SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Quyền tác giả là gì? Làm thế nào để đăng ký bản quyền tác giả?

07:18, 23/07/2021
(SHTT) - Quyền tác giả hay bản quyền là một trong những yếu tố quan trọng đối với những người làm công việc liên quan tới hoạt động sáng tạo khi nó vừa mang đến những giá trị kinh tế và giá trị tinh thần không thể thay thế.

Ở Việt Nam, quyền tác giả là một lĩnh vực phức tạp, còn mới mẻ nhưng các quy định pháp luật Việt Nam và các điều ước mà Việt Nam tham gia về quyền tác giả hiện đang cơ bản đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả nói chung và quyền tác giả âm nhạc nói riêng.

Tuy nhiên hiện nay, do vẫn chưa nhận thức đầy đủ về quyền này nên nạn xâm phạm quyền tác giả âm nhạc vẫn đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực và ngày càng phức tạp, tinh vi hơn, với những “chiêu trò” khó lường, vừa gây thiệt thòi về vật chất, vừa ảnh hưởng đến tinh thần và sức sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sỹ.

Vì vậy, để đảm bảo lợi ích và sự công bằng cho những giá trị sáng tạo của người tạo ra các nội dung hoặc tác phẩm mới.

Dieu-kien-bao-ve-quyen-tac-gia-1

 

Khái niệm bản quyền

Quyền tác giả hay bản quyền là một thuật ngữ pháp lý được sử dụng để mô tả quyền mà tác giả có đối với các tác phẩm văn học và nghệ thuật của họ. Các tác phẩm thuộc phạm vi bản quyền bao gồm từ sách, nhạc, tranh, điêu khắc và phim, đến các chương trình máy tính, cơ sở dữ liệu, quảng cáo, bản đồ và bản vẽ kỹ thuật.

Tại Việt Nam, Quyền tác giả được quy định chi tiết trong Bộ Luật Dân sự 2005 (nay được thay thế tại Bộ Luật Dân Sự 2015) Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị Định 22/2018/NĐ-CPcủa Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan.

Các loại hình được và không được bảo hộ quyền tác giả

Các loại hình được bảo hộ quyền tác giả

Căn cứ theo Điều 14 Luật SHTT, tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

  • Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
  • Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
  • Tác phẩm báo chí;
  • Tác phẩm âm nhạc;
  • Tác phẩm sân khấu;
  • Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
  • Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
  • Tác phẩm nhiếp ảnh;
  • Tác phẩm kiến trúc;
  • Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học;
  • Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
  • Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

Điều 14 còn quy định: Tác phẩm phái sinh (Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn) chỉ được bảo hộ theo quy định tại điểm a nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh

Ngoài ra, tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình, tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác và bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

Các loại hình không được bảo hộ quyền tác giả

  • Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin.
  • Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.
  • Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.
dang-ky-quyen-tac-gia-cho-ca-nhan-phap-nhan-nuoc-ngoai-1-1

 

Ai là người được sở hữu quyền tác giả?

Tại phần lớn các quốc gia, theo Công ước Berne, quyền tác giả đối với tác phẩm được trao một cách tự động mà không cần đăng ký hay tuyên bố bằng hình thức nào đặc biệt.

Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều có một hệ thống để cho phép đăng ký tự nguyện các tác phẩm. Các hệ thống đăng ký tự nguyện như vậy có thể giúp giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu hoặc sáng tạo, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính, bán hàng, và chuyển nhượng và / hoặc chuyển nhượng quyền.

Điều kiện để tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả và điều kiện để đăng ký bản quyền tác giả cho tác phẩm

Cơ chế bảo hộ tự động quyền tác giả và quyền liên quan lại là nguyên nhân gây ra các vấn đề, khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp bởi việc xác định chủ thể sáng tạo ra tác phẩm hoặc cuộc biểu diễn, ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đầu tiên là không hề dễ dàng.

Do đó, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đóng một vai trò quan trọng trong việc làm chứng cứ chứng minh trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, chúng tôi xin chia sẻ với quý khách hàng các điều kiện đăng ký bản quyền tác giả cần thiết cho tác phẩm.

quyen-tac-gia-la-gi-doi-tuong-duoc-bao-ho-quyen-tac-gia-la-gi-scaled

 

Điều kiện để tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, cần đáp ứng 2 điều kiện cơ bản:

Tính sáng tạo của tác phẩm

Dù là trong các văn bản pháp luật quốc tế hay Việt Nam thì vẫn chưa có một quy định cụ thể về tính sáng tạo của tác phẩm. Tuy nhiên căn cứ theo Hiệp định TRIPS và Công ước Berne thì mỗi quốc gia thành viên được quyền tự quyết trong việc xác định mức độ sáng tạo cần thiết để sản phẩm trí tuệ được bảo hộ quyền tác giả mà theo đó cần thoả mãn tính sáng tạo trí tuệ (intellectual creation), được quy định thành tính sáng tạo (creativity) hoặc tính nguyên gốc (originality).

Quy định về tính sáng tạo của tác phẩm trong pháp luật Việt Nam có thể được hiểu là hoạt động sáng tạo trí tuệ được tạo ra lần đầu tiên và trực tiếp bởi tác giả, không sao chép từ các tác phẩm của người khác.

Tác phẩm phải được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định

Mọi sản phẩm sáng tạo trí tuệ đều bắt đầu bằng những ý tưởng. Những ý tưởng này được hình thành, phát triển và tác giả có thể lựa chọn bộc lộ và thể hiện sản phẩm đó dưới dạng hình thức, vật chất nhất định được không.

Tuy nhiên pháp luật sở hữu trí tuệ không bảo vệ ý tưởng, chỉ bảo vệ sản phẩm đã được thể hiện dưới một dạng hình thức, vật chất nhất định

VD: Tác phẩm văn học được thể hiện dưới dạng bài thơ, bài viết,… tác phẩm điện ảnh được thể hiện dưới dạng thước phim.

Điều kiện đăng ký bản quyền tác giả đối với chủ thể đăng ký

Căn cứ theo quy định từ Điều 37 đến Điều 42 Luật Sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân có tác phẩm, trước khi bảo hộ quyền tác giả cần phải đăng kí bản quyền tác giả cho tác phẩm của mình. Bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả:

  • Tác giả, các đồng tác giả,
  • Tổ chức – cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả,
  • Người thừa kế, người được chuyển giao quyền, Nhà nước.

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Quyền của người sở hữu quyền tác giả

Quyen-nhan-than-va-quyen-tai-san-cua-quyen-tac-gia

 

Người sở hữu Quyền tác giả có những quyền sau:

Quyền Nhân thân:

  • Đặt tên cho tác phẩm
  • Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
  • Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
  • Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Quyền tài sản:

  • Làm tác phẩm phái sinh;
  • Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
  • Sao chép tác phẩm;
  • Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
  • Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
  • Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính

Tác phẩm được bảo hộ theo cơ chế quyền tác giả là các tác phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật.

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

- Quyền nhân thân (trừ quyền được công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm) thì được bảo hộ vô thời hạn.
- Đối với quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và quyền tài sản thì:

  • Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên;
  • Đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình;
  • Đối với tác phẩm khác và tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;

Thời hạn bảo hộ trên sẽ chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

Cách tính thuế thu thập cá nhân từ bản quyền

Cách tính thuế TNCN từ bản quyền

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp  =  Thu nhập tính thuế  X  thuế suất 5%

Thu nhập tính thuế là gì?

Thu nhập tính thuế từ tiền bản quyền là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo hợp đồng chuyển nhượng, không phụ thuộc vào số lần thanh toán hoặc số lần nhận tiền mà người nộp thuế nhận được khi chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.cách tính thuế thu nhập cá nhân từ bản quyền

Trường hợp cùng là một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ nhưng hợp đồng chuyển giao, chuyển quyền sử dụng thực hiện làm nhiều hợp đồng với cùng một đối tượng sử dụng thì thu nhập tính thuế là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng tính trên tổng các hợp đồng chuyển giao, chuyển quyền sử dụng

Trường hợp đối tượng chuyển giao, chuyển quyền là đồng sở hữu thì thu nhập tính thuế được phân chia cho từng cá nhân sở hữu. Tỷ lệ phân chia được căn cứ theo giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Thuế suất là gì?

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ bản quyền áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 5%.

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân từ bản quyền

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ bản quyền là thời điểm trả tiền bản quyền.

20201013_5f85f14e2b0a5

 

Quy trình đăng ký bản quyền tác giả

Đăng ký bản quyền tác giả là gì?

Đăng ký bản quyền tác giả hay còn được gọi với cái tên thông dụng khác đó chính là bảo hộ quyền tác giả.

Đây là quyền cho người sáng tạo ra một tác phẩm để ngăn chặn các hành vi sử dụng trái phép của các cá nhân, tổ chức: sao chép, ăn trộm hay lạm dụng tác phẩm của người khác.

Để có thể tạo ra một tác phẩm cần phải đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, thời gian và cả tài chính.

Vì thế việc đăng ký bản quyền tác giả là việc vô cùng quan trọng và nên làm khi sáng tạo ra một tác phẩm có giá trị, giúp tác phẩm được công nhận, trao phần thưởng xứng đáng và động viên tinh thần cho thành quả đóng góp của tác giả.

Lợi ích từ việc đăng ký bản quyền tác giả

Đăng ký bản quyền tác giả là một thủ tục không bắt buộc, nhưng để bảo vệ tác phẩm khi có tranh chấp xảy ra thì nó lại đóng vai trò vô cùng cần thiết và quan trọng với những lợi ích như sau:

  • Việc đăng ký giúp tác giả dễ dàng khai thác các quyền nhân thân, tài sản và chủ sở hữu đã được pháp luật ghi nhận.
  • Chứng minh được tính hợp pháp khi xảy ra tranh chấp đối với tác phẩm, từ đó các cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp dân sự, hành chính với các hành vi xâm phạm bản quyền.
  • Giúp tác phẩm của tác giả, chủ sở hữu được bảo vệ quyền lợi theo điều ước của quốc tế có nghĩa là sản phẩm của bạn sẽ được bảo hộ trên toàn thế giới.

Cơ sở pháp lý thực hiện đăng ký bản quyền tác giả

Để có đủ điều kiện để đăng ký bản quyền tác giả chúng ta cần căn cứ trên các cơ sở pháp lý sau:

- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009

- Chủ thể có quyền được đăng ký quyền tác giả

Căn cứ theo Điều 13 Luật sở hữu trí tuệ 2005, tác giả, chủ sở hữu có quyền được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:

  • Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra sản phẩm vả chủ sở hữu quyền tác giả;
  • Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trên bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác;tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên

Thời gian đăng ký bản quyền tác giả

Khi một tác giả sáng tạo ra tác phẩm, sẽ phát sinh việc bảo hộ quyền nhân thân và quyền tài sản.

Thời hạn đăng ký bản quyền tác giả được quy định như sau:

- Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ được bảo hộ vô thời hạn.

- Quyền tài sản quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ có thời hạn bảo hộ như sau:

  • Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Trong thời hạn năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn được tính từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả được xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;
  • Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;
  • Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
20-scaled

 

Cách thức đăng ký quyền tác giả

Có 2 cách để tiến hành đăng ký quyền tác giả:

Cách thứ nhất: Nộp trực tiếp tại Cục Bản quyền tác giả hoặc văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh:Cục Bản quyền tác giảĐịa chỉ: Số 33 Ngõ 294, 2 Kim Mã, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 024 3823 4304

Hoặc: Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại Thành phố Hồ Chí MinhĐịa chỉ: 170 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3930 8086

Cách thứ hai: Soạn hồ sơ và gửi qua đường bưu điện tới các địa chỉ trên.Lưu ý: Từ năm 2021 tất cả hồ sơ đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả đều phải tiến hành nộp online trước khi nộp hồ sơ bản cứng. Theo đó người nộp hồ sơ phải tạo tài khoản tại cổng thông tin và nộp hồ sơ. Đây là điểm mới so với việc nộp hồ sơ các năm trước đó.

Thủ tục Đăng ký bảo hộ Bản quyền tác giả

Việc đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả sẽ tránh làm phát sinh những tranh chấp không đáng có về thời điểm sáng tạo cũng như về tác giả, chủ sở hữu của tác phẩm.

