SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 17/03/2024
  • Click để copy

Vì sao giá điện chỉ tăng, không giảm?

19:23, 07/09/2020
(SHTT) - Sáng 7/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Vnexpress, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, Hoàng Quang Hàm đã nêu lên thực tế 9 lần điều chỉnh giá điện từ năm 2011 đến nay nhưng "giá chỉ tăng, chưa bao giờ giảm". Ông đề nghị Bộ Công Thương giải trình trách nhiệm khi "chưa nỗ lực hết mình để giảm giá thành bán lẻ điện".

Ông Phùng Quốc Hiển - Phó chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, hiện giá điện (đầu vào, giá bán lẻ đầu ra) chưa theo kinh tế thị trường. "Điều này có làm giảm động lực phát triển của điện năng", ông Hiển hỏi.

Phó chủ tịch Quốc hội - Phùng Quốc Hiển.

Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, hầu hết các lình xình về điện những năm qua đều liên quan đến giá. Đặc biệt, thời gian gần đây, dư luận sục sôi về biểu giá điện bậc thang, tốn rất nhiều thời gian chỉnh qua, sửa lại, từ 6 bậc xuống 1 bậc, rồi lại quay về 5 bậc, là một sự tiêu tốn sức lực, sai địa chỉ.

“Giá điện và câu chuyện điều hành giá chỉ là cái ngọn của vấn đề. Cái gốc lớn hơn nhiều, từ những bất hợp lý trong quy hoạch, đầu tư phát triển nguồn, chính sách phát triển năng lượng tái tạo… tóm lại là câu chuyện điều hành, chứ không phải giá điện”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.

Đến năm 2024 giá điện sẽ vận hành theo đúng cơ chế thị trường

Theo TTXVN, giải trình các vấn đề, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thẳng thắn thừa nhận những tồn tại trong lĩnh vực điện lực hiện nay, trong đó có Quy hoạch điện VII.

Cụ thể, Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh có dự báo về năng lượng tái tạo như điện gió không đúng thực tế. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng về điện năng lượng tái tạo. Hay trữ lượng dầu khí ngày càng suy giảm, nguồn khí bổ sung cho nhà máy điện bị thiếu, nguy cơ dẫn đến thiếu điện.

Đây chính là vấn đề "xơ cứng" của sơ đồ điện này. Việc "xơ cứng" này đã ảnh hưởng đến thu hút nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực doanh nghiệp tư nhân.

Liên quan đến vận hành điện theo cơ chế thị trường và giá điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường điện cạnh tranh.

Theo đó, giá điện có tăng, có giảm sẽ theo cơ chế giá đầu vào, giá thành sản xuất sẽ quyết định giá điện trên cơ sở công khai, minh bạch theo quy luật của thị trường với sự cạnh tranh bình đẳng của các thành phần tham gia thị trường điện.

Theo Bộ trưởng, đến khi đó, Nhà nước chỉ quản lý phí của hệ thống truyền tải và phân phối; còn lại cơ chế, cơ cấu giá thành sản xuất quyết định giá bán lẻ.

"Vì vậy, có thể khẳng định đến năm 2024, thực tế mới là thị trường hoàn chỉnh và giá điện vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Còn hiện nay chưa làm được điều đó," Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích, thời gian qua, mặc dù mong muốn xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường nhưng theo Luật Giá, Nhà nước phải điều tiết giá, hỗ trợ cho các đối tượng xã hội, người nghèo.

"Đúng như đại biểu nêu, thời gian qua, giá điện chỉ tăng chứ không có giảm vì trong thời gian từ 2011-2020, khi thực hiện thị trường điện cạnh tranh, chúng ta chưa đảm bảo được cân đối giá thành sản xuất điện của EVN và các doanh nghiệp đầu tư. Trên thực tế, người tiêu dùng và người sử dụng điện chưa có cơ hội được hưởng cơ chế điện giảm giá," Bộ trưởng phân tích.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất điện luôn tăng chứ chưa giảm. Vừa qua, do tác động của dịch COVID-19, giá dầu, giá khí hóa lỏng, giá than trên thế giới giảm, Bộ đã chủ động cùng với EVN đề xuất phương án giảm khoảng 10% giá điện, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Công Thương cho biết, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng giá bán lẻ điện. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã đưa ra lấy ý kiến dư luận biểu giá bán lẻ điện bậc thang cũng như cơ chế điện một giá.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, đánh giá và tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ Công Thương thấy vẫn còn nhiều tồn tại nên đã chủ động xin rút lại phương án điện một giá, tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh thêm.

"Chúng tôi thấy tiếc và bức xúc khi chưa giảm được giá điện nhưng chúng tôi tin rằng trong thời gian tới đây, khi chúng ta hình thành thị trường điện cạnh tranh thì câu chuyện giá điện sẽ thực sự hoàn toàn minh bạch, công khai. Tôi tin rằng nguyên tắc của chúng ta lúc đó sẽ được đảm bảo các yếu tố của thị trường, giá điện có lên, có xuống và phù hợp với sự vận hành của thị trường", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời.

Hà Linh (T/H)

Tin khác

Tin tức 51 phút trước
Theo giới chuyên gia, việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong mua bán vàng nhằm phòng chống tình trạng rửa tiền.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Apple đã mua công ty khởi nghiệp DarwinAI, mở rộng phạm vi công nghệ của mình trước một cuộc đẩy mạnh lớn hướng tới trí tuệ nhân tạo tạo sinh vào năm 2024. 
Kinh tế 2 ngày trước
Sầu riêng được ví như là "ngôi sao đang lên" khi chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần cải tiến chất lượng sầu riêng để phát triển bền vững.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Làn sóng khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm cho cuộc chiến giành các nhân tài trong lĩnh vực kỹ thuật trở nên nóng hơn bao giờ hết, khiến các công ty như Google DeepMind phải lựa chọn giữa việc trả thêm nhiều tiền hơn hoặc đánh mất những “bộ óc” giỏi nhất của mình.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Ngân hàng UOB công bố Báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 1/2024 với kỳ vọng tốc độ tăng trưởng GDP quý I ở mức 5,5% so với cùng kỳ.