SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 04/05/2024
  • Click để copy

Quyền sở hữu trí tuệ là 'lá chắn' bảo vệ các giải pháp công nghệ mới

14:38, 25/04/2024
VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Văn phòng 3) vẫn đang phát triển đổi mới sáng tạo thông qua việc thúc đẩy xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các giải pháp kỹ thuật và công nghệ mới, đồng thời là “cầu nối” cho nhà khoa học với doanh nghiệp.

Thông qua sự tư vấn, hỗ trợ của Văn phòng 3, nhiều tài sản trí tuệ từ hoạt động sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, sản xuất và kinh doanh tại miền Trung – Tây Nguyên được bảo vệ. Những giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới được nhận diện, xác lập quyền hay chuyển giao các đối tượng sở hữu công nghiệp hiệu quả.

Yên tâm sáng tạo

Đang công tác tại viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao, Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng), Ts. Nguyễn Tấn Khoa (SN 1987) được trường cử tham dự các buổi tập huấn do Cục sở hữu trí tuệ tổ chức. Nhân duyên này giúp nhà khoa học trẻ dần quan tâm hơn tới bảo vệ các tài sản trí tuệ trong nghiên cứu. Hiện, Khoa đăng ký thành công 3 giải pháp hữu ích về tái chế, cải tiến các loại vật liệu xây dựng.

14d155e4660bc855911a

 Ths. Nguyễn Thị Thúy - Phụ trách Văn phòng 3 - tập huấn sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ cho trí thức Đà Nẵng.

Từ khi còn đang học thạc sĩ tại Đại học Seajong (Hàn Quốc), Tấn Khoa được biết đến là tác giả giải pháp hữu ích xây nhà bằng gáo dừa và đạt giải nhì cuộc thi Ý tưởng xanh do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Cục Môi trường, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức.

Lãnh thưởng 250 triệu đồng, chàng trai trẻ hiện thực hóa ý tưởng xây căn nhà 48m2 với 4 tấn gáo dừa tặng người dân khó khăn tại quê dừa Bến Tre.

Từ những gáo dừa bỏ đi, Khoa nghiên cứu quy trình sản xuất bê tông gáo dừa. Các thành phần thay đổi so với vật liệu truyền thống, xi măng là chất kết dính, cát chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ và gáo dừa đã qua xử lý chiếm thành phần lớn, nước và phụ gia phối trộn theo tỉ lệ nhất định.

“Đã hơn 12 năm từ khi người dân vào ở nhà xây từ gáo dừa, năm nào chúng tôi cũng về kiểm tra nhưng không có dấu hiệu nứt hay vấn đề nào”, Khoa nhớ lại.

e7acb916d5f97ba722e8

 Ts Nguyễn Tấn Khoa chủ - sở hữu của 3 giải pháp hữu ích về vật liệu xây dựng xanh.

Từ niềm say mê nghiên cứu khoa học và thú vui lang thang đó đây, Tấn Khoa mong muốn cải tiến nhược điểm của vật liệu truyền thống để bảo vệ môi trường qua việc tái chế, sử dụng phế thải ngành công nghiệp nặng, giảm thiểu khí CO2 trong sản xuất vật liệu xây dựng. Anh đã phải thử đi thử lại hàng trăm lần để ra 1 giải pháp hữu ích. 

Mới đây, Tấn Khoa đăng ký thành công giải pháp hữu ích về vật liệu gạch nhẹ sử dụng công nghệ geopolyme, dùng để xây các kết cấu bao che cho công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp.

Ưu điểm giải pháp hữu ích của Khoa là phản ứng đóng rắn bê tông geopolyme xảy ra trong môi trường kiềm, kết hợp sử dụng xút và vôi với tỉ lệ tối ưu để bột nhôm phát huy tác dụng tốt nhất trong tạo bọt, từ đó hiệu quả về kinh tế và đảm bảo các tiêu chí về cơ tính.

“Việc nghiên cứu tạo ra sản phẩm, viết bài báo khoa học hoàn toàn khác với viết bản tóm tắt tờ khai đăng ký sở hữu trí tuệ. Bên cạnh sự hỗ trợ từ trường đại học Duy Tân, Văn phòng 3 luôn hướng dẫn để việc làm hồ sơ bảo hộ của tôi suôn sẻ và ít mắc lỗi nhất”, Tấn Khoa nói.

f0ff18ceb3021d5c4413

Gạch lát vỉa hè sản xuất bằng bê tông geopolyme tận dụng xỉ than và tro bay của nhà máy nhiệt điện - giải pháp của Ts. Nguyễn Tấn Khoa.

Tuy nhiên, Ts. Nguyễn Tấn Khoa cũng cho rằng việc nghiên cứu khoa học đăng ký giải pháp hữu ích khẳng định tài sản trí tuệ của mình là điểm cộng trên hành trình nghiên cứu khoa học, còn thương mại hóa lại là hành trình gian nan.

Khoa kể: “Khi biết tôi là đang nghiên cứu khoa học, người bán vật liệu phế thải ở cảng Cần Thơ không lấy tiền mà nhiệt tình giúp đỡ, còn dặn nghiên cứu thành công hãy chia sẻ để họ mua. Việc nghiên cứu tốn nhiều tiền bạc, thời gian dù có sự hỗ trợ từ nhà trường, sở ngành nhưng chủ yếu vẫn là tự lực”.

Nhiều doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp ở TP Đà Nẵng được Văn phòng 3 hỗ trợ để bảo vệ thành quả sáng tạo trước khi khởi sự kinh doanh. Ông Trần Minh Thông từ khi còn là sinh viên ngành Công nghệ Môi trường đã luôn ấp ủ nghiên cứu hạt khử mùi.

Ban đầu, sản phẩm hạt khử mùi Enso nghiên cứu thành công nhưng quy mô sản xuất vẫn đang thủ công nhỏ lẻ, chưa thể đáp ứng nhu cầu thương mại hóa.

2643a9a5894a27147e5b

Sản phẩm Hạt khử mùi ENSO Đà Nẵng giới thiệu tại Hội báo TP.HCM.

Quá trình nghiên cứu miệt mài từ năm 2011 - 2023, ông Thông mới sản xuất hàng loạt sản phẩm hạt khử mùi và chính thức khởi tạo kêu gọi đầu tư và thành lập công ty TNHH ENSO DANA - chuyên về các giải pháp môi trường tại Đà Nẵng.

Nhóm sản phẩm Hạt khử mùi ENSO “khắc tinh” của mùi hôi từ quá trình phân hủy hữu cơ trong các không gian nhỏ  như nhà vệ sinh, ô tô, tủ lạnh - tủ đông, tủ giày, phòng ngủ, nhà bếp, tủ quần áo. Sản phẩm hút ẩm mạnh và chống lại sự phát triển của nấm mốc.

Đa phần các loại khử mùi trên thị trường thực chất là hóa chất tổng hợp thành sáp thơm, gel thơm đánh lừa khướu giác. ENSO là giải pháp khử mùi 100% tự nhiên, thời gian sử dụng sản phẩm duy trì từ 12 - 18 tháng.

“Trong quá trình tham vấn đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích cho sản phẩm, chúng tôi nhận được sự hướng dẫn rõ ràng, cụ thể và nhiệt tình, thân thiện từ anh Nguyễn Minh Đức – chuyên viên và các cộng sự của Văn phòng 3”, ông Thông bày tỏ.

Hiện tại nhóm sản phẩm “Hạt khử mùi ENSO” đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu, đăng ký mã số mã vạch.

Bảo vệ và phát huy thành quả sáng tạo

Văn phòng 3 là đơn vị phụ trách quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ và sáng kiến trên 14 tỉnh, thành, từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên.

Để khuyến khích và hỗ trợ đổi mới sáng tạo trên địa bàn, Văn phòng 3 liên kết với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, nhà nghiên cứu về việc nhận diện các tài sản trí tuệ tạo ra trong hoạt động sáng tạo để bảo hộ dưới dạng sáng chế, giải pháp hữu ích hay sáng kiến.

“Chúng tôi trực tiếp hỗ trợ tư vấn đưa ra ý kiến góp ý hoàn thiện các hồ sơ xác lập quyền, duy trì chuyển giao đối tượng sở hữu công nghiệp. Hơn thế, văn phòng phối hợp, tham gia Hội đồng về quản lý và khai thác các đối tượng sở hữu công nghiệp nhằm duy trì, thúc đẩy phát triển đối tượng sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ”, bà Nguyễn Thị Thúy – Phụ trách Văn phòng 3 - nhấn mạnh.

ec18fc6e8f8221dc7893

 Văn phòng 3 đào tạo, hỗ trợ sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ hiệu quả.

Trong 3 năm trở lại đây, lượng đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ tăng khoảng 10% so với những năm trước. Trong đó, đơn đăng ký nhãn hiệu là loại đơn được nộp vào Cục với số lượng nhiều nhất.

“Gần đây, rất nhiều bạn trẻ, nhóm bạn trẻ đứng ra khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Một số khởi nghiệp trên tài sản trí tuệ của chính mình tạo ra mà chưa được bảo hộ hoặc khởi nghiệp trên tài sản trí tuệ mua lại từ người khác do chưa trang bị nhiều về kiến thức sở hữu trí tuệ” bà Thúy cho hay.

Nhiều trường hợp người nộp đơn phân nhóm sản phẩm dịch vụ hàng hóa chưa đúng khiến thời gian thẩm định đơn bị kéo dài đòi hỏi ở những chuyên viên sở hữu trí tuệ Văn phòng 3 luôn kiên nhẫn trong hướng dẫn và giải quyết thắc mắc.

Các đối tượng nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp phần lớn là các doanh nghiệp đang khai thác hiệu quả. Riêng sáng chế/giải pháp hữu ích tại miền Trung – Tây Nguyên, việc thương mại hoá còn gặp nhiều khó khăn khi chủ yếu được tạo ra từ các nhiệm vụ khoa học trong trường học nên ít chú tâm đến việc thương mại hoá.

Điển hình, nhóm sản phẩm “Hạt khử mùi ENSO” rất mới và hoàn toàn khác lạ so với các nhóm sản phẩm cùng loại trên thị trường nên giai đoạn đầu tiếp cận người tiêu dùng chưa cao. Chi phí marketing, đầu tư lớn kèm theo thủ tục pháp lý ban đầu cho sản phẩm khó khăn do thuộc nhóm chưa biết phân vào đâu, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn làm hệ quy chiếu đối chứng sản phẩm.

“Chúng tôi đang cố gắng hoàn tất thủ tục đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích để chứng minh sản phẩm hiệu quả và chống lại hàng giả, hàng nhái”, ông Trần Minh Thông nói thêm.

199ebdb15e5ef000a94f

 Chuyên viên Văn phòng 3 tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ tại ngày hội giới thiệu việc làm.

Năm 2024, chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) là: "Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo". Từ thực tiễn, Văn phòng 3 luôn hướng tới mục tiêu này, thường xuyên kết nối các trung tâm khởi nghiệp tại miền Trung – Tây Nguyên; hỗ trợ xây dựng, nâng cao giá trị tài sản trí tuệ từ hoạt động sáng tạo.

Để khai thác tốt các thành quả sáng tạo, bên cạnh việc đăng ký bảo hộ, nhà khoa học miền Trung – Tây Nguyên cần sự hỗ trợ của chính sách Nhà nước đối với các sáng chế/giải pháp hữu ích là nhiệm vụ khoa học. Chủ sở hữu sáng chế cần tìm đến các đơn vị môi giới như Hội Sáng chế Việt Nam hoặc doanh nghiệp khoa học công nghệ hay các trung tâm khởi nghiệp để kết nối, khai thác hiệu quả hơn.

Bảo Hòa

Tin khác

Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Đó là yêu cầu được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra tại phiên họp lần thứ 4 của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ diễn ra vào sáng nay, ngày 3/5.
Tin tức 12 giờ trước
Từ ngày 8 - 11/5/2024, Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP.HCM.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu khẩn trương điều trị cho bệnh nhân, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc khiến nhiều người ngộ độc tại Đồng Nai.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ra quyết định thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi tại 63 tỉnh, thành phố.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Nữ sinh Nghệ An Nguyễn Quỳnh Mây là một trong 30 người trên toàn thế giới nhận được học bổng toàn phần của Đại học Oxford năm 2024, thu hút nhiều sự quan tâm.