Định giá tài sản trí tuệ - Giải nút thắt trong thương mại hóa sáng chế, công nghệ và TSTT
Nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đặc biệt là trong lĩnh vực thẩm định giá trị tài sản trí tuệ, hưởng ứng Ngày hội khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021, Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam tổ chức lớp tập huấn thứ 6 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ”.
Buổi tập huấn có sự tham gia của TS. Bùi Văn Quyền – Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam, bà Lê Thị Thanh Tâm Trưởng ban Đào tạo, tập huấn, hội thảo Làng Sáng chế và DN ĐMST và đặc biệt là sự tham dự của Diễn giả Nguyễn Kim Đức - hiện đang là Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngắn hạn thuộc Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH); Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn doanh nghiệp và Phát triển kinh tế vùng thuộc khoa Kinh tế UEH; giảng viên Bộ môn Thẩm định giá UEH đã đến tham dự và chia sẻ các kiến thức ông tích lũy được trong lĩnh vực thẩm định giá cùng các đại biểu đến từ các cơ quan, ban ngành, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà sáng chế....cùng đông đảo các phóng viên đến từ các báo đài trên cả nước.
“Nếu bạn không thể đo lường nó, bạn không thể quản lý nó"
Phát biểu buổi khai mạc, TS. Bùi Văn Quyền đã nhận xét và đánh giá tích cực các giá trị tri thức của các buổi tập huấn đã tổ chức cũng như đánh giá cao nội dung của buổi tập huấn số 6 này. Theo ông, trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ thẩm định giá tài sản trí tuệ được xem là vấn đề khó tuy nhiên nếu chúng ta xác định được giá trị của tài sản như là nguồn động lực hết sức quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế, xã hội.
Theo Bà Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng ban Đào tạo, tập huấn, hội thảo chia sẻ: Tài sản trí tuệ (TSTT) là một loại tài sản vô hình, không thể xác định bằng các đặc điểm vật chất của chính nó nhưng lại có giá trị lớn và có khả năng sinh ra lợi nhuận. Nó là thước đo hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh và khả năng phát triển của doanh nghiệp cả trước mắt và trong tương lai. Tuy nhiên, đến nay tài sản trí tuệ vẫn chưa được phát huy hết tiềm năng, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là việc định giá loại tài sản này vẫn còn gặp một số bất cập. Theo đánh giá của các chuyên gia, tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình rất quan trọng, nếu định giá được nó giúp doanh nghiệp biết được giá trị tài sản của mình, từ đó có những quyết sách, chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Theo bà, các lợi ích kinh tế của việc định giá TSTT sẽ gồm có: Loại trừ các đối thủ cạnh tranh khỏi một thị trường cụ thể trong một thời gian nhất định, hoặc nói chung, nâng rào cản gia nhập thị trường của các đối thủ cạnh tranh tiềm năng; Khai thác trực tiếp tài sản trí tuệ với tư cách là chủ sở hữu các quyền SHTT có liên quan, hoặc thông qua việc chuyển nhượng hoặc cấp phép li-xăng cho các bên thứ ba, đặc biệt bà chia sẻ: “Nếu bạn không thể đo lường nó, bạn không thể quản lý nó”, từ đó khẳng định vai trò của việc thẩm định giá tài sản trí tuệ.
“Thẩm định giá - giải nút thắt của các cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động phát triển và đổi mới sáng tạo”
Đến với buổi tập huấn, diễn giả Nguyễn Kim Đức đã có bài tham luận rất sâu sắc trong vấn đề thẩm định giá tài sản trí tuệ. Diễn giả chia sẻ rằng: “Thẩm định giá là một môn khoa học cũng là một nghệ thuật, chúng ta cần có mô hình công thức để thành khoa học, nhưng cũng cần có khả năng phán đoán của thẩm định viên để hình thành nên tính nghệ thuật”. Khi thẩm định giá chủ sở hữu cần xác định rõ đối tượng cần thẩm định giá là tài sản hay là quyền tài sản, biết kiến thức về kế toán, về tài chính và về kinh tế lượng thậm chí cả chiến lược marketing, cần xác định được địa điểm, thời điểm, mục đích của thẩm định giá để giúp các thẩm định viên có thể tìm được mô hình phù hợp và xác định giá hợp lý.
Ngoài ra, đến với buổi tập huấn, diễn giả cũng đã chia sẻ các ví dụ cụ thể về vấn đề thẩm định giá, đặc biệt là các chủ sáng chế, các doanh nghiệp có thể có khả năng tự định giá cho tài sản trí tuệ của mình, dựa trên nền tảng của doanh nghiệp và tính pháp lý của việc định giá. Thông qua đó, có thể khẳng định rằng vai trò của việc định giá doanh nghiệp, định giá tài sản trí tuệ là một phần cốt yếu trong quá trình phát triển doanh nghiệp, là cơ sở khẳng định được tiềm lực của tài sản doanh nghiệp, gỡ rối nút thắt của các doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình phát triển doanh nghiệp, thương mại hóa sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ.
Những vấn đề mà các doanh nghiệp còn băn khoăn trắc trở đều được chuyên gia giải đáp rõ ràng, cụ thể, đồng thời diễn giả cũng chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm cá nhân và các tài liệu tham khảo quý giá đến với các đại biểu tham dự. Có thể nói, buổi tập huấn này là một diễn đàn để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chuyên gia, các cơ quan/ban ngành … cùng gặp gỡ, kết nối, chia sẻ và thảo luận nhằm tìm hiểu các tri thức liên quan đến vấn đề thẩm định giá, cách sử dụng tài sản trí tuệ sao cho đúng giá trị thật sự của nó cũng như cho thấy việc định giá tài sản trí tuệ cũng là một công việc bắt buộc để các doanh nghiệp biết được giá trị tài sản trí tuệ của mình, từ đó đưa ra những quyết định, chiến lược phù hợp, lan tỏa tri thức đến cộng đồng xã hội./.
Lê Thị Thanh Tâm - Nguyễn Lữ Bảo Vy, Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo