SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Cà phê được mùa, được giá nhưng doanh nghiệp xuất khẩu lỗ nặng

18:46, 29/03/2024
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho biết giá cà phê lên cao và nhanh khiến họ không trở tay kịp.

Tháng 11/2023, cà phê có giá từ 59.000 đồng/kg - 60.000 đồng/kg thì tháng 12/2023 là 62.000 đồng/kg - 69.000 đồng/kg. Đến cuối tháng 3/2024, giá cà phê xô lên tới 100.000 đồng/kg. 

Doanh nghiệp xuất khẩu lỗ nặng

Đến nay, giá cà phê tiếp tục leo thang, các nhà sản xuất và xuất khẩu lo lắng khi có những đơn hàng xuất khẩu đã kí kết dài hạn trước đó. Bên cạnh đó, việc mua bán nguyên liệu cũng khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. 

Theo ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, với các công ty xuất khẩu và các công ty nước ngoài, do hợp đồng xuất khẩu đã ký nên vẫn phải mua cà phê với giá cao để giao hàng. Do đó, giá lỗ hàng chục triệu đồng/tấn mà hợp đồng cà phê thì hàng trăm đến hàng ngàn tấn. 

caphevietnam

Một số chuyên gia dự đoán, sau tháng 5, giá Robusta Việt Nam xuất khẩu sẽ về mức chung của thị trường thế giới

Giá cà phê cao ngất và nông dân sau thu hoạch cũng ít gửi đại lý, vì giá có chiều hướng đang lên nên họ cũng không muốn bán hết một lần hay 50% như mọi năm mà giữ bán từ từ. Vì vậy, lượng cung nhỏ giọt và giá cao khiến thị trường cà phê cực kỳ căng thẳng,... Đó là những phác thảo cơ bản phía sau bức tranh có vẻ rực rỡ của thị trường cà phê giá lên hiện nay.

"Nông dân năm nay rất nhiều người đã không giao cho các đại lý mà họ đã chốt giá trước đó, các đại lý do không có hàng từ nông dân nên cũng không giao hàng cho các nhà xuất khẩu, đẩy tình trạng kinh doanh xuất khẩu hỗn loạn", ông Phan Minh Thông nói.

Cũng theo ông Thông, tình trạng được mùa, được giá mà các công ty xuất khẩu hay các công ty nước ngoài nếu đã bán trước mà không nhận được hàng đã mua, thiệt hại vô cùng lớn. 

Hiện tại, giá cà phê Robusta của Việt Nam là cao nhất thế giới, cao hơn cả Ấn Độ. Vì vậy, người mua mới không mua của Việt Nam nữa mà chọn Ấn Độ để mua hàng.

Bà Văn Thị Loan - Giám đốc Công ty TNHH Real Bean Coffee - cho biết hiện giá cà phê nhân xanh Robusta Việt Nam cao ở mức lịch sử. Đơn vị sản xuất không có nguồn hàng nguyên liệu dự trữ dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu vì sản lượng mua vào khó, giá tăng cao. Điều này ảnh hưởng tới giá bán ra.

Ở thị trường xuất khẩu, với những đơn hàng ký bán trước với giá cố định, chốt thấp thì xảy ra tình trạng thiếu hàng và giá mua vào cao dẫn đến lỗ vốn không đủ hàng để giao theo hợp đồng trong các kỳ giao tới tháng 3,5.

Theo bà Loan, để đối phó với tình hình giá cà phê tăng cao, công ty đã đưa ra nhiều giải pháp. Đối với hàng nguyên liệu và gia công, công ty chốt giá bán theo phiên. Các hợp đồng cà phê thành phẩm trước đó đã ký vẫn giữ giá, cắt giảm khuyến mãi. Còn ở hàng bán kênh siêu thị, quà tặng, công ty điều chỉnh giá khoảng 10% để duy trì và giữ khách.

Nguyên nhân giá cà phê tăng cao

Theo bà Loan, giá cà phê tại Việt Nam tăng cao do nhu cầu tiêu dùng tăng. Cụ thể, kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nên khoản tiền chi tiêu từ người tiêu dùng giảm và ưu tiên chọn sản phẩm giá phù hợp. Hàng cà phê Arabica trước giờ giá cao hơn Robusta nên các nhà rang xay Âu Mỹ mua Robusta trộn vào để giảm chi phí sản xuất và sản phẩm đầu ra có giá tốt.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ cà phê nay có thêm Trung Quốc, trước đây Trung Quốc thiên về trà. Những năm gần đây, xu hướng dùng cà phê ở Trung Quốc tăng lên và khách hàng chuộng hàng Việt Nam vì chi phí mua, vận chuyển tốt.

Ngoài ra, khu vực kênh đào Xuy-Ê (Suez) đang hạn chế số tàu qua lại làm thời gian giao hàng dài hơn. Trong khi đó, kho dự trữ cà phê các nước châu Âu lại giảm, điều này dẫn đến việc thiếu hàng khi nhu cầu tăng.

