SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Khát vọng lụa Mã Châu: ‘Phượng hoàng tái sinh’ vươn ra thế giới

16:24, 24/10/2022
Lụa Mã Châu từng có lúc "bạc màu" trong tâm trí người tiêu dùng. Thế nhưng với sự đắt giá vốn có, thương hiệu này đang dần vươn ra thế giới như "phượng hoàng tái sinh" từ đống tro tàn.

Chúng tôi trở lại làng lụa Mã Châu (Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) vào một ngày cuối tháng 10.

07a4788d1f4ad814815b

Câu dân ca khẳng định nghề truyền thống tại đình làng Mã Châu.

Cội nguồn rực rỡ "vàng son" tơ tằm xứ Quảng

Lụa Mã Châu vốn là phẩm vật quý dùng trong cung đình. Từ thế kỷ 16 - 19, có 7/10 sản phẩm được chọn xuất khẩu qua Nhật Bản và châu Âu theo “con đường tơ lụa” trên biển là của lụa Mã Châu. Điều đó cho thấy, trước khi "bạc màu" trong tâm trí người tiêu dùng, lụa Mã Châu được thừa nhận từ rất lâu.

d1f0332289e54ebb17f4

"Bến đò Tơ" bây giờ không còn giống với ký ức nhiều người.

Từ cầu Chìm rẽ về làng, chúng tôi lần tìm nơi có cái tên thật lãng mạn là “Bến đò Tơ”, được cho là nơi mua bán tơ lụa tấp nập năm xưa. Đáp lời hỏi đường, ông Nguyễn Thông - một người địa phương thở dài: ““Bến đò Tơ” còn đâu nữa mà tìm. Lễ hội cầu kén ven sông Thu Bồn cũng biến mất theo rồi”.

Chúng tôi theo chân ông Hồ Tấn (68 tuổi) vào đình làng nghề lụa truyền thống Mã Châu. Ông nhớ lại: “Từ cầu Chìm xuống đình làng từng như "dải lụa xanh'', vốn là cánh đồng dâu 2000 ha”.

Ông Tấn đặt tay lên bức tranh vẽ khung cửi, vấn vít, vân vê cho vợi nhớ. Ông ngâm nga mấy câu ca đề hai bên đình làng: “Mã Châu tơ lụa mỹ miều, ban mai mắc cửi buổi chiều lụa giăng”. 

d721137a74bdb3e3eaac

 Đình làng lụa Mã Châu ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên.

Qua biến đổi của thời gian, ít ai còn tường tận gốc tích làng lụa Mã Châu. Có người thì cho nghề lụa và tên làng là do bà Mã Chấu từ phương Bắc vào dừng chân và truyền nghề. Dân gian gọi Mã Chấu thành Mã Châu để không phạm húy.

Theo ông Tấn, sự tích này chỉ là tưởng tượng. Bởi nhẽ, "Mã" ở đây là ngựa, liên quan tới câu chuyện Tứ Mã chia làng làm 4 nhánh. “Nếu Mã Châu là người thì sẽ có họ hàng, có con cháu, mồ mả nhưng hoàn toàn không có dấu tích gì cả’’, lão nông ôn tồn nói.

264bcb24ace36bbd32f2

Ông Hồ Tấn chỉ lên câu ca nghề lụa, hình ảnh dệt vải trước cửa đình làng.

“Bà chúa Tằm Tang” mới thực sự là tổ nghề lụa xứ này”, ông Tấn khẳng định.

Khoảng thế kỷ 16, một đêm chúa Nguyễn Phúc Lan giong thuyền thưởng trăng trên sông Thu Bồn. Nghe giọng hát cô thôn nữ hái dâu vang vọng, thuyền rồng men theo bờ sông tìm người có giọng hát khiến chúa Nguyễn mê say. Cô gái ấy chính là thục nữ Đoàn Thị Ngọc, con của một Hào trưởng – người có quyền nhất làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên.

Sau đó, bà tiến cung và trở thành quý phi, dù vậy vẫn tìm cách trở lại phát triển nghề truyền thống, xuất bán lụa ra nước ngoài qua thương cảng Hội An. Nhân dân ghi ơn và ca tụng Đoàn Quý Phi là “bà chúa Tằm Tang’’. 

7350f41a6dddaa83f3cc

 Ông Ba Dũng, một trong số ít người còn trồng dâu nuôi tằm.

Nhiều người từng đinh ninh lụa xuất phát từ Hội An. Tuy nhiên, Hội An chỉ là bến cảng giao thương. Các thương lái nước ngoài sau khi cập cảng Hội An sẽ xuôi theo dòng sông về tới Bến đò Tơ để thu mua lụa. Mã Châu chính là một điểm nút quan trọng của "con đường tơ lụa" vang bóng một thời.

Nhà ông Hồ Tấn cũng như hàng trăm gia đình làng Mã Châu, từng ươm tơ, dệt lụa. Ông chua chát: “Ngày xưa là trồng dâu nuôi tằm, còn bây giờ là trồng dâu… nuôi bò thì có”.

Từng cái thúng đựng dâu, nong nuôi tằm, khung ươm tơ, khung cửi nằm yên cho nhện giăng màn khiến cho những người từng gắn bó với nghề đều ngậm ngùi, thương tiếc.

Ông Trịnh Anh là một trong những người trồng dâu cuối cùng của làng Mã Châu. Ông  chỉ cho chúng tôi về xã Duy Trinh, nơi được cho là quê hương và có lăng mộ của “bà chúa Tằm Tang”. “May ra bên kia người ta còn trông dâu, nuôi tằm’’, ông nói.

938217a77060b73eee71 (1)

“Nghề nuôi tằm "ăn cơm đứng" vất vả ngày đêm”, ông Dũng (áo trắng) bộc bạch. 

Đến xã Duy Trinh, một người đàn ông nhiệt tình giới thiệu: “Làng tôi có ông Trương Ba Dũng (61 tuổi) là “vua nuôi tằm”. Đường về nhà “vua nuôi tằm” khá ngoằn nghoèo, thấp thoáng đôi cây dâu lẻ loi sót lại. Tưởng ông Dũng - “vua nuôi tằm” nuôi nhiều thế nào, hóa ra trong nhà cũng chỉ có bốn nong tằm.

“Tằm 90,000 đồng/kg. Trước đây cả làng làm để bán cho HTX Mã Châu. Giờ bán tằm tươi làm mồi nhậu còn lời hơn ươm tơ”, ông Dũng nói. Ông cho biết thu nhập từ việc bán tằm làm mồi nhậu của ông khoảng 12 triệu đồng/vụ, mỗi năm ông làm được 10 vụ. 

‘’Vua nuôi tằm’’ xòe bàn tay, nâng niu từng tổ kén vàng. Thu nhập khá, nhưng bao năm nay, người đàn ông này vẫn âm thầm hi vọng nghề lụa có thể hồi sinh, để con tằm không còn là thứ đồ lai rai mỗi buổi chiều về. Thế mà hôm nay, nhìn một hàng xóm đào bỏ dâu, ông không khỏi chạnh lòng. 

“Phượng hoàng tái sinh” vẫn không ngừng khát vọng

Năm 2017, HTX tơ lụa Mã Châu giải thể. Ông Trần Hữu Phương lúc này là chủ nhiệm của HTX khăng khăng giữ nghề, lập Công ty TNHH MTV lụa Mã Châu. Ông Phương mạnh dạn nâng cấp các máy chuyên dệt hàng thô chuyển sang dệt thành phẩm.

bd51aa86b28175df2c90

 "Để người dân quay trở lại làm nghề, mình phải chứng minh cho họ thấy sống được với nghề này”, ông Phương nói.

“Xu hướng tiêu dùng xanh sẽ dẫn khách hàng trở lại với Mã Châu vì giá trị từ tự nhiên'', chị Trần Thị Yến, con gái nghệ nhân Phương tin tưởng.

Sau 5 năm đổi mới công nghệ sản xuất, đến nay công ty của gia đình chị Yến đã thu hút khoảng 10 thợ, nghệ nhân cũ quay lại làm những công đoạn nấu mềm tơ, đánh ống quay tơ, nhuộm màu, in hoa văn và dệt vải.

Theo chị Yến, nếu lụa Mã Châu chỉ còn một hộ làm thì chẳng có ý nghĩa gì. Vì vậy, chị luôn mong có ngày lụa Mã Châu có thể lấy lại được vinh quang xưa, trở thành sản phẩm đắt giá của Việt Nam vươn ra thế giới. Từ khát vọng của chị, chúng tôi dường như cảm nhận được giấc mơ lụa Mã Châu của "bà chúa Tằm Tang" vẫn ấp ủ vẹn nguyên trong người trẻ này dù còn nhiều gian nan.

c1ea74a2d265153b4c74

 Nguyên liệu tơ thô lụa Mã Châu nhập từ một số ít hộ dân nuôi tằm, ươm tơ tại Duy Xuyên và từ Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Được biết, vài năm trở lại đây, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu hỗ trợ các làng nghề truyền thống bán hàng trên sàn thương mại điện tử, các chương trình, điểm bán trực tiếp tại TP Hội An. Trong đó, lụa Mã Châu nhanh nhạy tìm thị trường cao cấp, đồng thời tận dụng công nghệ đăng bán thêm trên các trang mạng xã hội, website.

Giờ đây, lụa tơ tằm Mã Châu bắt đầu được nhiều đối tượng là khách hàng nước ngoài biết tới, cung cấp cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng của Pháp, Ý, Nhật Bản.

a632561b96dc518208cd

 Lụa Mã Châu hiện nay có sản lượng từ 1000 – 3000m/tháng và có thể tăng tùy nhu cầu vào dịp lễ, Tết.

Bên cạnh đó, hiện dọc 2 bên bờ sông Thu Bồn đang có dự án phát triển vùng dâu nguyên liệu với ý tưởng khơi lạị “dòng sông lụa”, gắn với “con đường tơ lụa” 3 - 4 thế kỷ trước.

Nếu dự án triển khai, làng lụa với những gia đình sản xuất lụa thủ công, kết nối với lăng mộ “bà chúa Tằm Tang”, phục hồi Bến đò Tơ, lễ hội làng nghề sẽ là điểm đến phục vụ du lịch cộng đồng hấp dẫn.

2808e949538e94d0cd9f (1)

 “Em dự định sẽ biến khuôn viên nhà xưởng thành làng Mã Châu thu nhỏ như một bảo tàng lịch sử sống, du khách tới sẽ trải nghiệm, tham quan và mua sản phẩm do chính tay họ làm ra”, Yến vui vẻ nói về tương lai.

Như vậy, dù thương hiệu lụa Mã Châu đang dần hồi sinh trên thị trường, song để làng lụa Mã Châu để trở về thời hưng thịnh vốn có, cần lắm “nhịp cầu” chính sách hỗ trợ và những kế hoạch thực hiện rốt ráo hơn từ cơ quan ban ngành địa phương.

 Bảo Hòa

Tin khác

Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Tin tức 10 giờ trước
VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Văn phòng 3) vẫn đang phát triển đổi mới sáng tạo thông qua việc thúc đẩy xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các giải pháp kỹ thuật và công nghệ mới, đồng thời là “cầu nối” cho nhà khoa học với doanh nghiệp.
Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".
Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Chiều 24/4, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).