Việt Nam - Trung Quốc: Hội đàm chia sẻ kinh nghiệm ngăn chặn xâm phạm quyền SHTT
Sáng ngày 19/9/2023, tại trụ sở Tổng cục QLTT, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh và đại diện Lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng thuộc Tổng cục đã có chương trình Hội đàm với Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc.
Buổi Hội đàm nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Bản ghi nhớ đã được ký kết ngày 26/6 giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương và Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước.
Tham gia Hội đàm, về phía Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc có ông Huống Húc, Cục trưởng Cục Thanh tra thực thi pháp luật –Trưởng đoàn; bà Vương Bách Cầm, Hàm Phó Vụ trưởng Vụ Kinh doanh thực phẩm, ông Ngô Liên Tồn, Phó Chánh Văn phòng Kiểm tra, Đảng ủy cơ quan, Hàm Phó Vụ trưởng; ông Chu Dũng, Trưởng phòng, Phòng Chống xâm phạm quyền SHTT và hàng giả, Cục Thanh tra thực thi pháp luật; ông Vương Nhất, chuyên viên chính Phòng Tổng hợp, Vụ Điều phối ATTP.
Nhằm triển khai cụ thể Biên bản Ghi nhớ đã ký kết, tại Hội đàm hai Bên đã tập trung trao đổi về 05 nội dung chính, gồm: Bảo vệ quyền SHTT, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác xây dựng Đảng và kế hoạch hành động triển khai Biên bản Ghi nhớ".
Chia sẻ tại Hội đàm, ông Huống Húc, Cục trưởng Cục Thanh tra thực thi pháp luật, Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc cho biết, hiện nay, Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc có 600.000 nhân viên hoạt động theo phân cấp.
Chia sẻ nội dung liên quan đến vấn đề Bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT), ông Huống Húc cho biết, Trung Quốc hiện có những chính sách, chiến lược xây dựng về SHTT, gây dựng thị trường mang tính quốc tế hóa, chú trọng cơ chế tương tác với nhau. Năm 2011, Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc thành lập tổ công tác dẫn đầu phòng chống hàng giả, Tổ công tác có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền SHTT. Mới đây, Tổ đã được đổi tên và nâng cao vị trí, vai trò so với trước với 30 thành viên, ngang tầm với Bộ. Đối với việc tăng cường thực thi pháp luật. Năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành cải cách, xác định quyền lực và thực thi pháp luật của quyền SHTT.
Cũng chia sẻ về vấn đề Bảo vệ quyền SHTT, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, tại Việt Nam, có thể nói vi phạm về SHTT và hàng giả đang là trách nhiệm chính của lực lượng QLTT. Ở Việt Nam hiện nay, việc xâm phạm SHTT và hàng giả rất lớn, hàng giả tại Việt Nam xuất hiện dưới hai hình thức sản xuất trong nước và nhập lậu.
Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn lực lượng QLTT xử lý gần 17.000 vụ việc liên quan đến hàng giả. Hiện, đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến SHTT bởi thẩm quyền của QLTT Việt Nam không được bao trùm và rộng như Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường nhà nước Trung Quốc, làm cho chất lượng xử lý các vụ việc chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang ký nhiều Hiệp định thương mại tư do với các nước, qua đó đòi hỏi công tác bảo vệ quyền SHTT rất cao, đi cùng với đó trách nhiệm của lực lượng QLTT đối với lĩnh vực này là rất lớn Trong thời gian qua, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã chủ động đề xuất với Tổng cục QLTT trong việc phòng chống hàng giả, nhất là khi TMĐT đang phát triển. Trong vòng 3-4 năm trở lại đây, đặc biệt sau dịch Covid-19, tốc độ mua hàng trên online rất lớn, đi cùng với đó là vấn nạn xâm phạm quyền SHTT trên thị trường mua bán online. Đây là khó khăn lớn nhất của lực lượng QLTT.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án chống hàng giả trên thương mại điện tử. Bộ Công Thương là Tổ trưởng của Tổ công tác triển khai đề án này. Hiện nay Tổ công tác đang gấp rút xây dựng chương trình, hành động để ngăn chặn xâm phạm quyền SHTT trên môi trường TMĐT.
Khẳng định tại buổi Hội đàm, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh, giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn do vậy hàng hóa giữa hai nước thông thương rất nhiều, công tác chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ ATTP giữa hai Tổng cục rất quan trọng.
Hiên nay, Tổng cục có Vụ Thanh tra Kiểm tra, một trong những nhiệm vụ chính là kiểm tra nội bộ qua đó phát hiện ra những sai phạm để xử lý. Có nhiều cơ quan kiểm tra, giám sát giám sát hoạt động của Tổng cục QLTT. Đơn cử như, Bộ Công Thương có đơn vị Thanh tra chuyên kiểm tra hoạt động nghiệp vụ của Tổng cục QLTT.
Kế hoạch triển khai biên bản ghi nhớ, Tổng cục QLTT hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Tổng cục quản lý giám sát thị trường nhà nước Trung Quốc, ngay sau khi được ký kết, Bộ trưởng đã chỉ đạo rất cụ thể đề nghị Tổng cục QLTT làm đầu mối xây dựng kế hoạch chi tiết. Theo đó, hai bên sẽ chia sẻ thông tin lẫn nhau trong nhận diện vi phạm về hàng giả; hàng năm sẽ tổ chức họp, cập nhật thông tin. Tổng cục QLTT hoàn toàn nhất trí về việc thành lập Tổ công tác. Liên quan đến công tác đào tạo, đây là mong muốn của Tổng cục QLTT mong muốn được cập nhật những kiến thức về phòng chống vi phạm SHTT, hàng giả và ATTP.
Khánh An
TIN LIÊN QUAN
-
SFV Export: Sàn Thương mại điện tử cho sản phẩm trái cây và gia vị Việt Nam xuất khẩu
-
Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng khó khăn
-
‘Mặt trái’ phía sau những website thương mại điện tử: Cơ hội để hàng giả, hàng nhái ‘nhũng loạn’ thị trường
-
Tăng cường quản lý thương mại điện tử để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái