụa cải tiến nâng cao năng suất đến 8 lần so với trước đây. Năm 2020, Hàn Quốc tiếp tục tài trợ máy nhuộm màu tự nhiên cho làng lụa Mã Châu. Đó là "quả ngọt" dệt từ tình yêu nghề của những người con Mã Châu để "phượng hoàng lụa Mã Châu" được tái sinh.
Bảo Hòa