Đặc sản từng tiến vua quả Thanh Trà được cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý 'Huế'
150 đại biểu là các chủ vườn thanh trà, cơ sở sản xuất kinh doanh đã đăng ký là hội viên của Hội Thanh Trà Huế cùng có mặt để đón nhận niềm vui này.
Tại buổi lễ, bà Lê Minh Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ Công bố Quyết định cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm quả Thanh Trà của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm quả Thanh Trà số 00135 cho tổ chức quản lý là Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh cơ quan sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Thừa Thiên Huế trong củng bố, sử dụng và bảo vệ chỉ dẫn địa lý “Huế” cho quả Thanh Trà.
Ông Trần Lê Hồng chia sẻ: “Bảo tồn, phát triển và xây dựng thương hiệu Thanh Trà Huế cần sự quan tâm vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, những người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, đầu tư một cách toàn diện và đúng mức. Từng bước nâng cao chất lượng, chú trọng xây dựng thương hiệu gắn với phát triển du lịch, ẩm thực, xây dựng kênh tiêu thụ bền vững”.
Từng là Kinh đô của triều đại nhà Nguyễn, Huế là một thành phố có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời bậc nhất ở nước ta. Huế với thiên nhiên hữu tình thi vị, con người hiền hòa. Du khách khi đến Huế ngoài thăm quan các địa điểm du lịch còn biết đến Huế như một “Kinh đô ẩm thực” với nhiều đặc sản nổi tiếng. Trong đó, quả Thanh Trà vốn là sản vật tiến vua lừng danh của Huế, là điểm lôi cuốn, hấp dẫn trong “bản đồ ẩm thực” Huế.
Theo TS Lương Đức Toàn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam – Viện Thổ nhưỡng nông hóa: “Thanh trà Huế khác các loại bưởi khác từ hình dáng đến hương vị”.
Văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Huế” cho quả Thanh Trà xác định tính chất đặc thù của sản phẩm từ cảm quan: hình dạng quả lê thấp, đầu cuống lõm. Màu sắc và trạng thái vỏ quả chín của Thanh Trà Huế là màu vàng xanh, nhẵn sáng. Mùi quả thơm nhẹ, tự nhiên đặc trưng và trạng thái tép thon nhỏ, suôn thẳng, ráo, giòn. Vị thanh pha chút chua nhẹ, không the, không đắng.
Chất lượng của Thanh Trà Huế được xác định với hàm lượng chất rắn hòa tan (Độ Brix - %): 9,43 - 11,23; Hàm lượng đường tổng số (%): 7,80 - 9,34; Hàm lượng axít tổng số (%): 0,58 - 0,71; Hàm lượng vitamin C (mg/100g): 59,29 - 66,20.
Bên cạnh đó, văn bằng cũng khẳng định điều kiện địa lý tự nhiên đặc thù với khí hậu vùng trồng bưởi Thanh trà nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm từ 24,0 - 25,5oC, tổng lượng mưa trung bình năm từ 2.600 - 3.400 mm, tổng lượng bốc hơi trung bình năm từ 670 - 870 mm. Vào mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau), nhiệt độ trung bình là 20°C - 22°C, lượng mưa chiếm 70% tổng lượng mưa/ năm. Mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 8) có nhiệt độ trung bình là 25 - 30oC, độ ẩm trung bình từ 73 - 79%.
Vùng trồng bưởi Thanh trà phân bố chủ yếu trên dạng địa hình khá bằng phẳng hoặc địa hình lượn sóng theo lưu vực các sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi.
Thổ nhưỡng vùng trồng bưởi Thanh Trà bao gồm các loại đất: Đất phù sa được bồi hàng năm, đất phù sa không được bồi, đất nâu vàng trên phù sa cổ. Đất vùng trồng có kết cấu tơi xốp, thoáng khí, tầng đất dày, độ thấm cao, hầu hết có thành phần cơ giới thịt pha cát và sét. Đất có phản ứng từ chua đến ít chua, pHH2O từ 4,4 - 6,03, pHKCL từ 3,47 - 5,13; đất có hàm lượng chất hữu cơ tổng số từ 0,71 - 2,15% OM; hàm lượng đạm tổng số từ 0,07 - 0,13% N; hàm lượng lân tổng số từ 0,04 - 0,12% P2O5, hàm lượng lân dễ tiêu từ 6,96 - 43,83 mg P2O5/100g đất; hàm lượng kali tổng số từ 0,38 - 1,05%K2O, hàm lượng kali dễ tiêu từ 4,72 - 20,95 mg K2O/100g đất, hàm lượng Bo từ 13,99 - 58,25 mg/kg.
Giống Thanh Trà được nhân giống bằng cách sử dụng cành chiết hoặc nhân giống bằng cây ghép. Cây giống phải đạt tiêu chuẩn, sạch bệnh và có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép sản xuất.
Thời điểm trồng Thanh Trà Huế sẽ diễn ra sau Đông Chí (22/12 Dương lịch) và kết thúc trước 05/02 năm sau.
Cây được tạo tán liên tục trong 4 năm đầu. Từ năm thứ năm, trước khi cây ra lộc, tiến hành tỉa cành yếu, cành sâu bệnh. Khi cây cho quả, chỉ để lại 1 - 2 quả/chùm. Quả sẽ được thu hoạch từ năm thứ 5 trở đi. Thu hoạch 1 vụ/năm từ tháng 8 - 9 dương lịch khi vỏ quả có màu vàng xanh, nhẵn sáng. Tiến hành phân loại quả cùng kích cỡ để chung trong một thùng và đóng gói.
Văn bằng bảo hộ mô tả tiêu chuẩn xuất xưởng Thanh Trà Huế phải là quả có màu vàng xanh, nhẵn sáng, trọng lượng quả từ khoảng 700 - 1000g/quả.
Vùng địa lý được bảo hộ cho sản phẩm quả Thanh Trà gồm các xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế: Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn, Phong An, Phong Hiền, Phong Thu, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Phong Điền thuộc huyện Phong Điền; Quảng Vinh, Quảng Phú, Quảng An thuộc huyện Quảng Điền; Bình Tiến, Hương Bình, Hương Xuân, Hương Văn, Hương Vân, Tứ Hạ thuộc thị xã Hương Trà; Dương Hòa thuộc thị xã Hương Thủy; Lộc Bổn, Lộc An, Lộc Điền, Lộc Hòa, Xuân Lộc, Lộc Thủy, Lộc Tiến thuộc huyện Phú Lộc; Hương Thọ, Thủy Bằng, Thủy Biều, Hương Long, Hương Hồ, Hương An thuộc thành phố Huế.
Văn bằng Chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm Thanh Trà Huế đồng thời đính kèm Bản đồ khu vực địa lý, quyết định được ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về chỉ dẫn địa lý và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ký.
TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay: “Tại Thừa Thiên Huế hiện có 740 ha trồng bưởi Thanh Trà tập trung tại vùng bãi bồi ven sông, giải quyết công ăn việc làm cho trên 1000 hộ dân. Dù là trái cây đặc sản địa phương nổi tiếng, là vật phẩm tiến vua nhưng bưởi Thanh Trà Huế đang mất dần tiếng tăm trong thời buổi cạnh tranh hiện nay.
Việc xây dựng và phát triển thương hiệu Thanh trà Huế, xác lập quyền bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm quả Thanh trà là nhu cầu cấp thiết, khẳng định vị thế và thương hiệu sản phẩm Thanh trà Huế trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, văn hóa ẩm thực, tạo sinh kế bền vững cho người dân”.
Bảo Hòa