SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Những đề tài khoa học và công nghệ thiết thực với Tây Nguyên

11:14, 25/06/2015
Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên" (Chương trình Tây Nguyên 3) đã đi được 3/4 chặng đường. Một số kết quả nghiên cứu đã và đang được nghiệm thu và chuyển giao cho các địa phương ứng dụng vào thực tế sản xuất và đời sống của nhân dân các dân tộc trong vùng.

Tiến sĩ Lưu Thế Anh, Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HLKH&CNVN), đã hơn ba năm triển khai thực hiện đề tài "Nghiên cứu tổng hợp thoái hóa đất, hoang mạc hóa ở Tây Nguyên và đề xuất các giải pháp sử dụng đất bền vững" (mã số TN3/T01). Với sự điều tra và phân tích khoa học, tác giả đã làm rõ được hiện trạng tài nguyên đất vùng Tây Nguyên chứa đựng sự phong phú, bao gồm hơn mười nhóm đất như: đất xám, đất đỏ, đất nâu vàng bán khô hạn, đất xói mòn trơ sỏi đá, đất nâu thẫm, đất đen, đất phù sa, đất mùn alít núi cao…

Trong hàng chục nhóm đất đỏ, nhóm đất xám chiếm diện tích lớn nhất với hơn hai triệu 862 nghìn 870 ha (chiếm 52,4% diện tích tự nhiên trong vùng). Độ an toàn sinh thái của tài nguyên đất Tây Nguyên ở mức khá cao khi có tới gần 60% diện tích phân bố ở độ dốc dưới 25%.

Tính đến đầu năm 2014, các tỉnh Tây Nguyên đã khai thác 95% diện tích quỹ đất (tương ứng 5.189.936ha) vào việc sử dụng cho các mục đích khác nhau. Trong đó, đất cho sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 4.823.640ha (88,28%), đất phi nông nghiệp hơn 366.305ha (chiếm 6,7%); đất chưa sử dụng vùng Tây Nguyên còn khoảng 5% mà chủ yếu là đất đồi núi có độ dốc lớn…

Ở đây, nhóm tác giả thực hiện đề tài cũng đã chỉ ra tình trạng thoái hóa đất và hoang mạc hóa vùng Tây Nguyên. Tài nguyên đất vùng Tây Nguyên chịu tác động của năm quá trình thoái hoá đất chính. Đó là quá trình xói mòn và rửa trôi bề mặt, laterít hóa hình thành kết von, rửa trôi theo phẫu diện và tích tụ sét, quá trình glây hóa và quá trình khoáng hóa.

Quá trình thoái hóa đất ở Tây Nguyên diễn ra với quy mô và cường độ ngày càng gia tăng do các nguyên nhân (hạn hán kéo dài, lượng mưa lớn và tập trung, từ sự phân hóa mùa mưa và mùa khô sâu sắc), ngoài ra là sự tác động của con người (phá rừng diễn ra trong nhiều năm, thiếu biện pháp bảo vệ đất trong canh tác nông nghiệp, độc canh cây công nghiệp dài ngày, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên đất…).

Cũng do mức độ thoái hóa đất từ mức trung bình (chiếm 45,8%) đến thoái hóa mạnh và rất mạnh (chiếm hơn 20%) đã dẫn đến sự xuất hiện ba dạng hoang mạc hóa cục bộ ở Tây Nguyên, gồm hoang mạc đá có diện tích khoảng hơn 6.380ha, hoang mạc đất khô cằn khoảng 182.000ha (3,2%) và hiện tượng hoang mạc sỏi sạn hơn 102.250ha (2,2%).

Xu thế của quá trình thoái hóa đất và hoang mạc hóa vùng Tây Nguyên được các nhà chuyên môn cảnh báo sẽ mở rộng diện tích và gia tăng cường độ do các áp lực về tăng dân số, tình trạng phá rừng làm nương rẫy và nhất là tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra một cách khốc liệt…

Để hạn chế từng bước và tiến tới ngăn chặn được quá trình thoái hóa và hoang mạc hóa vùng đất Tây Nguyên, tác giả và các cộng sự của đề tài đã đề xuất được một số giải pháp cụ thể, trong đó tập trung vào các giải pháp chính: tăng cường hiệu quả quản lý tài nguyên đất; ứng phó tích cực với tình trạng khô hạn và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng mô hình quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên đất; không ngừng đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm ở Tây Nguyên; xây dựng kế hoạch hành động phòng chống thoái hóa đất và hoang mạc hóa vùng Tây Nguyên đến năm 2020 và các năm tiếp theo…

Mùa khô hằng năm ở Tây Nguyên (từ tháng 11 năm trước đến tháng tư năm sau) thường gây ra hạn hán nặng, trong khi mùa mưa (tháng 5 đến tháng 10) lại gây úng ngập và lũ lụt. Hơn mười năm trở lại đây, tình trạng hạn hán diễn ra gay gắt, nhất là các địa phương thuộc các tỉnh Đác Lắc, Gia Lai, Đác Nông. Hạn hán không chỉ làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp trong toàn vùng. Gần đây nhất các đợt hạn hán cao điểm vào tháng ba, tháng tư năm 2013 và 2015 vừa qua, khiến các hồ chứa thủy lợi và thủy điện khu vực Tây Nguyên bị thiếu hụt nước nghiêm trọng, dẫn đến hàng chục nghìn ha cà phê ở Tây Nguyên khô héo, đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây hết sức khó khăn.

Nằm trong chương trình, nhiệm vụ Tây Nguyên 3, Tiến sĩ Nguyễn Lập Dân cùng nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu cơ sở khoa học cho giải pháp tổng thể giải quyết các mâu thuẫn lợi ích trong việc khai thác sử dụng tài nguyên nước lãnh thổ Tây Nguyên" (mã số TN3/T02).

Trên cơ sở những kết quả đạt được của đề tài, Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đã nhận xét: Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp hiện đại phù hợp nhằm đạt các mục tiêu đề ra. Tuy chưa làm rõ được giải pháp tổ chức quản lý các lưu vực sông trong vùng, hay cần cụ thể hơn trong việc đề xuất các biện pháp cung cấp nước tưới cho cây công nghiệp, song đề tài đã thực hiện được đầy đủ các nội dung và chủng loại sản phẩm khoa học đề ra. Bởi, nhóm tác giả đã làm rõ được thực trạng và các mâu thuẫn chính trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước ở Tây Nguyên. Phân tích, đánh giá và dự báo được các tác động của quá trình khai thác, sử dụng nước trên các lưu vực sông khu vực này đến tài nguyên môi trường và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Đồng thời, đề tài cũng đã đề xuất các giải pháp tổng thể trong việc sử dụng hiệu quả tài nguyên nước và giải pháp công nghệ nhằm hạn chế các tác động tiêu cực (lũ lụt, hạn hán) và nguy cơ biến đổi khí hậu đối với nguồn nước lãnh thổ ở Tây Nguyên đến sau năm 2020…

Tiến sĩ Nguyễn Đình Kỳ, Phó chủ nhiệm chương trình Tây Nguyên 3, Viện HLKH&CNVN cho biết: với gần 60 đề tài, nhiệm vụ bao gồm khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ và khoa học xã hội - nhân văn đang vào thời điểm tổng kết, nghiệm thu. Thực hiện phương châm bám sát thực tiễn Tây Nguyên, triển khai đề tài có địa chỉ ứng dụng góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Một loạt các vấn đề như sản xuất thép từ nguồn thải bùn đỏ trong quá trình khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, quy trình công nghệ sản xuất phân ure và NPK nhả chậm ứng dụng cho các loại cây trồng khu vực Tây Nguyên, công nghệ cấy chuyển phôi bò sữa cao sản ở Lâm Đồng; rồi các vấn đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chiến lược xây dựng khối đại đoàn kết trong thời kỳ hội nhập ở khu vực này… đã và đang được tổng kết, đánh giá và chuyển giao cho các địa phương Tây Nguyên.

Những sản phẩm khoa học và công nghệ này sẽ góp phần cùng các cấp ủy đảng và chính quyền trên địa bàn xây dựng các luận cứ khoa học trong công tác quản lý tổng hợp, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở vùng văn hóa đa sắc tộc nhưng còn lắm khó khăn của đất nước.

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.