Trường hợp người đăng ký là chủ sở hữu đồng thời là tác giả/ các đồng tác giả, để nộp đơn, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm đăng ký bản quyền cần chuẩn bị các tài liệu bao gồm:

  • 03 bản mẫu tác phẩm cần đăng ký; tác phẩm đã được công bố hay chưa; thời gian công bố;
  • 02 Bản sao chứng minh nhân dân của tác giả/các tác giả.
  • Tên đầy đủ, bút danh (nếu có), địa chỉ, số điện thoại, fax của tác giả/các đồng tác giả;
  • Giấy uỷ quyền của tác giả/ các tác giả (theo mẫu);
  • Giấy cam đoan của tác giả độc lập sáng tạo tác phẩm, không vi phạm bản quyền của ai - 1 bản (theo mẫu);

Trường hợp người đăng ký là chủ sở hữu không đồng thời là tác giả (tổ chức, công ty), để nộp đơn, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm đăng ký bản quyền cần chuẩn bị các tài liệu bao gồm:

  • 03 bản mẫu tác phẩm gốc;
  • 01 Giấy uỷ quyền của tổ chức công ty (theo mẫu);
  • 01 Bản sao công chứng chứng minh nhân dân (hoặc Chứng minh thư gốc nộp kèm để đối chiếu khi không có công chứng bản sao) của tác giả/các tác giả tác phẩm có xác nhận sao y bản chính;
  • Giấy chuyển nhượng quyền sở hữu tác phẩm của tác giả/ các tác giả cho chủ sở hữu tác phẩm (tổ chức, công ty) (1 bản);
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập có công chứng;
  • Giấy cam đoan của tác giả/các tác giả độc lập sáng tạo tác phẩm, không vi phạm bản quyền của ai (theo mẫu);
  • Các thông tin khác: bút danh của tác giả; địa chỉ; số điện thoại và fax của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.

Hướng dẫn ghi thông tin trên tờ khai đăng ký quyền tác giả

1. Ghi rõ người nộp tờ khai là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, hoặc người thừa kế, hoặc người được uỷ quyền.

2. Ghi rõ nộp hồ sơ cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

3. Ghi rõ tác phẩm thuộc loại hình nào quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ.

4. Nếu tác phẩm đã công bố thì ghi rõ ngày tháng năm công bố; nếu tác phẩm chưa công bố thì ghi “chưa công bố”.

5. Ghi rõ hình thức phát hành bản sao tác phẩm như xuất bản, ghi âm, ghi hình..v.v.

6. Tóm tắt nội dung chính của tác phẩm.

7. Khai đầy đủ các thông tin về tác giả, các đồng tác giả (Tên gọi chính thức, bút danh, bí danh (nếu có), địa chỉ, điện thoại, email v.v…).

8. Khai đầy đủ thông tin về chủ sở hữu, các đồng chủ sở hữu quyền tác giả (Tên gọi chính thức, tên gọi tắt (nếu có), địa chỉ, điện thoại, email v.v…).

9. Ghi rõ là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo hoặc cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc cá nhân hoặc tổ chức giao kết hợp đồng sáng tạo với tác giả; hoặc hợp đồng chuyển giao quyền tác giả hoặc người thừa kế.

10. Ghi rõ họ, tên, chức danh, ký tên và đóng dấu.

Tài liệu bổ sung

Ngoài tờ khai Đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả nêu trên, khách hàng cần chuẩn bị thêm những tài liệu sau:

  • Bản sao chứng minh thư nhân dân của tác giả;
  • Bản sao chứng minh thư nhân dân của chủ sở hữu tác phẩm (trong trường hợp cá nhân đăng ký)
  • Bản sao Giấy phép kinh doanh ( Trong trường hợp pháp nhân Đăng ký)
  • Bản cam đoan tác giả đối với tác phẩm
  • Tuyên bố Đồng tác giả (áp dụng trong trường hợp có từ 02 tác giả trở lên)
  • Tác phẩm cần Đăng ký (02 bản)

Thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy Chứng nhận đăng ký quyền liên quan

quan ly thuong mai

 

Cục Bản quyền tác giả

Cục Bản quyền tác giả có thẩm quyền cấp, cấp lại, đổi, huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan quy định tại khoản 1, 2 Điều 51 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có nhu cầu xin cấp lại hoặc đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì nộp đơn nêu rõ lý do và hồ sơ theo quy định tại Điều 50 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Cục Bản quyền tác giả cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan bị mất; đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trong trường hợp bị rách nát, hư hỏng hoặc thay đổi chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan;

Cục Bản quyền tác giả huỷ bỏ Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trong trường hợp xác định người đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là tác giả, chủ sở hữu và những trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã đăng ký không thuộc đối tượng bảo hộ theo quy định của pháp luật.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sau khi tiếp nhận đơn đăng ký, cấp lại, đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan theo quy định pháp luật, chuyển Cục Bản quyền tác giả xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chuyển cho tổ chức, cá nhân nộp đơn ngay sau khi nhận được kết quả xem xét, giải quyết của Cục Bản quyền tác giả.

Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp phí, lệ phí khi tiến hành các thủ tục liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan cho Cục Bản quyền tác giả theo quy định pháp luật.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành các mẫu đơn đăng ký, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

Những hành vi được cọi là vi phạm bản quyền tác giả? Cần làm gì khi phát hiện hành vi vi phạm quyền tác giả?

Các hành vi được coi là vi phạm bản quyền tác giả:

1. Chiếm đoạt quyền tác giả, mạo danh tác giả.

2. Công bố, quảng bá, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.

3. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà chưa được phép của đồng tác giả đó.

4. Chỉnh sửa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây ảnh hưởng tổn hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

5. Sao chép tác phẩm khi không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu, trừ trường hợp được sự cho phép của pháp luật

6. Làm tác phẩm phái sinh mà khi chưa được phép của tác giả, chủ sở hữu, trừ trường hợp được sự cho phép của pháp luật

7. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu, không trả tiền nhuận bút, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được sự cho phép của pháp luật.

8. Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả

9. Sản xuất bản sao, phân phối, lưu chuyển, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông mà không được sự cho phép của tác giả

10. Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu.

11. Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý của tác phẩm bằng những hình thức tinh vi

12. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị hoặc làm vô hiệu hóa kỹ thuật bảo vệ  quyền tác giả đối với tác phẩm

13. Bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả, chủ sở hữu bị giả mạo.

14. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà chưa được sự cho phép của chủ sở hữu.

Các hành vi vi phạm quyền tác giả được xử lý như thế nào?

Theo quy định của Bộ luật hình sự, các hành vi sẽ bị xử lý vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan sẽ do tòa án có thẩm quyền xem xét và xét xử theo quy định tại Điều 131 về "Tội xâm phạm quyền tác giả".

Cụ thể, Điều 131 về tội xâm phạm quyền tác giả quy định:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm:

a) Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;

b) Mạo danh tác giả trên tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;

c) Sửa đổi bất hợp pháp nội dung của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;

d) Công bố, phổ biến bất hợp pháp tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

A) Có tổ chức;

B) Phạm tội nhiều lần;

C) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Bên cạnh đó, Điều 170a của Bộ luật Hình sự quy định về "Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan" như sau:

1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm:

a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;

b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Xem thêm: Tài sản trí tuệ và những vấn đề pháp lý liên quan

Thái An (t/h)

 

Tin khác

Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Một nhà nghiên cứu AI đã kiện Amazon về vấn đề phân biệt và sa thải bất hợp pháp, với cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi phát triển các mô hình AI để cạnh tranh.
Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Tại Hội nghị Nghiên cứu Khoa học sinh viên về Sở hữu trí tuệ, một trong những đề tài được quan tâm là ‘‘Hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo’’ đã được đưa ra bàn luận và nhận được những đánh giá rất tích cực. 
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Công ty dược phẩm Acuitas Therapeutics và công ty CureVac vừa giải quyết vụ kiện đòi được công nhận là người phát minh từ phía Acuitas trong các liên quan đến vắc xin COVID-19.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Cấp quyền hình ảnh nhân vật (Character Licensing) là chiến lược kinh doanh được nhiều tập đoàn sáng tạo trên thế giới áp dụng thành công và đem về những nguồn lợi nhuận khổng lồ. Vậy Character Licensing là gì và cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt Nam?
Tài sản trí tuệ 4 ngày trước
(SHTT) - Ngày 20/4/2024, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4/2024. Hội nghị thu hút sự tham gia của sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội.