Viện thẩm mỹ Pfizers đổi tên thương hiệu: Còn hành vi trốn thuế xử lý thế nào?
Sau khi bị Sở Y tế TP.HCM chuyển hồ sơ vi phạm của Viện thẩm mỹ quốc tế Pfizers (2B-2C Hồ Xuân Hương, phường Võ Thị Sáu, Quận 3) đến cơ quan có thẩm quyền để tiến hành tố tụng hình sự theo quy định pháp luật, hiện cơ sở này đã "hô biến" thành tên thương hiệu "PZ Luxury".
Trên nền tảng mạng xã hội facebook, trang có tên "Viện Da liễu Quốc tế Pfizers Hoa Kỳ" cũng được đổi tên thành "Viện Da liễu Quốc tế PZ Hoa Kỳ" và tiếp tục chạy quảng cáo.
Lập phiếu thu theo mẫu tự in cho khách hàng
Theo chị N.T.T.H. (1971, ngụ Quận 1, TP.HCM), sau khi sử dụng dịch vụ tại Viện thẩm mỹ quốc tế Pfizers, gần đây trên gương mặt chị xuất hiện lão hóa, nhiều da chùng, bọng mắt, thâm và chảy xệ.
Trước đó, theo tìm hiểu quảng cáo trên mạng xã hội, vào ngày 10/8/2023, chị N.T.T.H. cùng bạn là N.T.H.L. và N.T.N. có tới Viện thẩm mỹ quốc tế Pfizers (2B-2C Hồ Xuân Hương, phường Võ Thị Sáu, Quận 3) sử dụng dịch vụ làm đẹp.
Tại đây, qua thăm khám, bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải đã hướng dẫn chị N.T.T.H. làm các dịch vụ TCT, DNA tủy sống da bao đẹp, RCS, TCT, má dưới, sắc tố, TBG, toàn bộ mặt và cổ, DBB mặt, RCS má hóp cổ, đốt mụn thịt.
"Tổng số tiền là 500 triệu đồng do bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải đảm nhận và đảm bảo cho tôi 98% là thay đổi sau một lần làm duy nhất, nói không là sẽ hoàn tiền 100% cho chúng tôi, nhưng sau 27 ngày tôi nhận lại mặt sưng, đau nhức, nổi cục ở các vùng tiêm, còn bạn tôi không thay đổi gì", chị N.T.T.H. bức xúc nói.
Cũng theo chị N.T.T.H., trong lúc thăm khám bác sĩ không cam kết bằng văn bản mà chỉ nói miệng. "Trước khi làm chúng tôi đóng 250 triệu đồng. Sau khi làm thấy không đẹp, mặt gồ ghề nên chúng tôi chưa muốn thanh toán 250 triệu còn lại. Tuy nhiên, nhân viên và quản lý tại thẩm mỹ viện vây quanh ép tôi quẹt thẻ thanh toán mới được ra về", chị N.T.T.H. kể lại.
Đáng nói, phí dịch vụ ở Viện thẩm mỹ quốc tế Pfizers không có giá niêm yết. Bên cạnh đó, hóa đơn thanh toán cho khách hàng chỉ được thẩm mỹ viện viết tay bằng hóa đơn tự in. "Hôm đó tôi không có tiền mặt, tôi chuyển khoản và sau đó cà thẻ. Hóa đơn thì họ đưa hóa đơn bình thường, hóa đơn bán lẻ, chỉ ghi nhận 500 triệu đồng, vậy thôi à", chị N.T.T.H. nói.
Pháp luật quy định như thế nào về việc xuất hóa đơn?
Viện thẩm mỹ quốc tế Pfizers là cơ sở thẩm mỹ được UBND Quận 3 cấp giấy chứng nhận đăng ký "Hộ kinh doanh Pfizers" ngày 12/5/2023. Theo đó, hộ kinh doanh là chủ thể được sử dụng hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in để lập, giao cho người mua và phải dùng một trong các loại hóa đơn được quy định.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019, Nghị định 123/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ thì khi bán hàng, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định.
Khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020 quy định trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền.
Theo Luật sư Huỳnh Duy Toàn (Đoàn Luật sư TP.HCM), từ thông tin khách hàng cung cấp, trong quá trình thu tiền sử dụng dịch vụ tại hộ kinh doanh Pfizers đơn vị này chỉ lập phiếu thu theo mẫu tự in. Phiếu thu do Pfizers sử dụng không thuộc một trong các loại hóa đơn được quy định tại Điều 8 Nghị định 123/2020, điều này cho thấy hộ kinh doanh này đang có dấu hiệu của hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ.
"Đây là hành vi trốn thuế theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn “Không lập hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng”, mức xử phạt sẽ căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để áp dụng quy định tương ứng tại Điều 17 Nghị định 125", luật sư Huỳnh Duy Toàn nói.
Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định được hành vi nêu trên với số tiền trốn thuế từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế thì chủ hộ kinh doanh sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế theo quy định.
Còn theo Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, nhiều đơn vị kinh doanh, bán hàng còn cố tình lờ đi nghĩa vụ xuất hóa đơn cho khách hàng hoặc ghi hóa đơn với số tiền thấp hơn nhiều so với số tiền đã thu của khách hàng nhằm mục đích chuộc lợi. Điều này đã gây khó dễ, thiệt thòi cho người mua, làm suy giảm tính cạnh tranh trên thị trường và gây thất thoát thuế của Nhà nước.
Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP năm 2020 quy định về hóa đơn, chứng từ, các giao dịch mua, bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị từ 200.000 đồng trở lên thì cá nhân, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) cho khách hàng. Cho nên, với các giao dịch từ 200.000 đồng trở lên mà cá nhân, doanh nghiệp không xuất hóa đơn VAT theo quy định thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ và tính chất của hành vi vi phạm mà cá nhân, doanh nghiệp có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo đã liên hệ với Viện thẩm mỹ Pfizers (nay đổi tên thương hiệu là PZ Luxury), tuy nhiên vẫn không nhận được phản hồi.
Trần Ân