Hiện tại chỉ có Việt Nam mới có cà phê vì thu hái trước tháng 1 hàng năm, còn các nước khác thì tầm tháng 4 -7 mới thu hái. Ở Việt Nam, việc chuyển hoá diện tích cà phê sang các cây khác như sầu riêng, tiêu, macca, bơ và giảm diện tích cà phê vì đô thị hoá dẫn tới sản lượng không tăng lên bao nhiêu trong khi nhu cầu tăng cao.

Theo bà Loan, cho đến khi các nước khác vào vụ cà phê thì giá Robusta chuẩn xuất khẩu vẫn sẽ ở mức cao vì sản lượng cung càng giảm và các hợp đồng giao vẫn phải thực hiện. Các loại cà phê chất lượng thấp hơn sẽ có giá tốt hơn vì sản lượng còn trong các nhà rang. Sau tháng 5, giá Robusta Việt Nam xuất khẩu sẽ về với mức chung của thị trường thế giới.

Tuy vậy, theo bà Loan cho đến khi vào vụ mới thì giá cà phê trong nước vẫn sẽ ở mức cao hơn so với thế giới vì tới tháng 10 mới vào vụ và sản lượng trong nước giảm theo từng tháng.

Thị trường nội địa phải đa dạng cà phê chế biến

Phần lớn, Việt Nam xuất khẩu cà phê thô mà chưa đa dạng được các sản phẩm chế biến. Cùng với đó, ở mảng cà phê chế biến, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm thị phần lớn về xuất khẩu.

Theo bà Văn Thị Loan - Giám đốc Công ty TNHH Real Bean Coffee, ngành cà phê truyền thống của Việt Nam lâu nay tập trung vào xuất thô vì chi phí sản xuất thấp, bán nhanh, tạo thuận lợi cho việc buôn bán khi sản lượng Robusta đứng đầu thế giới.

Theo đó, việc đẩy thương hiệu cà phê chế biến là câu chuyện cần sự chỉ đạo, tập trung đồng lòng của cả quốc gia, khối doanh nghiệp và hiệp hội cà phê.

"Để Việt Nam có thể song song bán cà phê nguyên liệu để duy trì và đầu tư thêm cho việc quảng bá sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế cần có sự tập trung, đều đặn mà cả Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiệp hội và doanh Nghiệp làm mạnh tại các triển lãm lớn trong ngành cà phê tầm 5-10 năm để dần thay đổi của người tiêu dùng, nhà sản xuất cà phê thế giới", bà Loan cho hay.

xuatkhaucaphe

Cà phê liên tục tăng giá, nhiều nhà xuất khẩu lo lắng. 

Còn theo ông Phan Minh Thông, Việt Nam là nước cung cấp nguyên liệu cà phê lớn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cũng vì tâm lý này, các nhà xuất khẩu chủ yếu tập trung và cung cấp nguyên liệu, ít thay đổi, đa dạng hóa. Thị trường Việt Nam cũng là thị trường có nhiều người uống cà phê nhưng nguyên liệu cà phê chế biến lại chứa nhiều hóa chất, đậu, bắp, đậu nành.

"Thật sự chúng ta phải uống cà phê nguyên chất thì chúng ta mới kích thích được sản xuất cà phê nguyên chất. Chúng ta phải thay đổi về bản chất. Thị trường nội địa đa dạng thì chúng ta mới có cơ hội xuất khẩu đa dạng", ông Phan Minh Thông nói.

Theo ông Hồ Thanh Hiếu - Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Mirabi, nguyên nhân khiến Việt Nam chưa đa dạng được các sản phẩm chế biến từ cà phê vì công nghệ dây chuyền vốn đầu tư khá cao cho các nhà máy. Chẳng hạn, một máy sấy thăng hoa có giá từ 4 - 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thế mạnh Việt Nam không phải bao bì mẫu mã, nên các khách hàng thế giới về thu mua về chủ động được mọi thứ, có thể tiết kiệm được chi phí. 

Bình Tú

Tin khác

Kinh tế 9 giờ trước
(SHTT) - Cổ phiếu của Tesla đã tăng hơn 10% mặc dù không đạt được ước tính doanh thu quý đầu tiên, nhưng CEO Elon Musk đã cho biết rằng phiên bản xe điện (EV) giá cả phải chăng sẽ được ra mắt sớm hơn dự kiến.
Kinh tế 9 giờ trước
(SHTT) - Microsoft đã hưởng lợi lớn từ việc đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, trong khi Meta đang gặp phản ứng trái chiều cho việc này.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Lãi suất ưu đãi chỉ từ 0,5%/tháng, không phải đến ngân hàng làm thủ tục, phê duyệt online giải ngân nhanh trong ngày là những ưu điểm nổi bật của sản phẩm vay mua ô tô được VPBank triển khai qua ứng dụng Race App của ngân hàng.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - UBND TP Hà Nội đã lên kế hoạch tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội.