‘Mặt trái’ phía sau những website thương mại điện tử: Cơ hội để hàng giả, hàng nhái ‘nhũng loạn’ thị trường
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng trong việc phát triển thương mại điện tử và hiện được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.
Hiện nay, hàng hoá giới thiệu trên các website bán hàng trực tuyến, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, các ứng dụng bán hàng online rất phong phú, đa dạng với hàng nghìn chủng loại sản phẩm cùng nhiều hình thức giao nhận, thanh toán khác nhau.
Tuy nhiên, môi trường này lại đang tiềm ẩn nhiều hành vi gian lận trong kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Cụ thể, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng; chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời…
Đặc biệt, việc các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát.
Một trong những sai phạm mà nhiều website thương mại điện tử đang vi phạm gần đây chính là không thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương. Trên website không có biểu tượng "ĐÃ ĐĂNG KÝ" hoặc "ĐÃ THÔNG BÁO" với Bộ Công Thương hoặc Biểu tượng đó không có liên kết tới trang web của Bộ Công Thương (ONLINE.GOV.VN). Trên website cũng không hiển thị những thông tin về công ty đang sở hữu website đó.
Để có dấu xác thực từ Bộ Công Thương, doanh nghiệp phải trải qua các khâu kiểm duyệt thông tin từ đó là bước đầu củng cố lòng tin của khách hàng, giúp khách hàng an tâm hơn khi ra quyết định mua hàng, sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Doanh nghiệp khi nhận được xác nhận của Bộ Công Thương là điều cần thiết giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp, khẳng định thương hiệu tên tuổi của mình trên thị trường.
Các Website/ứng dụng thương mại điện tử sau khi hoàn thành thủ tục thông báo/đăng ký sẽ được cung cấp logo gắn lên website của mình, logo này dẫn tới đường link trên trang của Bộ Công Thương xác nhận website đã đăng ký/thông báo thành công.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số từng khẳng định, việc thông báo, đăng ký website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương là điều kiện cần thiết với doanh nghiệp trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường trên môi trường số, tránh những hậu quả pháp lý không đáng có, đồng thời nâng cao uy tín của doanh nghiệp, xây dựng lòng tin của khách hàng. Tuy nhiên hiện nay nhiều website vẫn tồn tại những vi phạm trên.
Thực tế cho thấy, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng như Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng chức năng các địa phương đã tiến hành xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong năm 2022, đơn vị đã phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng mức xử phạt cho các hành vi gian lận thương mại điện tử là 222 triệu đồng.
Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thương mại điện tử, theo đó, việc tăng cường xử lý vi phạm hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.
Nhằm lành mạnh hóa môi trường thương mại điện tử, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử như kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; không thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký website thương mại điện tử; giả mạo logo đã đăng ký với Bộ Công Thương; lừa đảo khách hàng, giả mạo doanh nghiệp khác... trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập trung vào một số giải pháp.
Cụ thể như tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội. Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử; Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Cục cũng sẽ tham mưu Bộ Công Thương tích cực phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông quản lý kinh doanh thương mại điện tử trên mạng xã hội, xây dựng và hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý kỹ thuật các website vi phạm pháp luật.
Trong năm 2023, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình phê duyệt Đề án Chuyển đổi số ngành Công Thương, Chính phủ số Bộ Công Thương; phát triển Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong thương mại điện tử. Các hoạt động này đều nhằm mục đích hướng tới phát triển thương mại điện tử một cách bền vững.
Hương Mi
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Đào tạo seo nâng cao Lê Khang Digital