SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Nỗ lực xây dựng hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn

15:38, 16/11/2023
(SHTT) - Sáng ngày 15/11/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị “Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn”. Hội nghị đã đưa ra những giải pháp công nghệ số, giải pháp đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm trong các hệ thống, cơ sở kinh doanh thực phẩm…

Tại Hội nghị “Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn”, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương thông tin, hiện nay, thực phẩm được lưu thông, buôn bán chủ yếu qua kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hoá), đặc biệt là thực phẩm tươi sống. Theo thống kê, cả nước có 8.517 chợ, trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đại. Trong đó, chợ vẫn là kênh cung ứng thực phẩm chính trên cả nước. Tuy nhiên với sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân, ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại, phát triển theo chuỗi, có quy mô rộng khắp trên cả nước. Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhìn chung, quản lý an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng là một công tác khó khăn và lâu dài.

Trong khi đó, TS. BS. Cao Văn Trung, Phó trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thực tế hiện nay tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, các bệnh viện, các trường học còn diễn biến hết sức phức tạp.

thuc pham an toan

 

Tình trạng nhập lậu, thực phẩm không bảo đảm còn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, thậm chí còn ảnh hưởng đến uy tín của thực phẩm xuất khẩu.

Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm các điều kiện vệ sinh tối thiểu, như điều kiện về cơ sở vật chất, về trang thiết bị, về người trực tiếp sản xuất chế biến thực phẩm chưa đủ kiến thức dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất, cụ thể là tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, các chất kháng sinh, các chất kích thích tăng trưởng trong các nông sản và thịt gia súc, gia cầm làm nguyên liệu để chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các nước trong khu vực.

Ông Trung cho rằng nguyên nhân khách quan là do tại Việt Nam, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu là nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ. 500 nghìn cơ sở chế biến thực phẩm thì 85% là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế.

Hơn nữa, rất nhiều doanh nghiệp mục đích tối đa lợi nhuận nên vẫn cố tình vi phạm các quy định trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là do xuất phát điểm của công tác quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam thấp hơn các nước trên thế giới và trong khu vực.

Lực lượng cán bộ quản lý an toàn thực phẩm còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn. Lực lượng thanh tra hiện còn quá mỏng, đặc biệt là so với các nước khu vực Châu Á như Bắc Kinh, Trung Quốc có trên 5.000 thanh tra viên an toàn thực phẩm, Nhật Bản có trên 12.000 thanh tra viên an toàn thực phẩm, trong khi ở nước ta có khoảng trên 1.000 người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác).

Hệ thống pháp luật tuy đã có, hệ thống tổ chức tuy đã được hình thành nhưng yếu về chuyên môn, thiếu về số lượng. Mô hình tổ chức không thống nhất (tỉnh thì có Chi cục, tỉnh thì có phòng an toàn thực phẩm, tỉnh thì có Ban quản lý an toàn thực phẩm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở địa phương). Kinh phí cho an toàn thực phẩm: thiếu, chậm, cơ chế khó thanh quyết toán.

Để đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Vụ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: Bộ Công Thương sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ gồm tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp về thu hồi, giám sát và xử lý đối với sản phẩm, hàng hóa là thực phẩm có khuyết tật lưu thông trên thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng đó, Bộ Công Thương sẽ kiện toàn, giao một đơn vị giữ vai trò đầu mối tham mưu Lãnh đạo Bộ trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và lồng ghép an toàn thực phẩm thành nhiệm vụ thường xuyên, gắn với nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng của từng đơn vị trong Bộ.

Ngoài ra, Bộ Công Thương rà soát, hoàn thiện quy định về thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm theo hướng phù hợp với Luật Thanh tra được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Đồng thời, xây dựng, đề xuất biện pháp phù hợp với thực tế để phòng, chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhái đang lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an ninh, an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương còn có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn…

Tuy nhiên, khi thay đổi mô hình quản lý theo hướng thống nhất một đầu mối, lồng ghép an toàn thực phẩm thành nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các bộ, ngành, đơn vị, Bộ Công Thương cần tăng cường sự phối hợp liên ngành, chia sẻ thông tin thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, hệ thống thông tin hoặc cơ sở dữ liệu chuyên ngành để việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm đạt hiệu quả.

Minh Tú

Tin khác

Kinh tế 2 giờ trước
(SHTT) - Cổ phiếu của Tesla đã tăng hơn 10% mặc dù không đạt được ước tính doanh thu quý đầu tiên, nhưng CEO Elon Musk đã cho biết rằng phiên bản xe điện (EV) giá cả phải chăng sẽ được ra mắt sớm hơn dự kiến.
Kinh tế 2 giờ trước
(SHTT) - Microsoft đã hưởng lợi lớn từ việc đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, trong khi Meta đang gặp phản ứng trái chiều cho việc này.
Kinh tế 19 giờ trước
(SHTT) - Lãi suất ưu đãi chỉ từ 0,5%/tháng, không phải đến ngân hàng làm thủ tục, phê duyệt online giải ngân nhanh trong ngày là những ưu điểm nổi bật của sản phẩm vay mua ô tô được VPBank triển khai qua ứng dụng Race App của ngân hàng.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - UBND TP Hà Nội đã lên kế hoạch tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội.