SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Tái chế và tín chỉ carbon: Thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt

11:35, 19/11/2023
Kinh tế bền vững trở thành xu hướng chung trên toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những giải pháp cụ thể để đưa phát triển xanh vào sản xuất. Trong đó, tái chế và tín chỉ carbon là thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp Việt cần hướng đến.

Phiên thảo luận "Những thị trường mới nổi: Tái chế và Tín chỉ carbon" nằm trong khuôn khổ sự kiện Mekong Connect 2023. Sự kiện do UBND TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì; được điều phối và thực hiện bởi Sở Công Thương TP.HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, VCCI Cần Thơ.

phien thao luan

Phiên thảo luận "Những thị trường mới nổi: Tái chế và Tín chỉ carbon".

Theo các chuyên gia, hiện nay, thế giới đang phải đối diện với biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng. Việt Nam sẽ chịu nhiều thiệt hại kinh tế và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế có thể suy giảm nếu không kịp thời có giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo và chuyển sang công nghệ xanh.

Cụ thể, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu hiện nay đã mang tính liên vùng và đe dọa đến sự phát triển bền vững ổn định của TP.HCM cũng như các vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong đó, chất thải và khí nhà kính phát sinh trong đời sống hằng ngày và các hoạt động kinh tế được xác định là các nguyên nhân quan trọng của vấn đề này.

Để giảm thiểu tác hại của chất thải phát sinh cũng như tăng cường phát triển ngành công nghiệp tái chế, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và văn bản hướng dẫn thi hành đã yêu cầu xác định lộ trình và cơ chế thúc đẩy tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu phát sinh chất thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất, đời sống kinh tế xã hội.

Tại phiên thảo luận, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam - cho biết hiện nay khai thác tài nguyên đã tăng gấp 3 lần kể từ 1970, bao gồm việc sử dụng khoáng sản phi kim loại tăng gấp 5 lần và mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch tăng 45%. Việc khai thác và chế biến nguyên liệu, nhiên liệu và thực phẩm đóng góp một nửa tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và hơn 90% gây mất đa dạng sinh học.

Tái chế rác thải không chỉ được thực hiện để giảm thiểu tác hại đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Đặc biệt, khi thị trường EU đã có những yêu cầu về tái chế chất thải. Cụ thể, trong chỉ thị về bao bì sản phẩm của EU năm 2022 đã đặt tỉ lệ 30% đối với các chai nhựa, bao bì sản phẩm tiếp xúc với PET, 10% đối với bao bì nhạy cảm tiếp xúc không phải PET và 30% đối với bao bì nhựa khác.

"Tái chế ở Việt Nam đã có lâu nhưng lúc trước chưa có được sự hỗ trợ của công nghệ. Câu chuyện tái chế ngày hôm nay khác hẳn với tái chế truyền thống từ 50-70 năm trước đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư khoa học, công nghệ, đáp ứng xu hướng phát triển chung", ông Việt Anh nói.

le anh

Ông Lê Anh – Giám đốc Phát triển bền vững DUYTAN Recycling.

Một trong những doanh nghiệp đi đầu trong tái chế rác thải là Duy Tân Recycling. Ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển bền vững DUYTAN Recycling - cho biết trong 10 tháng đầu năm 2023, Duy Tân Recycling đã tái chế 18.200 tấn rác thải nhựa gần bằng 1,6 tỷ chai nhựa. Sản phẩm Duy Tân đã cung cấp 7.100 tấn ở nội địa và 9.100 tấn xuất khẩu sang nước ngoài.

Tham gia thảo luận tại tọa đàm, ông Đinh Hồng Kỳ - Viện trưởng Viện ESG và Phát triển bền vững - cho biết 5 ngành kinh tế tuần hoàn tại TP.HCM là xây dựng, giao thông, bao bì nhựa, dệt may và thực phẩm.

"Phát triển kinh tế tuần hoàn mang lại rất nhiều lợi ích trong đó có: Giảm lượng tiêu thụ vật liệu thô sơ cấp; giảm lượng khí thải carbon dioxide, nâng cao chất lượng bà độ an toàn cho đất; tăng trưởng kinh tế mà không làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên, khuyến khích các ngành công nghiệp xanh; tạo ra những chuẩn mực, hành vi tiêu dùng bền vững", ông Kỳ nói thêm.

Dưới góc độ một chuyên gia nước ngoài, ông Jean Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch phụ trách chính sách Eurocham - đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, để huy động vốn FDI, doanh nghiệp và chuỗi cung ứng Việt Nam phải hướng tới hướng xanh và bền vững.    

"Việc thiết lập thị trường tín chỉ carbon là định hướng quan trọng để Việt Nam đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bằng cách giúp các doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước chuyển đổi từ nền kinh tế nâu (dựa vào tài nguyên) sang xanh, vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa tạo động lực và lợi nhuận cho doanh nghiệp và đất nước", ông Jean Jacques Bouflet nói.

Trên thực tế, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về tín chỉ carbon, ước tính lên tới hơn 40 triệu, bao gồm các loại hình như rừng, biển, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng… đều tạo ra tín chỉ carbon. Ông Jean Jacques Bouflet - cho rằng bằng cách giảm phát thải khí nhà kính, một thị trường giao dịch carbon thành công sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết COP26, đồng thời tạo điều kiện cho các cá nhân và doanh nghiệp thu lợi từ việc bán tín dụng ra nước ngoài.

Hiện Chính phủ Việt Nam quan tâm chú ý đến vấn đề môi trường, đặc biệt là việc thu gom và xử lý rác thải nhựa. Luật bảo vệ Môi trường năm 2020 đã đưa ra khái niệm EPR. Trong đó quy định trách nhiệm của nhà sản xuất và nhập khẩu trong việc tái chế và xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Sở đang có những kế hoạch chuyển đổi định hướng theo phân loại rác tại nguồn theo 3 loại theo quy định của Luật bảo vệ môi trường. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang thực hiện việc xây dựng đồ án xử lý chất thải rắn trong thành phố đến năm 2025 tạm dừng đến năm 2050 để trình Chính phủ phê duyệt, trong đó có những quy định, định hướng các khu vực cũng như quỹ đất phục vụ cho cái công tác phân loại rác tại nguồn và thực hiện tái chế rác thải.

Thu Hoài

 

Tin khác

Tin tức 11 giờ trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.
Tin tức 11 giờ trước
Lần đầu tiên, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế phối hợp Đại học Phú Xuân, Tập đoàn Giáo dục EQuest và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức buổi Lễ chào mừng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, Thành ủy - Hội đồng Nhân dân – Ủy ban Nhân dân – Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổ chức gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TVXP), dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tin tức 1 ngày trước
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Tin tức 1 ngày trước
Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.