Nhiều tác phẩm đặc sắc ở phiên chợ Hoàng Mai Huế cầu ngói Thanh Toàn
Khi màu xám bầu trời mùa đông vẫn đang kéo dài, dòng người đổ về phiên chợ rộn ràng để ngắm “sắc vàng đột hiện lộng lẫy như màu áo Hoàng hậu” của Hoàng Mai Huế (nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong Mùa xuân thay áo trên cây).
Toàn thân mỗi cây mai qua bàn tay của những nghệ nhân chăm tỉa đến tháng Chạp trở thành một bông hoa khi sắp sửa cho nụ phủ kín toàn thân. Nhiều kiểu dáng đẹp và độc đáo của Hoàng Mai Huế cùng hội tụ tại đây.
Phiên chợ Hoàng Mai Huế kết hợp với Đại hội Chi hội Hoàng Mai thị xã Hương Thủy lần đầu tiên tổ chức tại thị xã Hương Thủy diễn ra từ ngày 12 -14/1. Đây là phiên chợ mua bán tự do, không giới hạn về số lượng. Trong khuôn khổ chương trình sẽ có phiên đấu giá Hoàng Mai vào chiều tối ngày 14/1.
Bên cạnh những cây của các vườn mai lớn thị xã Hương Thủy còn có sự góp mặt của những “cụ mai vàng” Huế như cây bảo tồn Hoàng Mai Huế số 15 khiến phiên chợ trở nên hấp dẫn.
Tham gia phiên chợ Hoàng Mai Huế, ông Trần Ngọc Sơn (đường Phùng Quán) - bày tỏ sự phấn khởi: “Rất tuyệt vời, ngoài sự mong đợi của chúng tôi khi tổ chức phiên chợ Hoàng Mai Huế lần đầu tiên tại thị xã Hương Thủy. Khách đi lui đi tới đông vui. Trước đó, phiên chợ Hoàng Mai Huế khác được tổ chức vào tháng 11 tại TP Huế là thời điểm chưa nhặt lá, hôm nay Hoàng Mai sau khi được nhặt lá thấy như mùa xuân về”.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế - TS Hồ Thắng, để phát triển Chỉ dẫn địa lý Hoàng Mai Huế hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình Cục Sở hữu trí tuệ hồ sơ đăng ký Chỉ dẫn địa lý. Cục Sở hữu trí tuệ vừa ký văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Hoàng Mai Huế.
Trên cơ sở đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập Hội Hoàng Mai Huế. Đến thời điểm này, phiên chợ Hoàng Mai Huế được tổ chức từ ngày 12/1 kết hợp với Đại hội Chi hội Hoàng Mai thị xã Hương Thủy vào chiều nay 14 giờ 30 phút ngày 14/1. Như vậy, Chi hội Hoàng Mai thị xã Hương Thủy trở thành Chi hội thứ 6 tại tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập với sứ mệnh lan tỏa niềm đam mê và giá trị cây mai vàng Huế.
“Chúng tôi muốn tổ chức các phiên chợ Hoàng Mai Huế nhất là vào thời điểm Tết đến xuân về để giới thiệu các tác phẩm Hoàng Mai đặc sắc nhất của từng địa phương. Trước đó, chúng tôi từng tổ chức các phiên chợ Hoàng Mai Huế tại huyện Quảng Điền, Phong Điền và hôm nay tại Hương Thủy nhằm đẩy mạnh phong trào chơi mai, sản xuất Hoàng Mai, biến cây Hoàng Mai trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế”, TS Hồ Thắng nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay: “Nhân đây, phiên chợ Hoàng Mai Huế sẽ góp phần làm đẹp thêm phong cảnh của một điểm đến du lịch cộng đồng Chợ quê cầu ngói Thanh Toàn. Sự kiện nhằm góp phần phát triển nền văn hóa của vùng đất giàu truyền thống. Trong đó, có cây Hoàng Mai với phong trào “mai vàng trước ngõ” mà người dân của Huế đã và đang vun đắp quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam”.
Hội Hoàng Mai Huế được giao quản lý Chỉ dẫn địa lý "Huế" sản phẩm Hoàng Mai sẽ là chủ thể thực hiện các hoạt động: Quy tụ nghệ nhân, những người yêu thích cây Hoàng Mai trên toàn tỉnh, nhằm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp phát triển Hoàng Mai Huế. Hội quản lý các cơ sở Hoàng Mai Huế đúng chuẩn được khai thác, bảo vệ tài sản trí tuệ - thương hiệu sản phẩm Hoàng Mai với chỉ dẫn địa lý “Huế”.
Hội Hoàng Mai Huế đứng ra tổ chức các cuộc thi, triển lãm nghệ thuật bonsai Hoàng Mai Huế đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức Lễ hội Hoàng Mai Huế hàng năm, các chợ phiên và nhiều hình thức nhằm quảng bá, tuyên truyền khác.
Với đặc điểm tuần hoa mai vàng thường kéo dài, cành hoa nở xong rơi xuống đất vẫn tươi nguyên màu trẻ trung, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng ngợi ca mai vàng Huế là “Chúa Xuân”, là “Màu áo nữ trời ban cho cố đô”. Ông viết: “Ở Huế người ta không biết có xuân về nếu không có cây mai vàng… Vườn Huế nào dù nghèo, vẫn dành chỗ cho vài ba cây mai, giống như di sản truyền thống cho nhiều đời, mai già thành cổ thụ, cành cây tán lớn, tỏa sáng cả một vùng chung quanh”.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý là cơ hội nâng tầm thương hiệu Hoàng Mai Huế trở thành sản phẩm kinh tế có giá trị cao. Xây dựng các rừng mai, vườn mai độc đáo để phát triển Hoàng Mai Huế trở thành sản phẩm du lịch mới, đặc sắc của Huế - Việt Nam. Đồng thời, Chỉ dẫn địa lý Hoàng Mai Huế cũng là chỉ dẫn cho du khách biết thêm một giá trị văn hóa, nhân văn đặc trưng của Thừa Thiên Huế rất đáng lưu tâm trên hành trình khám phá cố đô.
Bảo Hòa