SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 07/05/2024
  • Click để copy

Sản phẩm du lịch sáng tạo, nghĩ về cô gái Huế

14:48, 15/12/2023
Đứng trước sự cạnh tranh của thị trường, du lịch đang ngày càng cần nhiều hơn những sản phẩm sáng tạo. Lúc này, con người Huế liệu có thể trở thành sản phẩm du lịch sáng tạo và cần những nguồn lực nào, hình thức ra sao để thúc đẩy du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển?

Với gần 1000 di tích lịch sử văn hóa, hơn 500 lễ hội, hàng trăm ngôi chùa cổ, làng cổ, nhà rường và nhà vườn, hệ thống di tích lưu niệm về Bác Hồ cùng các di tích lịch sử cách mạng, hệ sinh thái thiên nhiên đa dạng, ẩm thực Huế phong phú… là tiềm năng tài nguyên du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế do người Huế gây dựng. 

“Thấy cô gái Huế chân đi không đành”

Câu ca xưa “Học trò xứ Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành” được truyền đời không chỉ khẳng định tinh thần hiếu học mà còn để ngợi ca vẻ đẹp đằm thắm của đất và người kinh kỳ xứ Huế. Biết bao người “Trở lại Huế thương” theo lời ca khúc trữ tình của nhạc sĩ An Thuyên để “tìm người con gái áo tím mộng mơ”. Vậy người con gái Huế có gì để làm say đắm, có phải chỉ để “Theo em lên những ngôi đền/ Chén vàng chén ngọc đắm chìm sông sâu?” (Tạm biệt Huế - Thu Bồn).

5b

 Cô gái Huế với nét tính cách Huế chính là bản sắc riêng đã trở thành "thương hiệu" trong lòng du khách.

Cựu nhà báo Lưu Trọng Bình là con trai của nhà thơ Lưu Trọng Lư và nghệ sỹ đàn tranh Tôn Lệ Mừng. Bà Mừng là một người phụ nữ Huế. Trong ký ức của ông Bình, người phụ nữ Huế qua người mẹ chính là vào bếp có thể tinh tế, tỉ mỉ, khéo léo làm nên món ăn ngon; lên phòng khách có thể pha trà, chơi đàn tranh cung cách tao nhã. Người phụ nữ Huế trong chiếc áo dài ra chợ Đông Ba, trên những con thuyền rồng vang vang ca Huế dè dặt dịu dàng khiến ông bao lần phải trở về quê mẹ và giới thiệu đến bạn bè gần xa…

“Nếu như Huế giữ được tính cách tinh tế, với những “món ăn tâm hồn” lẫn món ăn nuôi thể xác nhưng được bài trí rất nghệ thuật để quảng bá đến du khách, hay người phụ nữ đến Huế học nấu được một món ăn ngon sẽ rất hạnh phúc, đáng tự hào để chia sẻ bởi vì có nhiều người yêu mến cô ấy”, ông Lưu Trọng Bình nói.

Sinh thời nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng cho rằng: Người Huế có một quan niệm mỹ học riêng, khác với truyền thống sẵn có ở miền Bắc. Thử xem xét điều này trên hình mẫu của vẻ đẹp thiếu nữ trên các tranh tố nữ làng Hồ, vẻ đẹp lý tưởng của khuôn mặt thiếu nữ Huế cũng có khác biệt.

“Những thế hệ người Huế dường như được sinh ra để trung thành với một sứ mệnh cao quý được ủy thác là bảo vệ di sản văn hóa trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình” Hoàng Phủ Ngọc Tường viết.

Mới đây, ông Trương Thanh Hùng - Chủ tịch Finno Group, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia - đã nhấn mạnh việc làm sao để định vị du lịch Huế từ thế mạnh riêng.

“Khi biết tôi có vợ là người Huế, mọi người thường nói: anh sướng quá, bởi trong mắt họ phụ nữ Huế là hiện thân của sự dịu dàng, đảm đang, tinh tế”, ông Hùng dí dỏm nói.

DSC00752

 Thích thú trải nghiệm là "cô gái Huế".

Trong đó, theo ông Trương Thanh Hùng, cô gái Huế nói riêng, con người Huế nói chung hiện vẫn chưa được nhìn nhận như một tài nguyên du lịch. Qua đó, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia xem đây chính là điểm cần được định vị lại cho đúng để cập nhật theo lợi thế của địa phương, đồng thời theo kịp xu thế nhu cầu của du khách.

Ông Hùng đưa ra một số sản phẩm du lịch mới gợi ý như: Tour trải nghiệm “Một ngày làm cô gái Huế”, cho du khách được trải nghiệm một mang áo dài Huế cổ truyền, học cách đi đứng ăn nói; công, dung, ngôn, hạnh và làm những việc nữ công gia chánh như một người Huế thực thụ.

Bên cạnh đó, Huế có thể nghiên cứu để đưa ra tour hướng dẫn khám phá địa phương bởi cô gái Huế: Tạo ra các tour du lịch dẫn đầu bởi phụ nữ Huế, nơi họ có thể chia sẻ về câu chuyện cá nhân, kiến thức về lịch sử và văn hóa xứ Huế bằng giọng nói và phong cách rất Huế.

Không chỉ con người và tính cách Huế có thể là một sản phẩm du lịch sáng tạo độc đáo trong tương lai, ông đề xuất thiết lập những tour như Hoàng đế vi hành bằng xe ngựa tham quan những con đường cổ xưa của Kinh thành và quan sát cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân xứ Huế, mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị và lãng mạn.

Trải nghiệm nghệ thuật Hoàng cung như sử dụng ánh sáng và âm thanh để tạo ra các buổi biểu diễn nghệ thuật đặc biệt trong Kinh thành vào ban đêm, tạo ra không gian huyền bí và kỳ diệu. Cho phép du khách sống trong một biệt phủ truyền thống, mặc áo cung đình và tham gia vào cuộc sống hoàng gia trong một khoảng thời gian ngắn.

Anh 2

 Vẻ đẹp Huế trong người con gái Huế đã được nhiều tác phẩm nghệ thuật ngợi ca.

Ngay cả phong cách tìm về và sống chậm giữa lòng Cố đô cũng có thể trở thành một sản phẩm du lịch hút khách khả thi khi khai thác, giúp du khách xa rời những bộn bề và sự vội vã tất bật của cuộc sống vốn ngày càng áp lực. Qua trải nghiệm phong thái của người Huế, tạo cơ hội để du khách tìm về với bản thể của chính mình, sống chậm lại để quán chiếu và cảm nhận được những giá trị hạnh phúc vốn dĩ đang tồn tại xung quanh mỗi người.

Bên cạnh hình thức du lịch truyền thống, du lịch thông minh cũng là một hướng có khả năng làm đa dạng sản phẩm của địa phương này nhằm xây dựng hình ảnh Thừa Thiên Huế là điểm đến xanh, thông minh. Như thiết kế các tour du lịch tham quan bằng xe đạp quanh thành phố Huế và làng cổ Phước Tích, sử dụng Audio Guide khi tham quan Đại nội, lăng tẩm.

Đong đếm nguồn lực, nắm bắt xu thế du lịch mới.

Để phát triển du lịch Huế luôn luôn mới mẻ, hấp dẫn, TS Cung Trọng Cường - Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế - cho hay còn rất nhiều khó khăn, hạn chế mà du lịch Huế còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

DSC02222

 Diễn đàn Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cụ thể, các doanh nghiệp đầu tư, khai thác phát triển du lịch trên địa bàn còn mỏng, năng lực khai thác rất hạn chế về thu hút khách cũng như phát triển các sản phẩm mới. Các điểm vui chơi giải trí, mua sắm hàng còn nhỏ lẻ, thiếu điểm nhấn nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng thu hút khách du lịch và kéo dài thời gian lưu trú. Nguồn nhân lực du lịch có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các tour du lịch sáng tạo về con người Huế hướng đến những nhóm du khách bận rộn, bởi sự bận rộn khiến việc sắp xếp thời gian cùng đi du lịch với gia đình, bạn bè trở nên khó khăn. Vì thế, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch một mình tránh việc bị phụ thuộc và phải chờ đợi. Việc trải nghiệm chiều sâu cuộc sống bản địa sẽ thú vị và hấp dẫn hơn đối với nhóm khách này.

Xu hướng đi ngắn, quyết định nhanh, những chuyến đi ngẫu hứng có thời gian lên kế hoạch và độ dài ngắn gia tăng. Tour tham quan trong ngày và chỉ nghỉ ngơi tại nơi lưu trú rời khỏi top 5 nhường chỗ cho các nhóm hoạt động ẩm thực và văn hóa – lịch sử.

DSC02124

 TS Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại diễn đàn thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế - TS Hồ Thắng - cho rằng: “Ngành Khoa học và Công nghệ sẽ cùng ngành Du lịch tập trung hỗ trợ, thúc đẩy, kiến tạo ý tưởng, dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp về du lịch, công nghệ thông tin, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dược liệu, y tế… Qua đó, kết nối, phát triển các chuỗi liên kết phát triển và cùng khai thác, sử dụng những sản phẩm mới”.  

DSC02157

 Diễn giả Trần Văn Tùng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bên cạnh đưa ra sản phẩm mới, chú trọng đến hình thức du lịch cũng là điều rất quan trọng. Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phúc - cho hay: “Việc ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số trong quản lý thông minh với nhiều dự án đã và đang triển khai hiệu quả mô hình thực tế ảo, thuyết minh tự động, xe đạp thông minh, số hóa di sản, vé điện tử, thẻ du lịch thông minh.

Sự chủ động sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi cách thức hoạt động và phát triển sản phẩm và dịch vụ giúp ngành Du lịch vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội chuyển đổi số một cách hiệu quả”.

DSC02232

 Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Trần Văn Tùng - cho biết Huế cần thúc đẩy, thu hút sự tham gia đa dạng thành phần vào đổi mới sáng tạo mở. Khi gắn kết chính chuyển địa phương và doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp triển khai ý tưởng.

Đồng thời, chính quyền địa phương được hưởng lợi khi có thêm nguồn lực đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế - xã hội trong đó có phát triển ngành Du lịch.

Bảo Hòa

Tin khác

Giải trí 8 giờ trước
(SHTT) - Quảng Ninh là vùng đất có lịch sử văn hoá lâu đời với nhiều nghề truyền thống, không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội mà còn có ý nghĩa rất lớn về văn hoá và du lịch.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Cầu truyền hình "Dưới lá cờ quyết thắng" do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện đã diễn ra tối 5/5 tại năm điểm cầu.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Biển Cửa Lò lượng lớn sò huyết bị sóng đánh trôi dạt vào bờ, rất đông người dân, du khách được hưởng "lộc biển" ban tặng.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Tính cả các suất chiếu đặc biệt, sau 7 ngày, "Lât mặt 7: Điều ước của mẹ" đã đạt doanh thu vượt mốc 200 tỷ đồng.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức trình chiếu bức tranh Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng công nghệ 3D mapping, tại khu vực tượng đài cảm tử, phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm.