SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 30/04/2024
  • Click để copy

Nguyễn Xuân Khánh: Sáng tạo trong nhiếp ảnh là quá trình vận động của người nghệ sĩ

09:35, 24/06/2023
Là một trong những người thầy đầu tiên của bộ môn Nhiếp ảnh thuộc khoa Mỹ thuật (Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM) và khoa Nhiếp ảnh (Trường cao đẳng Sân khấu và Điện ảnh), Nguyễn Xuân Khánh (1948) đã chứng kiến và có nhiều trải nghiệm qua những biến thiên của bộ môn nghệ thuật này ở Việt Nam.

Gắn bó với nhiếp ảnh suốt nhiều thập kỷ, nguồn cảm hứng nhiếp ảnh của Nguyễn Xuân Khánh đến từ những lĩnh vực nghệ thuật như văn chương, âm nhạc và lịch sử nhiếp ảnh thế giới. Nhưng sâu xa hơn, động lực đưa ông đến với nhiếp ảnh từ một thứ rất bình dị đó là những bức ảnh của gia đình treo trong nhà. Những bức ảnh được bố mẹ ông tự cắt dán hình ảnh gia đình vào ảnh lịch để tạm thoả ước mơ được đi đây đó.

Nhiếp ảnh như một hình thức lưu giữ ký ức

Thoạt đầu cầm trên tay chiếc máy chụp ảnh, ông là niềm hãnh diện của gia đình vì có cơ hội đi nhiều nơi. Nguyễn Xuân Khánh nghiệm ra rằng nhiếp ảnh không đến từ khoảnh khắc có sẵn, mà đến từ suy nghĩ, từ niềm ao ước và ước mơ của bản thân. Còn hình ảnh là bằng chứng, là kí ức để lại, giúp ta nhớ ra những sinh hoạt trong đời sống đã qua đi.

Nguyễn Xuân Khánh có một mối duyên kỳ lạ với đất nước Campuchia. Mẹ ông ở Bắc Ninh, bố là người An Giang, cả hai gặp nhau tại Campuchia và ông được sinh ra ở đó. Học tập và lớn lên ở đất nước này, văn hóa và ngôn ngữ nơi đây có ít nhiều ảnh hưởng đến ông. Ông biết đến Angkor trong những rạp chiếu bóng, từ khi đền này còn là một nơi ít người lui tới. Chính điều này đã thôi thúc Nguyễn Xuân Khánh thực hiện dự án "Angkor trong giấc mơ" sau mấy mươi năm.

ANH 1 - NXK (1)

 Ở tuổi 75, Nguyễn Xuân Khánh vẫn có những buổi trò chuyện về nhiếp ảnh để truyền lửa cho người trẻ. Ảnh: NVCC

Không phải trước đây Nguyễn Xuân Khánh chưa từng chụp Angkor, ông đã chụp kỳ quan này trong suốt mười năm nhưng đều không ưng ý vì mỗi lần xem lại ông lại thấy những bức ảnh của mình thiếu sự đột phá. Theo Nguyễn Xuân Khánh, điều ông muốn thể hiện phải là một Angkor "hoang dã" của thế kỷ 18, 19 như ký ức những ngày ở Campuchia ông từng được xem qua trong những thước phim. May mắn rằng bước tiến của công nghệ chụp ảnh đã giúp ông hiện thực hóa giấc mơ này.

Ông cho biết với kỹ thuật chụp phim cũ vẫn có thể thực hiện được tuy nhiên phải trải qua nhiều quy trình phức tạp. Chỉ đến khi tiếp xúc với máy ảnh kỹ thuật số cùng tính năng chụp ảnh hồng ngoại (Infrared) đã tạo nên những bức ảnh nửa hư nửa thực, Nguyễn Xuân Khánh mới mạnh dạn hơn với dự án này. Đồng thời coi dự án "Angkor trong giấc mơ" như một món quà dành cho cuộc đời mình.

Xu hướng nghệ thuật nhiếp ảnh trong thời đại mới

Nói về xu hướng nhiếp ảnh hiện nay, Nguyễn Xuân Khánh nhận định nhiếp ảnh tại Việt Nam đang chủ yếu làm theo phong trào. Ông đưa ra một ví dụ, để thể hiện tình yêu với nhiếp ảnh, nhiều người mua những chiếc máy hàng trăm triệu đồng nhưng chỉ sử dụng được một vài chức năng trên chiếc máy đó.

Nguyễn Xuân Khánh quan niệm ở nghệ thuật nhiếp ảnh, ý tưởng là chủ đạo, sau khi có ý tưởng rồi mới nghĩ đến máy ảnh, sử dụng máy ảnh gì để thể hiện ý tưởng đó. Theo ông, "nhận thức nhiếp ảnh" là điều vô cùng quan trọng để tự biết mình ở đâu giữa dòng chảy nhiếp ảnh trong và ngoài nước, nếu không có nhận thức nhiếp ảnh thì luôn luôn lặp lại dẫn đến lối mòn.

ANH 2 - NXK (1)

 Một trong những tác phẩm của dự án “Angkor trong giấc mơ”. Ảnh: NVCC

Bằng đôi mắt của một người đã đi qua những thời kỳ khác nhau của nhiếp ảnh, Nguyễn Xuân Khánh nhìn thấy hiện nay đang tồn tại một ngộ nhận lớn về cụm từ "chụp ảnh nghệ thuật" và "nhiếp ảnh nghệ thuật", điều này có thể "giết chết" người làm nhiếp ảnh. Đó là những người chạy theo phong trào chỉ chăm chú chụp ảnh đi thi, cố làm sao cho “đúng gu” giám khảo nhằm có giải, cộng điểm để được vào các hội nhiếp ảnh.

Theo Nguyễn Xuân Khánh, ở cụm từ "nghệ thuật nhiếp ảnh", trong tiếng Việt, từ "nghệ thuật" này phải là tính từ. Ông cho biết nhiếp ảnh ra đời từ năm 1839, nhưng phải đến 1970 thì bộ môn này mới được công nhận trong giới nghệ thuật thế giới. Trong suốt thời gian đó, mặt bằng nhiếp ảnh kể cả đào tạo ngắn hạn đều gọi chung là kỹ thuật nhiếp ảnh. Nhiều người, nhất là ở Việt Nam, đã nhầm lẫn gọi kỹ thuật nhiếp ảnh là ảnh nghệ thuật. Thực tế một bức ảnh nghệ thuật thực thụ phải được công nhận và nằm ngang hàng trong giới nghệ thuật cùng với điêu khắc, hội họa, âm nhạc,...

ANH 3 NXK (1)

 Dự án “Angkor trong giấc mơ” là món quà dành tặng cho chính cuộc đời của Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, bên cạnh nhiếp ảnh phong trào, vẫn còn một số xu hướng mới nổi lên từ các tổ chức như Hoa Ta, Mắt Cá,… Đây là những đơn vị có nghiên cứu xu hướng thế giới, từ đó chọn lọc và dẫn đường cho người làm nhiếp ảnh.

Giữa cuộc sống mà chiếc điện thoại thông minh trở thành vật bất ly thân của tất cả mọi người, kèm theo đó là tính năng chụp ảnh ngày càng hiện đại, những người hành nghề chụp ảnh dạo gần như "phá sản". Nhưng ngược lại, theo Nguyễn Xuân Khánh, thiết bị này cũng giúp cho mọi người đến với nhiếp ảnh dễ dàng, nhanh chóng hơn và chính ông cũng đã thể nghiệm điều đó. Chụp ảnh bằng điện thoại thông minh cũng dần xuất hiện ở nhiều cuộc thi trên thế giới. Tuy nhiên đối với những ngành nghề đòi hỏi tính chuyên nghiệp như chụp ảnh quảng cáo, phóng sự, tài liệu bắt buộc phải có thiết bị chụp ảnh chuyên dụng.

Trong dòng chảy chính của nhiếp ảnh, những bức ảnh từ điện thoại thông minh khó đáp ứng yêu cầu về độ phân giải cao và kích thước ảnh. Dù vậy, nhiếp ảnh điện thoại thông minh vẫn có thể len lỏi vào dưới hình thức những album nhỏ, ở mức giới hạn.

Nguyễn Xuân Khánh thẳng thắn gọi hiện tượng những người chuyên chụp "khoảnh khắc có sẵn" là "họ không đi chụp ảnh mà chính ảnh "chụp" họ". Bởi lẽ, thay vì chụp ảnh theo ý tưởng và góc nhìn của mình, những người này thường bị dẫn lối vào một hình mẫu có sẵn, liên tục lặp lại và đóng khung những phong cảnh, khoảnh khắc của người đi trước đã chụp. Hiện tượng này còn tồn tài và được nhân rộng ngay cả trong những trại sáng tác ảnh.

Nói về tính sáng tạo ở người nghệ sĩ chụp ảnh, Nguyễn Xuân Khánh dẫn câu nói "See your picture in your mind before you see it in your viewfinder" (Bạn phải hình dung ra bức ảnh của bạn ở trong tâm trí, trước khi bạn thấy nó ở trong khung ngắm của máy ảnh - PV). Để luôn luôn giữ được phẩm chất sáng tạo, người nghệ sĩ cần không ngừng trang bị kiến thức nhiếp ảnh thông qua các buổi triển lãm ảnh uy tín, cùng với đó là cập nhật kiến thức từ sách ảnh nước ngoài.

Khi có kiến thức về nhiếp ảnh, ta sẽ nhìn ra được hiện thực song hành khác với hiện thực hiện hữu. Gọi là hiện thực song hành bởi đó là hiện thực của chính ta khi ta nhìn vào khoảnh khắc, sự vật. Mỗi người dù là nhiếp ảnh gia hay người thưởng thức đều sẽ có một hiện thực song hành trong trí óc của riêng mình.

Nguyễn Xuân Khánh chiêm nghiệm ra rằng sáng tạo trong nhiếp ảnh là một quá trình vận động của người nghệ sĩ, người chụp ảnh để tạo ra giá trị vật chất tinh thần mới của bức ảnh. Bên cạnh đó, sáng tạo trong nhiếp ảnh là sự sáng tạo trong biểu đạt nghĩa của bức ảnh để người xem thấy được cảm xúc, suy nghĩ và những thông điệp mà người chụp muốn truyền tải.  

Võ Liên

 

Tin khác

Tin tức 10 giờ trước
Nhiều gian hàng với hàng trăm sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu huyện Thiệu Hoá năm 2024.
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Dạy lập trình máy tính cho trẻ em đang được coi là xu hướng giáo dục mới trên thế giới và Việt Nam. Không phải là những giờ học khô khan theo kiểu đọc, chép một chiều, các em nhỏ tại lớp học lập trình có thể rèn luyện tư duy logic, tư duy giải quyết vấn đề và thỏa sức sáng tạo.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu các trường học trên toàn quốc kiểm tra, đánh giá hoạt động của các công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong trường.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 1 ngày trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…