Đà Nẵng: Phổ biến nhiều điểm mới trong văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ
Tham dự Hội thảo hơn 150 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực thi quyền Sở hữu trí tuệ, các viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội và doanh nghiệp…
Sự kiện nhằm phổ biến rộng rãi các quy định mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung, các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục Trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - cho hay: “Hội thảo sẽ cung cấp cho các quý vị những thông tin có giá trị, góp phần giúp quý vị hiểu biết đầy đủ về các quy định pháp luật mới về Sở hữu trí tuệ. Từ đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Sở hữu trí tuệ năm 2022 và Nghị định số 65/2023/NĐ-CP có thể đi vào thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của đất nước theo cách thức tích cực”.
Tại Hội thảo, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ giới thiệu tổng quan về các văn bản pháp luật Sở hữu trí tuệ mới được ban hành; Những điểm mới của pháp luật về bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí; bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.
Dịp này, Cục Sở hữu trí tuệ còn tuyên truyền, phổ biến những điểm mới của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về Sở hữu công nghiệp. Những điểm mới của pháp luật về bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ, về đại diện và giám định sở hữu công nghiệp.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội, biểu quyết thông qua, tán thành (chiếm 95,58%, tổng số đại biểu Quốc hội). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023, trừ quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14/01/2022, trong khi quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14/01/2024.
Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành từ năm 2005, sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009 và 2019 phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt - quyền Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật Sở hữu trí tuệ còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với mục tiêu tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ.
Ngày 23/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về Sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền Sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ. Nghị định có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 23/8/2023.
Với các hướng dẫn chi tiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính ở mức tối đa, Nghị định số 65/2023/NĐ-CP sẽ tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy các viện, trường, doanh nghiệp, các cá nhân chủ động đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, thúc đẩy đăng ký xác lập quyền và chuyển giao tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước.
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ bày tỏ mong đợi các đại biểu sẽ có những thảo luận sôi nổi, thẳng thắng tại Hội thảo. “Tôi tin rằng, pháp luật chỉ là công cụ và môi trường, còn công cụ và môi trường ấy phát huy được vai trò tới đâu, cách thức các thành tố liên quan trong môi trường ấy sử dụng, tham gia quyết định. Những hạn chế, theo đó, sẽ được giải quyết, những lợi ích có thể đem lại sẽ được tận dụng tốt nhất”, ông Nguyễn Văn Bảy nhấn mạnh.
Bảo Hòa