Chuyển đổi số phải xuất phát từ con người, lấy con người làm trung tâm
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã chỉ ra định hướng phát triển đất nước, giai đoạn 2021 - 2030:
Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước quốc tế;
Nhằm xây dựng hệ sinh thái giúp định hình và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, giúp các đơn vị, tổ chức có thể cập nhật kịp thời sự phát triển chung của thế giới, tối ưu hóa tiến trình tiếp cận các giải pháp; giải quyết các vấn đề và thách thức của tổ chức để thực hiện chuyển đổi số được thành công;
Kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái chuyển đổi số - góp phần hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi hiệu quả hơn, góp phần tháo gỡ những khó khăn mà các tổ chức - doanh nghiệp đang gặp phải.
Vì vậy có thể thấy chuyển đổi số đang là một trong những vấn đề đáng quan tâm thời gian hiện nay. Tại Diễn đàn Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, các chuyên gia cũng đã sôi nổi bàn luận về vấn đề này.
Ông Thái Trí Hùng, Phó tổng giám đốc MOMO cho rằng: Tư duy dữ liệu trong kiến tạo, quản trị và vận hành sản phẩm nội dung số là hết sức quan trọng. Theo ông Hùng, chuyển đổi số chính là quá trình đưa các dữ liệu về con người, về doanh nghiệp, các hoạt động kinh doanh lên môi trường số. Chuyển đổi số phải xuất phát từ con người, phục vụ con người và lấy con người làm trung tâm. Do đó, nguồn dữ liệu càng phong phú thì việc phân tích dữ liệu về một vấn đề càng được chi tiết hơn.
Tuy nhiên, độ chính xác của dữ liệu qua AL hay Google cũng cần được kiểm chứng. Mặt khác, càng nhiều dữ liệu khách nhau về một vấn đề càng làm cho người ta hoang mang và dễ bị sa lầy vào vùng “đầm lầy dữ liệu” nên các bên phải rất cân nhắc việc đưa nguồn dữ liệu, chính xác và cần thiết lên môi trường số. Tiếp cận dữ liệu, nhưng chúng ta phải biết phân tích dữ liệu. Cần xác định rõ mục tiêu khi phân tích dữ liệu trên môi trường số, phải khẳng định dữ liệu là công cụ cần thiết để đạt được kết quả.
Đồng thời, ông Hùng nhấn mạnh: “Những nhà làm dữ liệu phải có đạo đức nghề nghiệp trong việc cam kết bảo đảm bí mật dữ liệu của khách hàng. Việc cung cấp dữ liệu chính xác cùng với việc đảm bảo an toàn thông tin cho khách hàng sẽ giúp tiến trình chuyển đổi số quốc gia được thành công hơn”.
Trong khi đó, ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số chia sẻ, chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng một đơn vị nào mà là câu chuyện chung của mọi người, mọi tổ chức. Chuyển đổi số là phương thức phát triển để đạt được mục tiêu tăng trưởng, không phải là một mô hình, mà là một tiến trình, do đó không có khuôn mẫu nào để học tập.
Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về tư duy, đòi hỏi phải nhìn vào thực chất của chuyển đổi số, không làm theo phong trào. Chuyển đổi số chính là thay đổi hình thái tổ chức, thay đổi cách nghĩ, cách làm để ứng dụng hiệu quả công nghệ vào các tiến trình hoạt động, tạo ra sự đột phá giá trị đưa đến đột phá năng suất.
“Trong chuyển đổi số, dữ liệu là nền tảng, là cơ sở và là nguồn lực quyết định. Điều này đòi hỏi phải có nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Thực tế hiện nay đang rất thiếu cán bộ có trình độ về chuyển đổi số, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm. Cần phải tăng cường đào tạo nhân lực về chuyển đổi số; đồng thời, đòi hỏi hành động phải mang tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ và cộng hưởng”- Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số nhấn mạnh.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng, để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam cần khuyến khích phát triển những nền tảng mở, dữ liệu mở, nền tảng chia sẻ trong kinh tế, dữ liệu và cơ hội. Do đó, Việt Nam cần kiến tạo cơ chế, cách thức mở, loại bỏ cơ chế đóng, định khuôn và thước đo là những yếu tố tạo rào cản quá trình chuyển đổi số.
Tại diễn đàn, ông Huỳnh Long Thủy, Tổng Giám đốc VieOn cũng khẳng định, Yếu tố tiên quyết trong việc triển khai dựng hệ thống dữ liệu là bảo mật thông tin dữ liệu, tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin. Chính vì vậy, doanh nghiệp khi bắt đầu triển khai hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) cần chú ý xây dựng chính sách về an toàn dữ liệu nội bộ, quy định dịch vụ người dùng sản phẩm…
Minh Anh
TIN LIÊN QUAN
-
Bước tiến mới trong nghiên cứu phát triển tử cung nhân tạo cho trẻ sinh thiếu tháng
-
Bình Thuận nỗ lực thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ
-
Việt Nam cần đẩy mạnh công nghệ năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường
-
Ra mắt Sổ tay Chuyển đổi số ở lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm