SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 17/03/2024
  • Click để copy

Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội: Những bất thường trong dự án xây dựng đường nối từ Đỗ Đức Dục đi Mễ Trì

09:15, 07/09/2019
(SHTT) - Từ bất thường của dự án, người dân 6 lần nộp đơn tố cáo tập thể. Nhưng sau nhiều tháng vẫn chỉ nhận được “quyết định gia hạn giải quyết tố cáo” từ phía UBND quận Nam Từ Liêm?

Trước đó, Sở Hữu Trí Tuệ điện tử đã đăng trong bài viết “Phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm: Dân cầu cứu: “Chúng tôi chỉ mong được giải quyết thấu tình đạt lý”, phản ánh nội dung kiến nghị của người dân. Khi nhận được thông báo thu hồi đất thực hiện dự án đường nối từ Đỗ Đức Dục đi Mễ Trì, người dân rất đồng tình và sẵn sàng ủng hộ chủ trương của thành phố, tuy nhiên gần 100 hộ gia đình có đất bị thu hồi mong muốn được xem xét lại chế độ bồi thường và quy hoạch tuyến đường trên.

Người dân tổ dân phố số 5 Mễ Trì Hạ, tổ dân phố số 2,3 Mễ Trì Thượng thuộc phường Mễ Trì quận Nam Từ Liêm – Hà Nội cho rằng UBND quận Nam Từ Liêm, Ban quản lý dự án quận Nam Từ Liêm, UBND phường Mễ Trì, Hội đồng hỗ trợ, tái định cư quận Nam Từ Liêm cần xem xét lại việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng đường nối từ Đỗ Đức Dục đi Mễ Trì, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

den bu

 Người dân trao đổi và cung cấp thông tin cho phóng viên Sở Hữu Trí Tuệ

Theo đơn thư phản ánh của Tập thể những người dân có đất nằm trong chỉ giới GPMB dự án nối đường Đỗ Đức Dục đi đường Mễ Trì: Kể từ khi có thông báo thu hồi đất, người dân luôn phối hợp với các đồng chí trong Ban quản lý dự án quận Nam Từ Liêm. Tuy nhiên UBND quận Nam Từ Liêm và UBND phường Mễ Trì đã không quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân.

Cụ thể, người dân cho rằng: Việc thực hiện quy hoạch không tiến hành công khai, dân chủ; Không lấy ý kiến của người dân nằm trong vùng được quy hoạch và có khuất tất trong việc đánh cong con đường, đoạn từ chợ Mễ trì Hạ đi theo con đường Ao Khoang; Cố tình lấy vào đất của dân đang sinh sống ổn định, mặc dù ở bên đối diện là đất công (do nhà nước quản lí -pv) còn rất nhiều?...

Ngoài ra, người dân cũng rất thắc mắc về việc áp giá đền bù. Thậm chí khi đưa ra giá dự thảo bồi thường vào ngày 29/11/2018, nhiều người dân đã bật khóc. Vì giá dự thảo chỉ từ 20 đến hơn 46 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường trong khoảng 140 đến 200 triệu đồng/m2 (người mất đi 100m2 đất không thể mua nổi 30m2 đất tại đây theo giá đền bù - pv). Lạ hơn nữa, nhiều trường hợp trong cùng 1 dải đất nhưng nhiều hộ lại được áp những giá đền bù khác nhau. Trong đó, nhiều hộ đã khai hoang đất để sinh sống và nuôi trồng nhiều năm nhưng cũng không được đền bù? Và nhiều hộ dù đã được giao đất giãn dân do HTX Hồng Tiến cấp và thu tiền đất nhưng nay lại không được công nhận?

Bên cạnh đó, việc đề xuất cấp nhà tái định cư cũng là một vấn đề nhức nhối. Mặc dù cho tới thời điểm này, nhiều hộ chưa có phương án dự thảo bồi thường và tái định cư, vậy mà đã có nhiều trường hợp nhận được giấy mời họp lần thứ ba “… tổ chức bốc thăm và lựa chọn ô đất tái định cư…”.

Hơn thế nữa, trong đơn thư cũng như tại các cuộc họp, khi người dân đưa ra những câu hỏi với nội dung như trên thì phía đại diện của UBND quận Nam Từ Liêm và UBND phường Mễ Trì đều không trả lời trực tiếp mà chỉ nói đã làm đúng theo qui định của pháp luật?

“Chúng tôi rất đồng tình với dự án, nhưng quá trình thực hiện có quá nhiều bất cập và không đúng trình tự theo luật. Chúng tôi mong lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm, UBND thành phố Hà Nội trực tiếp xuống làm việc với người dân, giải quyết những thắc mắc để chúng tôi có thể đảm bảo cuộc sống, để dự án cũng sớm được thực hiện”, Bà Nguyễn Thúy Lan -  một trong số các hộ dân có đơn cầu cứu chia sẻ.

den bu 1

Tuyến đường đươc chính phủ phê duyệt 2000 – 2030 tầm nhìn 2050 

Từ khi nhận được thông báo thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, người dân có đất bị thu hồi phục vụ dự án rất đồng tình và sẵn sàng ủng hộ chủ trương của thành phố về việc thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng đường nối Đỗ Đức Dục đến đường Mễ Trì phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, gần 100 hộ dân ở 2 thôn Mễ Trì Hạ và Mễ Trì Thượng có đất bị thu hồi tại phường Mễ Trì chỉ mong muốn cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc quy hoạch tuyến đường sao cho hợp lý, việc thu hồi, bồi thường đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các hộ dân bị thu hồi đất và tránh lãng phí tiền của nhà nước.

Trao đổi với phóng viên Sở Hữu Trí Tuệ điện tử, đại diện cho những người dân có đất bị thu hồi, ông Phạm Vặn Đạc - Tổ dân phố 3 Mễ Trì Thượng cho biết, nhân dân rất ủng hộ việc thu hồi đất để phục vụ mục đích làm đường, nhằm giảm ách tắc giao thông và phát triển kinh tế đô thị. Tuy nhiên, các hộ dân ở đây không đồng tình với việc dự án lấy vào quá nhiều đất của họ, trong khi bên phía đối diện vẫn còn quá nhiều diện tích đất lưu không.

den bu 2

Đơn tố cáo lần 3 (30/3/2019) người dân gửi các cơ quan ban ngành 

Cũng theo ông Đạc, qua nhiều lần đối thoại, chính quyền cho rằng dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm (từ 2015-2019), được triển khai theo đúng quy hoạch và trình tự thủ tục được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng thực tế những loại bản đồ mà người dân nhận bàn giao từ phía chính quyền lại không đồng nhất về tỉ lệ, đoạn qua chợ Mễ Trì Hạ các tọa độ có dấu hiệu không trùng khớp. Sơ đồ vị trí tuyến đường trích Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 là tuyến đường tương đối thẳng, ít bẻ cong đột ngột nhưng tại thực địa khi thu hồi đất nhiều đoạn trên tuyến chỗ bị phình ra, chỗ bị bóp lại, lấy vào phần đất thổ cư của dân quá nhiều.

Hơn nữa, về hồ sơ, thủ tục pháp lý của tuyến đường mới chỉ có Quyết định số 6762/QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2014 của UBND thành phố Hà Nội “...cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư...”. Vậy Quyết định nào cho phép UBND quận Nam Từ Liêm làm chủ đầu tư (sai với luật Đầu tư công). Tại sao khi chưa có cơ sở pháp lý và thiết kế chi tiết của cấp có thẩm quyền đã ra quyết định thu hồi đất là trái với quy định của pháp luật?

Ngoài ra, việc ông Hứa Đức Minh – Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì ký tên vào mục chủ sử dụng đất tại Biên bản kiểm đếm (những hộ bị khoác áo đất công) và trong Hồ sơ thửa đất lại là tên của chủ đang thực sự sử dụng mảnh đất đó – ông Nguyễn Viết Thắng (người dân trong phạm vi quy hoạch dự án - pv) bức xúc nói.

Bà Ngô Thị Thu – sở hữu mảnh đất nằm trong phần dự án cần giải tỏa cung cấp thêm cho phóng viên bằng chứng về việc nguồn gốc đất người dân ăn ở ổn đinh, có người ở từ năm 1972, nhiều người rải rác đến năm 2003. Người dân đã nhiều lần đề nghị chính quyền thành lập đoàn xuống thanh kiểm tra từng hộ dân ăn ở từ thời điểm nào theo luật đất đai và người dân sẽ chấp nhận theo quy định của pháp luật…

Phát hiện nhiều điều bất thường trong việc thực hiện dự án, người dân đã làm đơn tố cáo tập thể gửi đến các cơ quan chức năng, tố cáo “những sai phạm của các cá nhân (nêu tên và chức vụ chi tiết trong đơn tố cáo - pv) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của nhà nước giao cho đã nhiều lần ép buộc, thách thức người dân một cách vô lý, thể hiện sự áp đặt, thiếu tôn trọng nhân dân, có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm đối với 1 số cá nhân, tổ chức được hưởng lợi sau khi con đường này được mở”.

den bu 3

 Quyết định ra hạn giải quyết tố cáo của UBND quận Nam Từ Liêm

"Tuy nhiên sau 6 lần gửi đơn thư tố cáo (lần 6 ngày 11/8/2019 - pv), ngày 22 tháng 8 năm 2019, người dân chỉ nhận được “Quyết định gia hạn giải quyết tố cáo” được ban hành từ phía UBND quận Nam Từ Liêm", ông Đạc cho biết thêm.

Với mong muốn chính đáng về sự minh bạch, công khai trong việc thực hiện dự án. Người dân mong muốn các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng sẽ có câu trả lời thỏa đáng cho việc thực hiện dự án với quyền và nghĩa vụ của người dân.

UBND thành phố Hà Nội cần tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Đất đai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức họp dân nơi có đất bị thu hồi để tuyên truyền, vận động với mong muốn tất cả người dân hiểu đúng, đủ chính sách pháp luật về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cũng như các chính sách quản lý về đất đai và các chính sách bồi thường, hỗ trợ khác.

Ngoài ra, việc chủ động tuyên truyền, giải thích rõ ràng, minh bạch còn giúp các hộ dân nhận thức rõ lợi ích của các dự án mang lại đối với đời sống xã hội và việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cả trước mắt cũng như lâu dài, bảo đảm dự án được thực hiện đúng các quy trình, chính sách và pháp luật của Nhà nước, công khai dân chủ đến người dân.

Sở Hữu Trí Tuệ sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nhóm PVPL 

Tin khác

Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) chính thức thông qua Đạo luật AI (The AI Act) nhằm kiểm soát AI, đặt nền tảng pháp lý đầu tiên trên thế giới quản lý lĩnh vực công nghệ đang có tốc độ phát triển cực nhanh và các hoạt động đầu tư có liên quan.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) của Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức có hiệu lực, với những điều khoản cứng rắn áp dụng cho các công ty công nghệ, đây được xem là đạo luật mang tính bước ngoặt thay đổi trải nghiệm của công dân Liên minh Châu Âu với điện thoại, ứng dụng, trình duyệt….
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Luật về quyền riêng tư của người dùng nên củng cố việc bảo vệ tự do ngôn luận trực tuyến, nhưng đồng thời cũng cần cân nhắc giữa việc bảo vệ cá nhân và tự do ngôn luận để đảm bảo sự cân đối và công bằng trong không gian mạng.
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Công an thành phố Hà Nội đã phát đi thông tin cảnh báo về hình thức lừa đảo trực tuyến thông qua lời mời tham gia kinh doanh theo mô hình Dropshipping.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Những ngày gần đây nhiều đơn vị chức năng đã phát đi thông tin cảnh báo về hình thức lừa đảo mới thông qua gói bưu phẩm có chứa mã QR 'trúng thưởng'.