Tỉnh Thừa Thiên Huế: Vinh danh 12 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Tham dự Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho hay: “Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với những chính sách hỗ trợ thiết thực và phù hợp nhất”.
Năm 2023, Ban tổ chức Cuộc thi nhận được 90 hồ sơ hợp lệ dự thi, đây là năm có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều nhất từ trước đến nay. 12 ý tưởng, dự án xuất sắc nhất được trình UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, phê duyệt kết quả cuộc thi và vinh danh.
Trải qua 3 vòng thi sơ khảo, bán kết, chung kết, trên cơ sở ý kiến góp ý của Hội đồng giám khảo và tập huấn của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, chuyên môn. Đến nay, các dự án dần hoàn thiện về kỹ năng thuyết trình, định vị sản phẩm, định hướng phát triển ý tưởng, dự án; xây dựng mô hình kinh doanh và tiếp cận thị trường, kết nối nhà đầu tư.
Ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế - vui mừng cho biết: “Nhiều dự án dự thi có tính khả thi và sáng tạo cao, được hun đúc từ tâm huyết, đam mê của các thế hệ thanh niên thời đại mới. Các dự án thực sự có ý nghĩa thiết thực, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Giải nhất thuộc về tác giả Hoàng Thị Cẩm Nhung - Giám đốc Công ty TNHH phát triển Nông nghiệp xanh Mộc An với Dự án “Ngũ cốc Mộc An - Hành trình phát triển bền vững từ vùng tài nguyên bản địa”.
Hai giải Nhì thuộc về tác giả Lại Thị Kim Son đến từ Công ty TNHH SX&TM Yến sào Hoa Sữa với dự án “Yến Cung đình Huế - Mang hảo vị hoàng gia đến với mọi nhà”; Lê Thị Như Quỳnh - Công ty TNHH SX TM DV Bạch Mã Herbals - với dự án "Phục hồi cây màng tang để chiết xuất tinh dầu và cao xoa bóp từ hạt Màng Tang".
Ba giải Ba thuộc về tác giả Trần Vũ dự án "Xây dựng nhà kính trồng rau, trồng hoa công nghệ cao"; nhóm tác giả: Lường Thị Hiền, Ngô Chiến, Hồ Thị Thủy, Phan Thị Hường, Trần Vật với dự án "Hương vị Tam Giang" và tác giả Lê Quang Tiến Dũng với dự án "Gốm sứ mạ bạc H.SPC".
Bên cạnh đó, Cuộc thi cũng trao giải cho 3 tác giả, nhóm tác giả đạt giải khuyến khích.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh thừa Thiên Huế cũng trao thưởng cho các tác giả Trần Thị Bích May với dự án "Hanaalfood – Thịt heo, thịt bò gác bếp A Lưới" và tác giả Dương Thị Bích Thủy với dự án "Đồng hành cùng trẻ kém may mắn – không để trẻ bị bỏ lùi phía sau".
Giải thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh là giải thưởng hướng đến những dự án phát huy giá trị vốn có của địa phương và có ý nghĩa tích cực cho cộng đồng. Giải thưởng nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tạo cơ hội phát triển và hội nhập của các startup trẻ nhiều tiềm năng.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề xuất và trao 1 giải thưởng Sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu cho nhóm tác giả Lê Bảo Khánh, Trần Hoàng Công Toại, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Võ Đức Minh, Lê Thu Thủy với dự án "Medifind - Ứng dụng hỗ trợ sử dụng kháng sinh an toàn".
Năm nay, những dự án được đánh giá cao là những dự án khai thác truyền thống văn hóa ẩm thực, tài nguyên du lịch cộng đồng. Đặc biệt là các dự án mang tính đổi mới sáng tạo trong ứng dụng công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và những dự án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp chủ lực tại địa phương.
Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế là sự kiện thường niên trong nhiều hoạt động kiến tạo hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Sau 8 lần tổ chức, Cuộc thi thu hút 414 hồ sơ đăng ký dự thi, trong đó 108 dự án được chọn vào vòng chung kết và 67 ý tưởng, dự án có tiềm năng nhất được chọn để trao giải cấp tỉnh.
Nhiều dự án không ngừng phát triển lớn mạnh từ Cuộc thi vươn lên phát triển, lan tỏa trong cả nước và hội nhập với thị trường thế giới.
Bà Hoàng Thị Cẩm Nhung - tác giả đạt giải Nhất - xúc động chia sẻ: “Tôi hình thành nên Mộc An trước hết là vì mưu sinh. Trước đây, tôi là giáo viên hợp đồng. Sau khi hết hợp đồng, tôi phải tìm hiểu và làm nhiều công việc khác nhau. Tôi muốn lan tỏa một sản phẩm dinh dưỡng đến cho khách hàng và giúp bà con giải quyết vấn đề đầu ra, từ đó đưa ra sản phẩm ngũ cốc dinh dưỡng”.
CEO Mộc An chia sẻ chất lượng của ngũ cốc Mộc An đến từ sản phẩm kết hợp của hạt sen, các loại hạt đậu quê với các loại hạt nhập khẩu. Sự yêu thương ủng hộ của gia đình là động lực cho bà Nhung phát triển thương hiệu ngũ cốc Mộc An. Sự đồng hành, hỗ trợ của UBND tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế tạo điều kiện để đưa giá trị doanh nghiệp đến với thị trường và cộng đồng.
Bảo Hòa