SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Vọng xuân xa

17:00, 04/02/2019
(SHTT) - Những ngày giáp Tết, Sài Gòn cũng se lạnh vào mỗi sáng. Một chút gió xuân trở mùa mà nao lòng đến lịm ngọt. Sáng nay, Ba gọi nhắc tôi về thắp nhang cho ông bà và ăn bữa cơm tất niên. Buông máy, bất chợt hình ảnh bà Nội và những kỉ niệm tết quê hiện về rất rõ.

Ký ức thiêng liêng

Tôi đã đi quá nửa đời người, đã chạm vào không biết bao nhiêu cái tết kể từ khi bắt đầu biết cảm nhận sự thay đổi của mùa, sự đổ màu của lá và… đặc biệt là sự hoan ca trong nếp nghĩ mỗi người. Ấy vậy mà duy chỉ có mùa xuân dạo nọ là neo lại và trở thành kí ức da diết, thiêng liêng.

vong xuan xa

 

Quãng những năm 1991- 1992, gia đình tôi còn nhiều khó khăn. Ba Má gửi hai chị em tôi về Hà Tây (nay đã sáp nhập vào Hà Nội) sống với ông bà Nội. Nhà Nội tôi ở ngay ven bờ con sông Tô Lịch, bên kia sông là làng Nhị Khê của Nguyễn Trãi. Tôi cũng đã hiểu được không ít những phong tục tập quán ngày tết ở nhiều vùng miền trên đất nước ta. Lần đầu tiên vào dịp tết không ở gần Ba Má, tôi buồn lắm. Một đứa trẻ 13 tuổi, bằng tuổi con gái tôi bây giờ mà phải ăn tết xa nhà. Tôi ít nói cười, mắt lúc nào cũng rơm rớm và cậu em trai 10 tuổi của tôi không hơn gì chị. Chúng tôi thường dắt nhau lên triền đê hun hút gió mà ngóng vọng về miền Nam… Nếu như không có sự quan tâm của ông bà Nội và cả cái hấp dẫn tết quê, chắc chị em tôi ôm nhau mà khóc mãi vì đau đáu nhớ.

Nhà Nội tôi lúc ấy chỉ có ông bà và chú út. Các chú khác đều đi làm ăn xa. Ông Nội hay uống rượu, ông chỉ uống một mình và thường ít đi đâu. Mọi việc trong nhà bà Nội tôi chu toàn hết. Bà nhỏ người nhưng nhanh nhẹn. Bà là mẫu người phụ nữ quê truyền thống, chịu khó, chăm chỉ từ việc nhà cho đến đồng áng. Tôi biết bà rất thương cháu, nhưng cách nghĩ của người miền Bắc thường dạy con cháu theo kiểu hướng dẫn công việc cho tự lập chứ không như miền Nam, mẹ tôi bảo bọc tất. Con cái chỉ việc học và chơi, ngoan, lễ phép là được. Bà đối xử với chị em tôi dịu dàng và cũng khá  nghiêm khắc. Bà phân công việc bếp núc nấu ăn, nấu cám lợn cho tôi. Còn em tôi thì chăn trâu. Như vậy, ngoài việc đi học, chúng tôi cứ theo đó mà làm. Thi thoảng tôi theo bà ra đồng xem lúa và hoa màu.

vong xuan xa 1

 

Cũng như bao miền quê khác, tết ở đây là những hôm chợ phiên tấp nập, là những ngày cuối năm hối hả vụ mùa, là những nồi bánh chưng đỏ lửa giữa khuya, là những ân tình làng xóm râm ran chúc tết… Với tôi, tết quê thú vị đấy nhưng chưa đủ, nó còn có điểm đặc biệt hơn rất nhiều. Bởi nó được gói ghém tròn trịa bao lời dạy của bà qua những trải nghiệm mà trước đó và cả sau này, tôi chưa từng có lại được. Nó bồi đắp trong cảm xúc của tôi một khoảnh trời kí ức đẹp như một cuốn phim quay chậm mỗi khi nghĩ về.

Nỗi nhớ ngày xuân

Nhớ mùa xuân năm ấy là nhớ đến những bó rau cần rộn rã chợ phiên. Nhà Nội tôi những ngày cuối năm thường cắt rau cần nước ở dưới ao đem bán. Cần nước là một loại rau của mùa lạnh, được trồng ở các ao. Cây cao, thân trắng, có vị ngọt nhẹ, thơm, ăn rất mát. Có lẽ vì thế, quê Nội thường chọn rau cần như một loại rau thiết yếu trong ngày tết. Năm ấy rét nhiều. Tôi không nhớ bao nhiêu độ nhưng lạnh cóng. Chỉ ngọ nguậy một xíu thôi là rét đã vào tới tận da thịt. Rất buốt và khó chịu. Nhưng người dân nơi đây vẫn ra ruộng, làm đồng, thu hoạch các loại rau để đem bán, trang trải dịp tết. Nhà Nội tôi cũng vậy, những ngày cuối năm, tôi được nghỉ học. Tôi theo bà Nội đi ra đồng. Bà tôi chăm su hào đang độ thu hoạch. Nhìn từng dãy su hào ngan ngát chạy dài, nối từ vạt ruộng của người này sang người kia.

vong xuan xa 2

 

Lúc ấy tôi có cảm giác, nó xa tít tắp như tận cuối chân trời vậy. Mà cũng lạ thật, trời lạnh thế nhưng những búp Su Hào cứ xanh mơn mởn, lộng lẫy giữa tiết trời cuối đông run run đầy gió. Tôi theo bà lăng xăng một lúc, bà bảo, con xuống ao cắt rau cần, mai chợ phiên mang bán để mua áo mới cho em. Nhìn mặt nước ao, tôi rất hoảng vì dưới ấy sẽ có đỉa. Cái con vật đen nhẫy, mềm nhũn chuyên hút máu động vật kia, tôi vừa ghét vừa khiếp. Chỉ nghĩ lội xuống thôi là tôi muốn co chân chạy về nhà rồi. Nhưng vì tôi biết, nhà Nội cũng khó khăn và tôi rất thương em. Tôi cảm nhận được sự thiệt thòi của một đứa trẻ lên 10 xa ba má nên tôi liều xuống cắt. Lọng ngọng, loay hoay, rồi cũng xong. Con đỉa bám theo tôi lên bờ, lúc ấy mặt tôi tái mét, quên cả lạnh, chỉ biết nhảy loi choi và khóc. Bà Nội cười, nhẹ nhàng nói: không sao, ở quê thì thường có đỉa. Nó chỉ hút tí máu chứ chả làm hại gì đâu. Bà vừa nói vừa quét một miếng vôi trầu đưa vào chỗ con đỉa đang bám riết trên bắp chân tôi. Thế là nó buông ra lập tức và giãy lên đành đạch. Bà tôi giải thích, đỉa kị nhất là vôi. Thế nên dân gian có câu: “ Như đỉa phải vôi” đấy cháu!

vong xuan xa 3

 

Sáng hôm sau, khi đã cột tất cả rau cần thành từng bó. Tôi cho vào hai cái mẹt ở hai đầu quang gánh và theo chị Tân nhà bác Khê hàng xóm ra chợ. Gánh rau được gánh bởi con bé mới 13 tuổi, lùn xủn, nên khi đi, cứ thế rau tha hồ quét xuống đất. Cái dáng lúp xúp gánh rau buổi chợ ấy bây giờ nghĩ lại thấy xót nhưng thú vị. Gánh rau hôm ấy không được giá vì nát be bét. Nhưng vẫn bán được hết bởi những cô bác trong làng mua. Họ biết tôi ở miền Nam ra đây sinh sống. Lần đầu tiên tôi làm ra được tiền. Tôi vui lắm, chạy một mạch cả nửa cây số về nhà mà không kịp chờ chị Tân. Bà Nội đón tôi ở cổng, xoa đầu... Bà bảo, mình tự làm ra đồng tiền sẽ biết quý đồng tiền và trân trọng thành quả lao động của người khác. Thế rồi bà dẫn hai chị em đi mua áo mới. Mặc dù chỉ mua được chiếc cho em thôi. Tôi cũng thấy rất vui. Năm ấy là năm đầu tiên tôi mặc quần áo cũ. Nhưng bài học bà dạy thì không bao giờ cũ. Theo tôi mãi tận bây giờ…

Nhớ mùa xuân năm ấy, là nhớ đến kỉ niệm chăn trâu. Có thể bạn nghe hơi lạ nhưng quả thật vậy. Còn hết ngày nay nữa là tết. Hai chị em tôi được ông bà nhắc cho trâu ra ăn cỏ nhiều để ngày mai không phải đi chăn vì nghỉ tết. Những ngày này, trâu sẽ ăn rơm khô.

Chiều ba mươi… vẫn rét… Hai chị em cùng lũ nhóc trong làng đưa trâu lên triền đê ăn cỏ. Sau đó lùa xuống các khoảnh ruộng cho chúng gặm những mầm lúa nhỏ mới nhú lên từ những gốc rạ. Vụ mùa vừa gặt xong, đợi qua tết mới cày xới và cấy lại. Nhìn con trâu đưa qua đưa lại chiếc lưỡi một cách ngon lành. Tôi thích thú và cũng yên tâm lắm. Tôi rủ em trai đi lên đê chơi, cứ nghĩ là từ trên đê nhìn thấy trâu là được. Một lúc mải chơi, quay lại, bọn bạn trong làng đã giăng trâu về hết. Còn trơ trọi con trâu mình, nó vẫn đang mải mê gặm cỏ. Nhưng nó đã đi xa lắm chỗ chị em tôi ngồi. Không ai bảo ai, cả hai chị em đều chạy ù đến chỗ con trâu, thấy động mà lại có người chạy ầm ầm, con trâu không phân biệt “chủ tớ” gì cả, cứ thế cong đuôi chạy miết. Hai chị em tôi không có kinh nghiệm chăn cũng như gọi trâu, vì thế con trâu không nghe, cắm đầu vòng vòng trên ruộng, tôi buông dép, chạy chân trần, gọi trâu khản cả giọng. Bàn chân trẻ con non nớt giẫm đạp, bất chấp những gốc rạ đầy cuống nhọn hoắt đuổi theo con trâu chướng, khắp cánh đồng tứa máu… Thật may có chú Kiểm, người làng đi đâu về, chú buông xe đạp và gọi giúp. Con trâu khi nghe “đúng bài”, lập tức đứng lại. Nếu không có chú chắc chị em tôi đón giao thừa trên ruộng và có lẽ mất cả trâu không chừng. Bà Nội chờ mãi không thấy hai chị em về. Bà đi tìm và gặp em trai tôi ngồi trên mình trâu còn tôi đi theo bên hông trâu, tay nắm chắc dây thừng dắt mũi nó. Trời quê trước thời khắc ngày tàn tối đi rất nhanh, chỉ độ 4 -  5 giờ mà như tận khuya vậy, vắng hoe. Tối ngập cả đường làng và hai bờ trúc võng xuống thành vòm cổng giờ cũng không thể nhìn rõ nữa. Hai chị em vừa đi vừa kể về những giây phút khi còn ở với ba má. Nhớ ba má, nhớ hai đứa em, nhớ Dì, nhớ Ngoại… Thế là khóc! Hình như bà Nội biết. Gặp hai chị em, bà chỉ bảo: dắt trâu về nhanh đi cháu, kẻo chạng vạng, không nên! Tôi vâng và rảo bước theo bà. Sau bữa cơm chiều cuối năm… Bà kêu hai chị em tôi lại, ôm vào lòng, vuốt đầu từng đứa và nói: Ba má, các cháu nhớ là phải rồi. Nơi các cháu sinh ra và lớn lên, nhớ là phải rồi. Nhưng đây cũng là quê hương của các cháu. Mà quê mình thì khi sống trong lòng quê vẫn là ấm áp nhất, cháu ạ! Lúc ấy, tôi chẳng hiểu gì sâu xa, chỉ thấy vòng tay bà thật ngọt ngào…

vong xuan xa 3 4

 

Đó là cái tết duy nhất tôi được trọn vẹn bên ông bà. Sau này, những lần về thăm được dăm ba hôm. Giờ đây, bà đã đi xa, nhưng lời dạy và tình cảm ấm áp của bà, của quê hương Hà Tây trong dịp tết năm nào vẫn xanh một nỗi nhớ mà cứ độ xuân về lại đem ra hong nắng cho biếc hơn. Tôi chưa bao giờ quên cội nguồn của mình và chỉ nghĩ về thôi là tôi đã thấy hạnh phúc.

Năm cũ đang hối hả bươc những dài gấp gáp trên đất Sài Thành, một năm mới đang chùng chình ngoài ngõ. Trong tiết trời trong trẻo, nhìn những khu chợ tết có thức hàng quê dân dã: măng khô, miến dong xen lẫn các sạp rau đủ loại mà chỉ liếc qua thôi cũng thấy cần nước, trắng muốt, dài sọc, đầu lá mướt um… Tôi cảm nhận không khí tết ngày xưa lại tựa đầu đánh võng, lại chảy dọc cuộc đời rưng rức chốn bình yên!

Duy Kim

Tin khác

Khoa học Công nghệ 4 giờ trước
(SHTT) - Ngày 26/4/2024, AES Việt Nam và Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) phối hợp với trường Đại học Phan Thiết tổ chức lễ trao học bổng cho 5 bạn sinh viên đang theo học chuyên ngành Kỹ thuật Xây dựng, khoa Kỹ thuật Công nghệ.
Khoa học Công nghệ 4 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Diễn đàn khoa học và kinh tế toàn cầu năm 2024” do Hội đồng Thương mại và Công nghệ Toàn cầu của Ấn Độ (GTTCI India) tổ chức tại Dubai, GS.TS Nguyễn Văn Đệ của Việt Nam đã được Đại học Quốc tế Hoa Kỳ (IAU) trao bằng Viện sĩ danh dự.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Ngày 25/4, tại Hà Nội, "Triển lãm sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo" đã chính thức diễn ra. Chương trình với 20 gian hàng đến từ các đơn vị, doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ trở thành nơi hỗ trợ kết nối, xúc tiến giao dịch công nghệ.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Ông Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng sự sáng tạo và đổi mới đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày và một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Tối 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022 - 2023).