Đà Nẵng hướng dẫn, nâng cao nhận thức về đăng ký sáng chế năm 2023
Học viên đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, noanh nghiệp, cơ quan quản lý và các tổ chức trong TP Đà Nẵng.
Sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội và là yếu tố cốt lõi thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh. Sở hữu trí tuệ còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của tổ chức, doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nhất là trong xu thế hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế thế giới như hiện nay.
Sáng chế là một trong những đối tượng quyền sở hữu trí tuệ quan trọng. Việc khai thác sáng chế giúp phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khuyến khích sự sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tại buổi khai mạc khóa tập huấn, bà Lê Thị Thục - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng - cho hay: “Theo kết quả thống kê danh sách bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích Cục Sở hữu trí tuệ công bố lượng đơn sáng chế/giải pháp hữu ích của chủ đơn Việt Nam đang chiếm tỷ lệ thấp (10 - 12%) so với tổng số đơn đăng ký tại Việt Nam".
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng số lượng đơn sáng chế/giải pháp hữu ích của chủ đơn Việt Nam chưa cao nhưng chủ yếu do: Nhu cầu đối với sáng chế, năng lực nghiên cứu cũng như khả năng hấp thụ sáng chế còn hạn chế; cơ chế khuyến khích tạo ra sáng chế chưa thực sự hiệu quả. Mặt khác, nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ chưa được chú tâm nên nhiều nhà sáng chế chưa đăng ký bảo hộ sáng chế cho công nghệ của mình, dẫn đến không được bảo vệ khi thương mại hóa sản phẩm, công nghệ.
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng, hiện Đà Nẵng có 226 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế/giải pháp hữu ích và 67 văn bằng sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp, đứng thứ 5 trong cả nước. Tuy nhiên, những con số này ở khoảng cách xa so với TP.HCM và Hà Nội (số đơn chỉ bằng 3,44% so với số đơn của Hà Nội, 3,1% so với TP.HCM; số văn bằng chỉ bằng 3,35% so với Hà Nội và bằng 3,26% so với TP.HCM).
Bà Lê Thị Thục nhận định đó là những con số còn rất khiêm tốn so với lực lượng các nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Trong những năm qua đã có nhiều tài sản trí tuệ được nghiên cứu tạo ra từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp nhưng chưa có nhiều sáng chế được đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng như khai thác, thương mại hóa hiệu quả. Đây là một thực trạng đáng quan tâm từ phía các nhà quản lý cũng như chính các nhà khoa học.
Trong khi đó, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cần phải được thực hiện đúng quy định và kịp thời thì mới có thể đảm bảo quyền lợi của các bên.
Tại khóa tập huấn, các học viên lắng nghe các giảng viên trình bày về những điểm mới trong quy định pháp luật về bảo hộ sáng chế; Tổng quan về sở hữu công nghiệp, sáng chế/giải pháp hữu ích; Bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích; Hướng dẫn soạn thảo bản mô tả sáng chế; thủ tục đăng ký sáng chế và cách thức nộp hồ sơ; các vấn đề về Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với kết quả của hoạt động sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và công nghệ; Thông tin Sở hữu công nghiệp; Hướng dẫn tra cứu thông tin sáng chế.
Cũng tại lớp tập huấn các học viên cùng thảo luận và trao đổi những khó khăn, vướng mắc liên quan việc xây dựng hồ sơ và nộp đơn đăng ký sáng chế cũng như có các kiến thức cơ bản về bảo hộ sáng chế, quyền tác giả. Nhiều quy định pháp luật liên quan đến bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu, các quy định mới về sáng chế học viên chưa kịp nắm bắt đã được hướng dẫn trực tiếp dễ tiếp thu, dễ ứng dụng.
Bảo Hòa