Thương mại hóa tài sản trí tuệ: Động lực để đẩy mạnh phát minh, sáng tạo
Hiện nay, công nghệ được coi là công cụ nhằm tăng sức cạnh tranh và chất lượng mọi loại sản phẩm. Trong đó, các trường đại học chính là nơi chủ yếu tạo ra công nghệ và tài sản trí tuệ. Còn việc nghiên cứu khoa học là nguồn chính để tạo ra các sáng chế có thể thương mại hóa. Tuy nhiên, vấn đề liên kết, hợp tác và chuyển giao công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005, thì hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Hoạt động thương mại mang lại cho chủ sở hữu hàng hóa những giá trị, lợi ích kinh tế cụ thể. Tài sản trí tuệ cũng được coi là một loại hàng hóa và nó có thể mang lại cho chủ sở hữu những lợi nhuận nhất định thông qua hoạt động thương mại.
Theo nghĩa hẹp, thương mại hóa tài sản trí tuệ là việc chuyển hóa tài sản trí tuệ thành hàng hóa để lưu thông trên thị trường, từ đó mang lại lợi nhuận cho chủ sở hữu. Còn hiểu theo nghĩa rộng, thì thương mại hóa tài sản trí tuệ là hoạt động, quá trình khai thác các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ để đổi lại các lợi ích kinh tế, phục vụ mục đích cụ thể do chủ sở hữu tài sản trí tuệ đặt ra. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ thực sự có ý nghĩa khi quyền sở hữu trí tuệ đó được thương mại hóa, mang lại lợi ích cho chủ sở hữu. Để đảm bảo hiệu quả tối ưu, các dạng tài sản trí tuệ khác nhau yêu cầu các chiến lược thương mại hóa khác nhau.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của các chủ thể, trong đó có doanh nghiệp, viện, trường cũng như các tổ chức khoa học công nghệ là tìm được đầu ra cho các sản phẩm nghiên cứu, làm sao cho các sản phẩm này đi vào thực tế và vượt qua được một khoảng cách lớn từ các kết quả nghiên cứu đến sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Cùng với đó là cơ cấu tổ chức, nhân lực của bộ phận quản trị tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ chưa được đầu tư đúng mức. Một số đơn vị chưa có được các phòng, ban chuyên trách về sở hữu trí tuệ, cán bộ hoạt động sở hữu trí tuệ còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác.
Đặc biệt đối với các trường đại học, nguyên nhân của tình trạng thực thi quyền SHTT chưa hiệu quả là do phần lớn các trường chưa có quy định về SHTT phù hợp điều kiện hoạt động, dẫn đến khó khăn trong việc phân chia lợi nhuận khi tài sản trí tuệ được thương mại hóa. Việc xác lập quyền đăng ký bảo hộ sáng chế cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học chưa được các nhà khoa học nhận thức một cách đầy đủ, nhiều kết quả nghiên cứu chưa tiến hành đăng ký quyền. Mặc dù những năm gần đây số lượng các bài báo của trường đại học công bố trên các tạp chí khoa học tăng đáng kể, nhưng nhiều nhà khoa học không nhận thức được cần đồng thời tiến hành bảo hộ các kết quả nghiên cứu đó. Ngoài ra, còn do nhiều trường chưa thành lập tổ chức có chức năng về SHTT và chuyển giao công nghệ để hỗ trợ, tư vấn cho các nhà khoa học trong việc đăng ký, xác lập quyền SHTT và chuyển giao công nghệ.
Thực tế cho thấy, để tạo ra giá trị mới dựa trên tài sản trí tuệ, các doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào việc tự nghiên cứu phát triển mà bắt buộc phải liên kết với các trường đại học. Các trường đại học cần chủ động bắt tay doanh nghiệp, đặt ra các yêu cầu thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Theo các chuyên gia về SHTT, để làm được điều này, các trường phải hình thành tổ chức, nhân lực có chuyên môn về SHTT và chuyển giao công nghệ. Đối với những trường không khai thác thương mại từ tài sản trí tuệ thì chỉ cần thành lập bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ.
Mai Anh