Hải Dương: Sáng chế máy xịt dung dịch sát khuẩn của học sinh Tứ Kỳ
Chủ nhân của sáng chế này là em Phạm Quang Vinh, học sinh lớp 9 Trường THCS Ngọc Kỳ nghiên cứu, sáng chế. Máy đã được thử nghiệm tại một số doanh nghiệp, trường học trong huyện và tham dự trưng bày tại Techfest Việt Nam 2020 - Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 26-29/11) và vừa được đăng ký sáng chế độc quyền của Cục Sở hữu trí tuệ.
Máy xịt dung dịch sát khuẩn đa năng này dài 50 cm, rộng 50cm, cao 140 cm, nặng 30 kg. Máy có các bộ phận chính như bình chứa dung dịch sát khuẩn, bơm piston, ống dẫn dung dịch, cảm biến vật cản quang học hồng ngoại, bộ công tắc nguồn, hệ thống dây dẫn điện…
Điểm nổi bật là máy có thể hoạt động cả lúc có điện và khi mất điện. Khi có điện, người dùng chỉ cần đưa 2 bàn tay vào buồng xịt dung dịch là cảm biến tự hoạt động. Khi mất điện, người dùng sẽ đạp chân lên bàn đạp để kích hoạt hệ thống phun sương. Máy có thể điều chỉnh độ tơi của màn sương. Quá trình ứng dụng thực tế cho thấy mỗi người chỉ cần 1-2 giây để khử khuẩn tay với chiếc máy này. Mỗi lần nạp đầy dung dịch, máy có thể sát khuẩn tay cho 4.000-10.000 người. So với các loại máy sát khuẩn tay hiện có trên thị trường, máy do Vinh sáng chế được đánh giá nhỏ gọn hơn, giá thấp hơn.
Được biết, Vinh chính là con trai của nhà sáng chế Phạm Văn Hát.
Anh Phạm Văn Hát sinh năm 1972, là hội viên nông dân thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Chuyện anh nông dân này chưa qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào nhưng đã sáng chế ra nhiều sản phẩm máy nông nghiệp xuất khẩu đi hơn 10 quốc gia và tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước khiến nhiều người phải nể phục. Nhưng với những người nông dân Hải Dương thì những việc làm của Phạm Văn Hát đã không còn là chuyện lạ. Bởi các sáng chế của anh được ra đời từ những cánh đồng quê và phục vụ rất hiệu quả hoạt động sản xuất của bà con nông dân.
Năm 2014, chiếc máy gieo hạt của anh lần đầu xuất hiện trên thị trường và lập tức được nhiều người tìm đến đặt mua. Anh gọi sản phẩm của mình là "Robot đặt hạt". Ưu điểm của máy là có thể điều chỉnh đặt hạt chính xác theo cự ly định sẵn. Một "Robot đặt hạt" của anh thay thế được cho 40 người làm việc. Vì thế, nếu có máy, gia đình không phải lo thuê lao động đặt hạt cho kịp thời vụ, mà còn chủ động thời gian gieo hạt, trồng trọt. Sau hai năm nghiên cứu, chế tạo (2012-2014), "Robot đặt hạt" với thương hiệu Phạm Văn Hát đã có mặt không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn chiếm lĩnh nhiều thị trường các nước, như: Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…, với giá 2.500 USD/chiếc.
Đến nay, anh là người nông dân điển hình thành công với sự sáng tạo, ham tìm hiểu, học hỏi. Rất nhiều bằng khen, huy chương anh đã nhận được, thậm chí cả Huân chương Độc lập do Nhà nước trao tặng cũng đã nằm trong tủ phần thưởng của anh. Nhưng anh vẫn không ngừng sáng tạo, vẫn tiếp tục, cải tiến và chế tạo thêm nhiều loại máy nông cụ để giúp người lao động nông thôn đảm bảo năng suất, điều kiện lao động với một quan điểm chế tạo là càng đơn giản càng tốt, không cần chip điện tử, rơ le.
Hải Hà