Khi phụ nữ đổi mới, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn
Triển lãm do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM và Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Ngày 26/4/1970, Công ước thiết lập Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới bắt đầu có hiệu lực. Năm 2000, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn ngày 26/4 là ngày tôn vinh tất cả những người sáng tạo và những người đổi mới vào việc phát triển xã hội trên toàn cầu.
Phát biểu khai mạc, bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết năm nay, WIPO đã lựa chọn chủ đề "Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo".
Triển lãm năm nay được tổ chức có chủ đề "Khi phụ nữ đổi mới, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn" nhằm tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam không chỉ trong quá khứ mà còn trong hiện tại đã đóng góp ở các lĩnh vực từ văn học, nghệ thuật, khoa học cho tới phụ nữ làm công việc hằng ngày.
Theo bà Kim Oanh, năm nay, WIPO lựa chọn người phụ nữ để tôn vinh trong lĩnh vực sáng tạo vì phụ nữ đã và đang có nhiều đóng góp cho xã hội. Bà Oanh mong rằng những người phụ nữ tiếp tục nỗ lực để có nhiều công trình, những sáng chế ở nhiều lĩnh vực hơn nữa.
Theo ông Nguyễn Văn Viễn - Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TP.HCM, ngày 26/4 là Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới nhằm tôn vinh lao động của con người. Ngày nay, lao động trí óc đã đóng góp rất nhiều cho lĩnh vực sáng tạo trong quá trình phát triển. Tất cả các tài sản vật chất đều có tài sản trí tuệ, bởi lẽ khi làm ra một sản phẩm mới thì người ta cần suy nghĩ và nghiên cứu.
"Với chủ đề triển lãm năm nay, tôi tin rằng những người phụ nữ đổi mới thì cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn và khi phụ nữ sáng tạo ra thành tựu mới thì cuộc sống tốt đẹp hơn nữa", ông Viễn nói.
Tại triển lãm, nhà sáng chế Trần Thị Triệu đã giới thiệu sản phẩm sáng chế "tổ yến thực dưỡng dùng liền". Từng có cơ hội sang Nhật Bản, bà Trần Thị Triệu biết được người Nhật thường cho sản phẩm có chất khoáng và vitamin vào các thực phẩm và thức uống. Những sản phẩm này chứa nhiều vi chất bổ dưỡng và tinh gọn lại đầy đủ mùi vị của sản phẩm tự nhiên.
Trở về Việt Nam, từ sản phẩm tổ yến truyền thống bà đã sáng tạo ra sản phẩm tổ yến dùng liền. Sản phẩm này tiết kiệm được thời gian và công sức cho các bà nội trợ, chỉ cần cho vào cốc nước sôi đợi trong vòng 10 phút là có thể dùng, trong khi với sản phẩm truyền thống phải mất 2 -3 giờ đồng hồ. "Để có một lần thành công thì tôi đã trải qua hàng trăm lần thất bại", bà Triệu nói.
Bà Phạm Kim Loan - Chủ tịch Công ty Gia Thái DOCTORLOAN - hiện đang là chủ sở hữu hơn 252 bằng độc quyền sáng chế đăng ký tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Các sản phẩm như gối cổ, gối lưng, đệm ngồi và ghế sáng chế DOCTORLOAN N85 là các giải pháp cho cột sống khỏe được nhiều người tin dùng.
Theo bà Loan, sản phẩm ghế nhựa mới ra đời là giải pháp điều chỉnh xương chậu luôn ở tư thế thẳng và cân xứng khi ngồi, từ đó bảo vệ cột sống trong hình dạng tốt nhất theo nhiều đối tượng khác nhau. Mặt ghế lõm phía sau và lồi ở phía trước giữ cho xương chậu thẳng đứng, không bị trượt nghiêng xương chậu gây ra biến dạng cột sống dẫn tới tăng sức ép trên đĩa đệm gây thoát vị đĩa đệm.
Bà Loan hi vọng rằng phụ nữ hãy học hỏi không ngừng, biến ước mơ thành sự thật và đừng bao giờ tự giới hạn bản thân. "Những gì chúng ta nhìn thấy có thể làm cuộc sống tốt đẹp hãy biến chúng thành sản phẩm hoặc những quy trình", bà Loan chia sẻ.
Bình Tú