Công tác chuyển đổi số tại Hà Nội: Hoàn thành nhiều dữ liệu số chuyên ngành trong năm 2023
Từ năm 2022 đến nay, mặc dù chưa có các văn bản quy phạm về chuyển đổi số nhưng ngay sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị của thành phố.
Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực và các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội của thành phố. Đến nay, toàn bộ hệ thống chính trị của TP đã vào cuộc, nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số và đã triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, theo lộ trình chung của thành phố.
Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã tập trung chỉ đạo để trong thời gian ngắn, các hệ thống lớn, dùng chung toàn thành phố đã hoàn thành, như hệ thống thông tin báo cáo; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội cũng đã có các quy định, quy chế kèm theo để đảm bảo vận hành, khai thác các hệ thống thông tin, như quy chế đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước đã hoàn thành trong quý I năm nay (Quyết định số 2223/QĐ-UBND), quy chế hoạt động hệ thống thư điện tử thành phố,...
Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục đề ra và thực hiện mục tiêu về hạ tầng số, trung tâm dữ liệu chính sau khi hoàn thành cơ bản hệ thống dữ liệu lớn, dùng chung toàn thành phố.
Cụ thể, Thủ đô đang tập trung triển khai hạ tầng số và trung tâm dữ liệu để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV năm nay. Đồng thời, tiếp tục duy trì, bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt mạng diện rộng WAN của thành phố, hệ thống giao ban trực tuyến cả thành phố đã được triển khai tới 3 cấp chính quyền.
Hà Nội cũng đang tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp cấp miễn phí chữ ký số cho người dân trên địa bàn Thủ đô tại bộ phận một cửa của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã.
Cho đến thời điểm hiện tại, khoảng 1.000 chữ ký số đã được cấp miễn phí cho người dân để thực hiện dịch vụ công trực tuyến của thành phố.
Hà Nội cũng đã ban hành Danh mục dữ liệu mở sau khi hoàn thành cơ bản hệ thống dữ liệu lớn, dùng chung toàn thành phố. Theo đó, những dữ liệu chuyên ngành sẽ được triển khai chia sẻ trong nội bộ cơ quan nhà nước và công dân, tổ chức trong thời gian tới. Đồng thời, thành phố đã chỉ đạo triển khai Cổng dữ liệu thành phố và hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của thành phố (LGSP). Đây là 2 hệ thống cơ bản làm nền tảng để các đơn vị tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong cơ quan nhà nước.
Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã đề nghị lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc sở tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ thành phố giao tại Kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của Cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, đảm bảo an toàn thông tin thành phố năm 2023 và tham mưu xây dựng Kế hoạch năm 2024; tiếp tục triển khai các Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về phát triển hạ tầng bưu chính - viễn thông phục vụ Chương trình chuyển đổi số thành phố.
Song song với đề nghị trên, Sở cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, thực hiện Chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại, tạo điều kiện kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững, đồng thời, Thành phố Hà Nội cũng phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Trong đó, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công toàn trình; 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 50% dân số trưởng thành có chuyển đổi số; 70% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử…
Thanh Hà