SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm: Cần triển khai chiến dịch ngăn chặn vi phạm bản quyền ở quy mô lớn

10:17, 05/08/2023
(SHTT) - Chiều 4/8, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo phổ biến 2 thông tư hướng dẫn Nghị định số 71/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Tại hội thảo, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) đã phổ biến, hướng dẫn chi tiết các quy định tại 2 thông tư, cụ thể:

Thông tư số 05/2023/TT-BTTTT sửa đổi 7 biểu mẫu và bổ sung 4 biểu mẫu bảo đảm phù hợp với công tác quản lý dịch vụ PTTH theo quy định tại Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 1/10/2022 của Chính phủ. Bên cạnh các biểu mẫu, Thông tư số 05 cũng bổ sung quy định chế độ báo cáo về nội dung cung cấp trên dịch vụ của doanh nghiệp và chế độ báo cáo về hoạt động sản xuất, biên tập, biên dịch nội dung theo yêu cầu của các cơ quan báo chí thống nhất với quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BTTTT ngày 21/3/2023 của Bộ trưởng Bộ TTTT về quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TTTT.

Thông tư 05/2023/TT-BTTTT được ban hành để hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện hồ sơ cấp phép, cấp giấy chứng nhận; hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp lập hồ sơ quản lý dữ liệu và báo cáo nghiệp vụ về dữ liệu nội dung theo yêu cầu, nội dung giá trị gia tăng, nội dung quảng cáo và tỷ lệ thuê bao xem kênh chương trình thiết yếu quốc gia phục vụ công tác quản lý của Bộ TTTT

Thông tư số 06/2023/TT-BTTTT hướng dẫn nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung PTTH theo yêu cầu là các chương trình thể thao, giải trí theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20a Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18-1-2016, được quy định bổ sung tại khoản 11, Điều 1, Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 1/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP.

thu truong nguyen thanh lam

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm.  

Thông tư số 06/2023/TT-BTTTT được kết cấu gồm 8 điều, trong đó có 5 điều hướng dẫn về nội dung - tập trung vào các nguyên tắc biên tập, phân loại, cảnh báo nội dung PTTH thể thao, giải trí theo yêu cầu; 1 điều quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; 1 điều quy định về tổ chức thực hiện; 1 điều quy định về hiệu lực thi hành. Các nội dung hướng dẫn về nguyên tắc biên tập, phân loại, cảnh báo nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu được quy định tại các Điều 2, Điều 3 và Điều 4.

Theo đó, về nguyên tắc biên tập, có các nguyên tắc biên tập chung để các đơn vị lưu ý thực hiện trong quá trình biên tập như: bảo đảm đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ trẻ em và đối tượng dễ bị tổn thương khác; những loại nội dung, tình huống, phải loại bỏ trong chương trình. Thông tư cũng hướng dẫn nguyên tắc biên tập đối với từng loại chương trình, gồm: chương trình ghi âm, ghi hình để phát sau và chương trình trực tiếp theo thời điểm diễn ra sự kiện; các chương trình thể thao và giải trí có nội dung liên quan đến y tế, giáo dục và trò chơi điện tử trực tuyến.

Về nguyên tắc phân loại chương trình, Thông tư 06 đưa 7 tiêu chí phân loại chương trình, gồm: chủ đề, nội dung; bạo lực; khỏa thân, tình dục; ma túy, các chất kích thích, gây nghiện; kinh dị; hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục; hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước. Trên cơ sở 7 tiêu chí, có 6 mức phân loại chương trình, gồm Loại P - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem ở mọi độ tuổi; Loại K - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ, người giám hộ; Loại T13 - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 13 tuổi trở lên; Loại T16 - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 16 tuổi trở lên; Loại T18 - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 18 tuổi trở lên; Loại C - Chương trình không được phép phổ biến. Các chương trình giải trí, các chương trình thể thao về các bộ môn thể thao mạo hiểm, thể thao đối kháng, võ thuật, có tính bạo lực, nguy hiểm là các chương trình phải được thực hiện phân loại và dán nhãn mức phân loại.

Về nguyên tắc cảnh báo, các chương trình có mức phân loại từ loại K đến loại T18; các chương trình giải trí là các chương trình truyền hình thực tế, biểu diễn nghệ thuật, các chương trình truyền hình có nội dung thi tài, biểu diễn về những hành động mạo hiểm, nguy hiểm, có nguy cơ gây thương tích, các chương trình truyền hình giả tưởng, dàn dựng lại từ vụ việc có thật thực tế; các chương trình thể thao về các bộ môn thể thao mạo hiểm, thể thao đối kháng, võ thuật, các chương trình thể thao có tính bạo lực, nguy hiểm đều phải thực hiện cảnh báo.

Thông tư số 06/2023/TT-BTTTT được ban hành giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ PTTH, các đơn vị có giấy phép hoạt động PTTH có cơ sở pháp lý để thực hiện trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, thông tư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị cung cấp dịch vụ PTTH được chủ động trong việc tổ chức nguồn lực, quyết định phương thức phù hợp trong hoạt động biên tập, phân loại và cảnh báo các chương trình thể thao, giải trí, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật và thuận lợi trong hoạt động kinh doanh; kiểm soát được nội dung nhưng không làm ảnh hưởng đến giáo dục, thị hiếu, thẩm mỹ của khán, thính giả và phù hợp với tâm sinh lý của từng lứa tuổi. Đồng thời, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý của nhà nước về PTTH (bao gồm cả nội dung và dịch vụ), hạn chế được những tác động tiêu cực mà nội dung chương trình có thể gây ra cho xã hội và người nghe, người xem.

Việc Bộ TTTT kịp thời ban hành 2 thông tư nêu trên đã hoàn chỉnh hành lang pháp lý quản lý dịch vụ PTTH. Cả 2 thông tư chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2023.

Đặc biệt, tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đánh giá bản quyền là vấn đề quan trọng để ngành phát thanh, truyền hình "có thể sống được".

Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ bản quyền của các doanh nghiệp truyền hình trong nước đang được làm một cách phân tán. Đa phần chỉ dồn lực bảo vệ các nội dung độc quyền, như giải thể thao. Trong khi với nội dung không độc quyền, như phim, trách nhiệm là của chung và không ai làm.

Bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp trong nước bảo vệ bản quyền nội dung, ông Lâm cũng cho biết cần quan tâm đến các nền tảng xuyên biên giới, như YouTube, TikTok đang xuất hiện những nội dung "không rõ ràng về bản quyền".

Với các trường hợp này, Bộ cho biết có thể xử lý trong vài phút bằng cách yêu cầu nhà mạng chặn truy cập. Tuy nhiên để xử lý triệt để, cần một chiến dịch lớn.

"Bộ không ngần ngại triển khai một chiến dịch rà quét, chặn, hạ các trang web vi phạm bản quyền ở quy mô lớn trong thời gian tới. Thậm chí có thể làm ở một quy mô lớn chưa từng có", ông nói.

Để làm được điều đó, ông Lâm cho rằng sẽ cần thực các quy trình gồm thống kê rà quét, thu thập thông tin, đấu tranh, song song là "nắn dòng quảng cáo", để dòng tiền không chảy vào các trang có nội dung xấu. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chặn hạ các trang vi phạm bản quyền, bởi chúng còn là môi trường tồn tại các quảng cáo sản phẩm vi phạm pháp luật, cờ bạc.

Hà Vy

Tin khác

Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
Liên tục sai phạm trong lĩnh vực y tế, Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế - Mega Gangnam bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt 53 triệu đồng.
Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
Cục Sở hữu trí tuệ và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức công bố và trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa làng cổ Phước Tích và Đệm bàng Phò Trạch.
Tài sản trí tuệ 8 giờ trước
(SHTT) - Tại sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IPDAY 2024), sáng 26/4 tại Hà Nội, PGS.TS Lê Hoài Đức chia sẻ rằng người Việt chưa quen biến tài sản trí tuệ thành tiền.
Tài sản trí tuệ 8 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long, từ ngày 04/4/2024 đến ngày 15/4/2024, lực lượng QLTT Vĩnh Long kiểm tra phát hiện 5 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức vi phạm về giả mạo nhãn hiệu, vi phạm về nhãn và không niêm yết giá. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 117.000.000 đồng.
Tài sản trí tuệ 23 giờ trước
(SHTT) - Cấp quyền hình ảnh nhân vật (Character Licensing) là chiến lược kinh doanh được nhiều tập đoàn sáng tạo trên thế giới áp dụng thành công và đem về những nguồn lợi nhuận khổng lồ. Vậy Character Licensing là gì và cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt Nam?