Các cơ quan báo chí cùng đồng hành, sát cánh bảo vệ bản quyền
Thời gian qua, không chỉ riêng người làm báo mà bất cứ ai quan tâm đến nền báo chí nói chung đều có thể chỉ ra những nguyên nhân hàng đầu khiến các tác phẩm, sản phẩm báo chí bị sao chép dễ dàng, tràn lan trên internet. Đó là sự phát triển bùng nổ của các công cụ kỹ thuật số, nền tảng số, mạng xã hội…; nhu cầu và thị hiếu thông tin theo xu hướng nhiều, nhanh của độc giả; nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật của cả đối tượng vi phạm bản quyền lẫn tác giả… Song không phải ai cũng hình dung được tính nghiêm trọng và diễn biến ngày càng tinh vi của thực trạng vi phạm bản quyền báo chí trên môi trường số.
Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Hồ Quang Lợi từng cho biết việc vi phạm bản quyền gây thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần cho các đơn vị báo chí. Không chỉ uy tín của cá nhân và tập thể bị ảnh hưởng bởi những thông tin không bản quyền, sai lệch, mà về khía cạnh kinh tế cũng tổn thất rất lớn.
Trước thực trạng này, Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn, các cơ quan báo chí cùng sát cánh, đồng hành trong việc bảo vệ bản quyền sản phẩm báo chí; đồng thời kêu gọi các cơ quan báo chí đoàn kết hơn nữa để đẩy mạnh dòng báo chí chủ lưu; có biện pháp siết chặt đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo.
Cùng với đó, sự cạnh tranh về thông tin giữa các cơ quan báo chí ngày càng lớn hơn, chưa kể sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cơ quan báo chí với nhiều nền tảng mạng xã hội, những hình thức truyền thông mới với sự hỗ trợ của khoa học, công nghệ, trí tuệ nhân tạo...
Vì vậy, báo chí cần có những cách suy nghĩ, tiếp cận khác. Theo đó, các cơ quan báo chí cần trực tiếp đối mặt với khó khăn, thách thức, không né trách; hướng suy nghĩ mới để có những sản phẩm mới, mang tính hấp dẫn, cạnh tranh; có sự quản lý người làm báo và sản phẩm báo chí tốt hơn.
Cơ quan báo chí, nhất là cơ quan báo chí lớn đại diện cho tiếng nói của Đảng, Nhà nước phải đưa thông tin chuẩn mực, không thể chấp nhận sai sót; phải hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, lan tỏa mô hình tốt đẹp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong đào tạo nguồn nhân lực cần chú trọng không chỉ đào tạo để nhận bằng cấp, chứng chỉ mà phải thực chất.
Cũng tại Hội nghị giao ban báo chí đầu Xuân Giáp Thìn 2024, Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết với những người làm báo cách mạng, 2024 cũng là năm bận rộn với các hoạt động tiến tới kỷ niệm 100 năm nền báo chí cách mạng Việt Nam vào năm 2025.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị báo chí cần tập trung tuyên truyền thật tốt việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2024; khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai tích cực, sáng tạo việc tuyên truyền các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết sách... của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; bám sát hơi thở cuộc sống, từ thực tiễn cuộc sống để phản ánh, góp ý, kiến tạo và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân ái trong xã hội.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: "Chúng ta cần quyết tâm cao độ để xây dựng nền báo chí "chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tích cực xây dựng, triển khai thực chất môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí; cần nhiều hơn những nỗ lực, quyết tâm, bản lĩnh để mỗi cơ quan báo chí đều là "cơ quan báo chí tử tế," mỗi người làm báo đều là "người làm báo tử tế."
"Thực hiện tốt điều đó, tôi tin tưởng rằng cơ quan báo chí, người làm báo sẽ nhận được sự tôn trọng của cả xã hội, từ đó sẽ tạo ra giá trị, khẳng định được thương hiệu giúp cạnh tranh hiệu quả trước các nền tảng truyền thông xã hội ngày càng phong phú nhưng cũng không ít nhiễu loạn," Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý.
Hương Mi