SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 05/05/2024
  • Click để copy

Tăng cường quản lý thương mại điện tử để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái

15:19, 11/08/2023
(SHTT) - Có một thực tế rằng hàng giả, hàng lậu vẫn bày bán công khai; tình trạng gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp... Vì vậy việc ngăn chặn hàng kém chất lượng trên môi trường thương mại điện tử là vấn đề cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

 Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực của lực lượng chức năng, công tác này đã đạt được những kết quả quan trọng.

Mặc dù vậy vẫn cần nỗ lực hơn để tạo được chuyển biến căn bản. Tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi và gia tăng mạnh trên môi trường internet, thương mại điện tử. Tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp qua khai báo gian dối về giá, chuyển giá, tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp,...

Có thể thấy ở nước ta, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2022, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ ước tính tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỉ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. 

thuong mai dien tu2

 

6 tháng đầu năm 2023, doanh số thương mại điện tử Việt Nam đạt 10,3 tỉ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo giai đoạn 2022 - 2025, kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm, quy mô ước đạt 49 tỉ USD vào năm 2025.

Ông Đỗ Hồng Trung, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cho biết Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Tuy nhiên theo ông, bên cạnh sự phát triển tích cực của thương mại điện tử, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách. Có thể rất đơn giản khi tìm kiếm mua những mặt hàng này trên các sàn thương mại điện tử.

Báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương, trong những tháng đầu năm 2023, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu, không hóa đơn, chứng từ vẫn còn diễn ra. 

Các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 66.049 vụ việc vi phạm (tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022). Trước đó, năm 2022, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm (tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2021).  

"Kết quả này chưa phản ánh hết được tình hình thực tế; tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ… trên nền tảng TMĐT còn tiềm ẩn phức tạp" – ông Trung nhấn mạnh. 

Liên quan đến vấn đề này, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường), Nguyễn Đức Lê cũng nhìn nhận:

Hàng lậu, hàng giả, hàng nhái đã tạo ra hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước, tàn phá sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, phá hoại thành quả của nhà sản xuất, kinh doanh chân chính, làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hóa chân chính trong mục tiêu phát triển trong nước và vươn ra thế giới.

Thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ thường xuyên thay đổi địa điểm để đối phó với lực lượng thực thi. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế, nên hiệu quả của việc đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái chưa được như kỳ vọng; công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các lực lượng chức năng liên quan vẫn chưa chặt chẽ, hiệu quả; nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề này vẫn còn hạn chế.

Vì vậy để đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Nguyễn Mạnh Hùng cho biết cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan thực thi, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cùng với đó là việc cần rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý và chế tài xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực này, để tăng tính răn đe.

Đồng thời, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quản lý hàng hóa; giải pháp phải dễ dàng xác định, phân loại được sản phẩm chính hãng, sản phẩm giả. Như vậy, cơ quan chức năng không phải chờ giám định, gây tốn kém, tổn thất nhiều thời gian và chi phí cho các bên liên quan.

Song song đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử và chủ thể quyền sử hữu trí tuệ. Nhà sản xuất hàng hóa cũng cần lựa chọn giải pháp bảo vệ sản phẩm thương hiệu của mình, áp dụng truy xuất nguồn gốc với các tem nhãn không thể làm giả, sao chép.

Hà Châu

Tin khác

Tài sản trí tuệ 7 giờ trước
(SHTT) - Thông qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, vừa qua, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời ngăn chặn 15.100 con vịt gống (khoảng 1-2 ngày tuổi) không rõ nguồn gốc, xuất xứ tuồn ra thị trường.
Tài sản trí tuệ 7 giờ trước
(SHTT) - Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, lực lượng chức năng TP.HCM thông qua công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn đã kịp thời phát hiện và tạm giữ 7.800 kg thực phẩm đông lạnh không rõ xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ trị giá hơn 550 triệu đồng.
Tài sản trí tuệ 7 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Đội QLTT số 11, Cục QLTT thành phố Hà Nội đã phối hợp với Đội 7 PC 03 Công an TP Hà Nội thực hiện công tác kiểm tra, thông qua đó phát hiện trên 1,5 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành quyết định xử phạt đối với một công ty kinh doanh thực phẩm có cơ sở trên địa bàn thành phố Mỹ Tho do có hành vi buôn bán thực phẩm giả và không tự công bố sản phẩm.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Bằng biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh BM SAĐÉC, địa chỉ: Khóm 4, Phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp do Nguyễn Thị Ngọc Ánh làm chủ.