Đầu năm đến Đại Nội Huế xem tái hiện đại Lễ Ban lịch triều Nguyễn
Sáng 1/1, khi sương sớm mùa xuân đang bảng lảng giăng quanh thành nội, những hồi trống, tiếng pháo hiệu bắn lên không trung tái hiện không khí báo hiệu nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong và bắt đầu tổ chức Lễ Ban sóc.
Lễ Ban sóc được cử hành trang nghiêm với sự điều hành của hai viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên Giám. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, sau khi biên soạn và in ấn lịch xong, cứ đến ngày mồng một tháng Chạp, triều đình sẽ tổ chức lễ phát lịch - gọi là Ban Sóc tại Ngọ Môn cho Kinh đô.
Để vui xuân đón Tết, việc chuẩn bị rất quan trọng. Cuối năm và trước Tết nhiều nghi lễ được diễn ra với những hình thức trọng thể.
Lễ Ban sóc được xem là đại lễ, loại lịch được tiến vào cung để Hoàng gia dùng có rất nhiều loại như long lịch, phượng lịch, loan lịch; loại lịch dùng để phát cho các thân công, hoàng tử là lịch vạn niên thọ; loại lịch phát cho quan ở Kinh thành, quan địa phương là lịch hiệp kỷ, vạn toàn.
Một cuốn lịch của triều Nguyễn sẽ được bố trí: thời giờ, thời tiết trong năm ở Kinh đô, ở các địa phương, phân chia 12 tháng trong năm theo 4 tiết mùa.
Thứ tự các địa phương theo kinh độ, địa đồ, ngày giờ, sinh nhật, huý kỵ của các tiên đế (các vua chúa đời trước của họ Nguyễn), sau cùng cũng có “trang trách nhiệm” ghi tên, nhiệm vụ của các quan Khâm Thiên Giám tham gia vào việc biên soạn này.
Lễ Ban sóc trước hết là để tiến lịch vào Hoàng Cung để Hoàng gia dùng sau là phát cho các quan ở kinh thành, các địa phương và phân phát lại cho dân chúng.
Lễ Ban sóc được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dàn dựng lại theo hình thức sân khấu hóa nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa lễ hội gắn liền với di sản.
Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, cuốn lịch đối với đời sống người dân Việt có ý nghĩa đặc biệt. Xem lịch không chỉ để theo dõi thời gian, thời tiết mà còn để làm nông vụ, để ứng phó, phòng tránh thiên tai, để trân trọng thời gian.
Nhiều du khách tỏ ra vui mừng khi đón nhận lịch năm mới khi vào Đại Nội xem Lễ Ban Sóc: ”Lịch năm nay rất đẹp, không chỉ có thời gian 12 tháng trong năm mà có lịch của Festival suốt 4 mùa, rất tiện lợi”, bà Trần Thị Thảo, du khách đến từ Phú Yên cho hay ông cảm thấy nhận lịch đầu năm theo nghi thức của Lễ Ban sóc sẽ bắt đầu một năm mới vui vẻ như không khí của Lễ hội.
”Lễ Ban sóc là sự kiện mở đầu cho một năm mới với nhiều hi vọng mới về sự phát triển của kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch của tỉnh nhà”, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho hay.
Nhân sự kiện này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công bố chương trình Festival Huế 2024 với chủ đề ”Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển” sẽ tổ chức các hoạt động liên tục, kéo dài trong suốt năm. Festival Huế mở đầu bằng Lễ Ban sóc triều Nguyễn ngày 1/1/2024 và kết thúc bằng Chương trình Countdown ngày 31/12/2024 với điểm nhấn là Tuần lễ Festival Huế 2024 diễn ra từ ngày 7 - 12/6/2024.
Lễ hội mùa Xuân với tên gọi Xuân Cố đô từ tháng 1 - 3 gồm các lễ hội cung đình, lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian đặc thù. Điểm nhấn là chương trình Công bố Festival Huế 2024 và Lễ hội sân khấu hóa tái hiện Lễ Ban sóc triều Nguyễn, Tết cung đình, dân gian phong phú với những tập tục đón Tết, không gian văn hóa Tết truyền thống, hoạt động vui chơi giải trí ngày xuân của Kinh đô Huế xưa kết hợp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thừa Thiên Huế.
Lễ hội mùa Hạ với tên gọi Kinh thành tỏa sáng sẽ diễn ra trong tháng 4 -6 lấy chủ đề ”Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, trong đó có tuần lễ cao điểm từ ngày 7 -12/6.
Lễ hội mùa Thu với tên gọi Huế vào thu từ tháng 7 đến tháng 9 với nhiều hoạt động vui Tết Trung Thu như Hội đèn lồng quốc tế Huế 2024, kết hợp các hoạt động trưng bày, sắp đặt, rước đèn lồng, quảng diễn múa lân.
Lễ hội mùa Đông với tên gọi ”Mùa Đông xứ Huế từ tháng 10 – 12 gồm một số hoạt động lễ hội mới tạo không khí ấm áp, sôi động cho mùa đông với các loại hình vui chơi, giải trí cho du khách có thêm thời gian thưởng ngoạn lưu lại với Cố đô Huế.
Festival Huế 2024 định hướng bốn mùa sẽ tiếp tục khai thác các lễ hội trải dài trong năm như các hình thái lễ hội dân gian, lễ hội cung đình, lễ hội tôn giáo, lễ hội truyền thống, đồng thời từng bước xây dựng các chương trình lễ hội mới, phù hợp xu thế, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng. Phát triển các lễ hội thành sản phẩm du lịch định kỳ, thúc đẩy kinh tế - xã hội để Thừa Thiên Huế thực sự trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Bảo Hòa