Vạch trần thủ đoạn buôn lậu những mặt hàng 'nóng' hiện nay
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Ban chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, năm 2023, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (tăng 4,95% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 11.499 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 3,73%); 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 4,51%); 5.464 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 48%); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 14.865 tỷ đồng (tăng 17,30%); khởi tố hình sự 616 vụ (giảm 4,05%), 724 đối tượng (tăng 0,56%).
Về thủ đoạn thực hiện, trên tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển, đối tượng lợi dụng tạm nhập tái xuất, hàng hóa nhập xuất kho ngoại quan, hàng quá cảnh, nhập khẩu nguyên liệu gia công, xuất khẩu… để đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu hàng vào nội địa.
Tại các địa bàn nội địa, đối tượng lợi dụng thành lập nhiều doanh nghiệp, lợi dụng mua bán trái phép, xuất khống hóa đơn nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng.
Các đối tượng cũng triệt để lợi dụng sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến, dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Đối với ma túy, tiền chất ma túy, đối tượng lợi dụng một số cơ sở sản xuất hàng hóa thông thường để ngụy trang, cất giấu, tập kết số lượng lớn ma túy lên các phương tiện khai thác thủy sản trung chuyển ra nước ngoài tiêu thụ.
Đối với pháo nổ, pháo hoa nổ, đối tượng thay đổi quy luật hoạt động, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ ngay từ đầu năm; lợi dụng đêm tối, địa hình biên giới tập kết số lượng lớn pháo nổ lên phương tiện ô tô, mô tô vận chuyển trái phép về địa bàn nội địa; sản xuất trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ giả nhãn hiệu nước ngoài và trong nước để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Đối với xăng, dầu, đối tượng mua bán, sang mạn trái phép xăng, dầu trên phương tiện khai thác thủy sản vận chuyển về vùng biển Việt Nam bán lại cho phương tiện khai thác thủy sản.
Đối với khoáng sản, đối tượng lợi dụng nơi địa hình phức tạp, vùng sâu, vùng xa, khai thác trái phép cát, đá, sỏi, đất sét, quặng, đất hiếm…; hợp thức hồ sơ, làm thủ tục hải quan để buôn lậu đất hiếm được khai thác trái phép ra nước ngoài; mua thu gom số lượng lớn than, quặng, khoáng sản trôi nổi để hợp thức hồ sơ vận chuyển đi tiêu thụ; lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản để tổ chức khai thác cát, đá, sỏi, đất sét, đất hiếm... ngoài khai trường được phép.
Vì vậy Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến toàn xã hội, có sự đan xen, gắn bó với nhau. Việc tổng kết các công tác này với mục đích rút ra những vấn đề cần quan tâm và năm 2024 thực hiện nhiệm vụ theo phân công tốt hơn.
Hải Hà
TIN LIÊN QUAN
-
Hà Nội: Kiểm tra kho hàng phát hiện hơn 26.500 sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu
-
Tiktok chuẩn bị hợp tác cùng đế chế LVMH chống hàng giả xa xỉ trên nền tảng thương mại điện tử?
-
Hà Tĩnh: Xử phạt 02 cơ sở kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh
-
Quy định chặt chẽ việc định danh người bán hàng: Giải pháp giảm thiểu hàng giả, hàng nhái