Tại sao Trung Quốc trở thành "thiên đường" xe nhái mà không bị phạt?
Lần đầu xe nhái của Trung Quốc thua kiện
Những ngày vừa qua, giới chơi xe không khỏi xôn xao về vụ kiện bản quyền giữa mẫu xe Range Rover Evoque và mẫu xe nhái Landwind X7 của Trung Quốc.
Jaguar Land Rover - hãng xe Anh thuộc sở hữu của tập đoàn Ấn Độ Tata Group - đã cáo buộc Jiangling sao chép mẫu xe Evoque của hãng sau khi chiếc Landwind ra mắt vào năm 2014. Sau khoảng ba năm theo đuổi nhiều vụ kiện, Jaguar Land Rover (JLR) mới chính thức được xử phần thắng. Tòa án quận Triều Dương, Bắc Kinh cho biết Jiangling, công ty sở hữu thương hiệu Landwind, đã sao chép 5 thiết kế độc quyền của Range Rover Evoque để tạo nên mẫu Landwind X7. Cơ quan này yêu cầu hãng xe Trung Quốc ngừng ngay lập tức hoạt động sản xuất, bán hàng đối với mẫu X7. Đồng thời trả tiền bồi thường cho hãng xe Anh.
Đây được xem là chiến thắng pháp lý hiếm hoi của một công ty nước ngoài có tranh chấp tài sản trí tuệ với một công ty Trung Quốc.
Sở hữu thiết kế của một thương hiệu hạng sang đã thành danh kèm giá bán rẻ hơn khoảng 3 lần, giúp X7 trở thành lựa chọn của không ít khách hàng Trung Quốc. Hãng xe Anh cho rằng việc nhái thiết kế của Landwind không những gây tổn hại hình ảnh của JLR mà còn tạo tiền lệ xấu về sau.
Thực tế, không những Landwind của Jiangling, nhiều hãng xe Trung Quốc còn nhái thiết kế của các thương hiệu nước ngoài khác. Lần thắng kiện của JLR có thể xem là bước khích lệ quan trọng để những hãng xe nước ngoài tự tin hơn trong cuộc chiến pháp lý với các hãng xe nội địa.
Với chính quyền Trung Quốc, khi ngành công nghiệp ôtô nội địa đang có những bước phát triển mạnh, tham vọng vươn lên dẫn đầu, việc nhái thiết kế không phải là hình ảnh đẹp trên sân chơi toàn cầu.
Tại sao Trung Quốc ngang nhiên sản xuất xe ngái mà không bị phạt?
Vậy vì sao việc xử kiện lại khó khăn đến thế, khi giới chuyên môn và người sử dụng đều không khó để nhận ra thiết kế bị sao chép?
Theo Auto Express (Anh), tạp chí này tham khảo ý kiến các luật sư và nhận thấy vấn đề nằm ở chỗ "Không có luật bản quyền quốc tế". Tức là thiết kế của Land Rover được bảo hộ ở Anh, nhưng khi sang nước khác thì chưa được bảo hộ, nên khó có cơ sở để kiện tụng.
Land Rover muốn kiện Landwind sao chép, cần chứng minh được hãng xe Trung Quốc sao chép những gì. Tòa án xem xét các chứng cứ mà hai bên cung cấp, từ đó đưa ra quyết định.
Việc chứng minh này tùy từng trường hợp, tùy từng hãng có cung cấp đủ chứng cứ hay không để tòa kết luận. Thời gian, chi phí và sự rắc rối trong thủ tục là các yếu tố khiến nhiều hãng biết rằng bị sao chép thiết kế nhưng cũng không đủ kiên nhẫn để theo kiện. Nhưng nếu doanh số của hãng bị ảnh hưởng bởi thiết kế của đối thủ, vấn đề sẽ trở nên phức tạp giống trường hợp của Land Rover.
Một ví dụ đơn giản, nếu muốn chứng minh đối thủ sao chép đèn pha, hãng phải đưa ra chứng cứ về việc đèn pha của hãng được tạo ra vào năm nào, đã đăng ký bản quyền hay chưa, thiết kế của đối thủ giống ở những điểm gì, lịch sử của đối thủ từng có thiết kế như vậy hay chưa. Ngay cả khi cung cấp đủ tài liệu, việc quyết định đôi khi còn phụ thuộc vào ý chí của tòa án. Bởi lẽ, bản vẽ thiết kế cũng giống như các tác phẩm nghệ thuật, rất khó để đo lường hay định đoạt.
Ở Trung Quốc, có thể dễ dàng bắt gặp các mẫu xe nhái ở khắp các ngả đường. Những sản phẩm này vẫn được giới thiệu đường đường chính chính ngay tại các triển lãm ôtô lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, nơi các phiên bản gốc cùng xuất hiện.
Vấn đề xe nhái tại Việt Nam
Trao đổi với Xe Giao Thông về hệ quả từ việc bị thua của hãng xe Trung Quốc, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật BASICO cho biết: "Theo các quy định về nhãn hiệu và thương hiệu sản phẩm tại các quy định quốc tế, nếu đã bị xử thua trong các vụ kiện về tranh chấp mà cố tính bán sản phẩm ra thị trường sẽ bị coi là hàng nhái, hàng giả. Nếu các cơ quan chức năng phát hiện thì tuỳ từng quốc gia có thể có những cách giải quyết khác nhau với những sản phẩm này. Nếu các thương hiệu lớn như JLR đã đăng ký bảo hộ bản quyền tại lãnh thổ Việt Nam thì chỉ cần thông báo các cơ quan chức năng là đủ cơ sở để vào cuộc xử lý".
Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, hiện tại Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức và có ký kết nhiều văn bản về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ do đó không hề khó khăn để xử lý những sản phẩm nhái giả, kể cả đó là ô tô hay những sản phẩm phức tạp hơn.
Hiện nay, tại thị trường Việt Nam vẫn có nhiều mẫu xe Trung Quốc nhái kiểu dáng các thương hiệu lớn như: Zotye Z8, Zotye Z3, BAIC Q7... Nếu các thương hiệu kể trên vướng vào các tranh chấp tương tự như Landwind thì nhiều khả năng cũng sẽ khó có thể góp mặt tại thị trường Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Hải Tùng