SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 30/04/2024
  • Click để copy

'Tết làng Việt': Không gian xưa đưa văn hóa Việt tới gần hơn với bạn bè quốc tế

08:46, 21/01/2024
(SHTT) - Ngày 20/1, đông đảo khách trong nước và quốc tế cùng các doanh nghiệp lữ hành Thủ đô đã có chuyến trải nghiệm chương trình “Tết làng Việt” 2024 tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

Chương trình do Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024. Đây là năm thứ 3 chương trình được tổ chức nhằm quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là các phong tục Tết Việt.

Chương trình cũng là cơ hội để quảng bá giá trị Tết truyền thống, những giá trị văn hóa giàu bản sắc tại Làng cổ ở Đường Lâm; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản địa phương, quảng bá điểm đến du lịch tới người dân và du khách; tạo hiệu ứng kích cầu du lịch Làng cổ Đường Lâm nói riêng và thị xã Sơn Tây nói chung để đón khách tham quan, du lịch, trải nghiệm văn hóa dịp Tết và du Xuân Giáp Thìn 2024 sắp tới.

lang co duong lam

 

Làng cổ Đường Lâm vốn được biết đến là một địa chỉ du lịch nổi tiếng, nơi có nhiều ngôi nhà cổ và giữ được những nét văn hóa đậm “chất Việt”. Vì vậy đến với không gian này, du khách sẽ được hòa mình vào nhiều trải nghiệm như: Tour trải nghiệm những nét đẹp truyền thống của Tết Việt với Không gian chợ Tết truyền thống, biểu diễn nghệ thuật dân tộc tại sân đình Mông Phụ; Hoạt động chụp ảnh check-in tại những địa điểm đặc sắc trong làng; Không gian, gian hàng giới thiệu về các đặc sản, sản phẩm thủ công, làng nghề của địa phương như: tranh Đông Hồ, nón làng Chuông, tăm hương Quảng Phú Cầu, tò he Xuân La...

Đặc biệt tại đây có những điểm nhấn chính như Cổng làng, đình Mông Phụ, các ngôi nhà cổ, không gian Đoài Creative và Đoài Community... rực rỡ sắc màu của những chậu hoa Tết, cành đào, câu đối, những đồ trang trí Tết. Nhiều khách quốc tế cũng trưng diện những bộ áo dài Việt, hòa vào văn hóa truyền thống Việt Nam.

Văn hóa Tết cổ truyền cũng sẽ đến gần hơn với du khách qua những hoạt động ý nghĩa như xin chữ ông đồ, viết thư pháp, gọt hoa thủy tiên, gói bánh chưng, làm kẹo lạc; hay trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống như chọi gà, bắt chạch trong chum, bịt mắt đập niêu…

lang co duong lam2

 

Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình còn có hoạt động giới thiệu về các phong tục truyền thống trong dịp Tết cổ truyền như lễ đón Giao thừa, mừng tuổi, thả cá chép,... tại nhà cổ của gia đình ông bà Vững-Tâm, gia đình ông Hà Nguyên Huyến; giới thiệu về ẩm thực Tết, trưng bày mâm cỗ ngày Tết của người dân Đường Lâm; trải nghiệm hoạt động gói bánh chưng, gói giò tại đình làng Mông Phụ.

Không chỉ vậy, du khách còn có dịp tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm nghề truyền thống và sản phẩm thủ công tại các hộ gia đình và các không gian sáng tạo như: Không gian nghề làm tương truyền thống của gia đình ông Hà Hữu Thể; Xưởng sản xuất sản phẩm sơn mài và không gian Nghề Làng của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát; Không gian Đoài Criative và Đoài Community của Kiến trúc sư Khuất Văn Thắng.

Bên lề sự kiện còn trưng bày 36 tác phẩm ảnh nghệ thuật đặc sắc về đề tài Làng cổ Đường Lâm và các điểm du lịch trên địa bàn thị xã tại khu vực cổng làng Mông Phụ của tác giả Nina May (Phạm Ngọc Diệp).

Chia sẻ tại chương trình, ông Trần Anh Tuấn - Bí thư thị ủy Sơn Tây - cho biết Sơn Tây là thủ phủ của xứ Đoài, hội tụ các nét văn hóa đặc sắc của xứ Đoài. “Đây là năm thứ ba Tết làng Việt được tổ chức. Chúng tôi muốn khôi phục các nét văn hóa truyền thống của người dân Đường Lâm nói riêng, người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ nói chung từ đó bảo tồn các giá trị tốt đẹp, lan tỏa các giá trị văn hóa, du lịch đến bạn bè quốc tế”, ông Trần Anh Tuấn nói.

Hà Anh

Tin khác

Giải trí 9 giờ trước
(SHTT) - Với lịch sử hơn 700 năm Phù Lãng hiện lên âm trầm, mộc mạc nhưng vô cùng tinh tế với các sản phẩm từ đất sét đỏ. Đặc trưng của gốm Phù Lãng ấy là gợi lên “chất quê” bình dị, gần gũi, mộc mạc nhưng đầy tinh tế và thể hiện sự điêu luyện trong kỹ thuật làm gốm.
Giải trí 9 giờ trước
(SHTT) - Từ Hà Nội, qua cầu Chương Dương qua Quốc Lộ 1A khoảng 20 km chúng ta sẽ đến với Hồi Quan - nơi có nghề “cửi canh” nổi tiếng khắp vùng Kinh Bắc. Dân gian vẫn luôn truyền tai nhau về nghề “cửi canh” nơi đây rằng: “Hồi Quan là đất cửi canh, rộn ràng sớm tối thoi đưa nhịp nhàng”.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Trong ký ức của người Việt Nam, mâm cỗ Trung Thu khi xưa ngoài hoa quả, bánh trái nhất định phải có bộ phỗng đất, ông tiến sỹ và đèn ông sao. Phỗng đất không chỉ là món đồ chơi thuần túy của con trẻ mà còn cất giữ những hồn cốt văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam xưa.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Nghi Sơn biển ngọc - Khát vọng vươn xa", đó là chủ đề mà di lịch biển Nghi Sơn (Thanh Hóa). Chính thức được khai mạc vào tối ngày 26/4.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Ngày 26/4, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì, với chủ đề ”Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”.