SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

'Doanh nông' trẻ huyện Cần Giờ sẵn sàng 'cất cánh'

17:56, 23/10/2023
Ngoài việc nỗ lực phát triển các sản phẩm tài nguyên bản địa nhằm nâng cao giá trị thì các doanh nông trẻ tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) cũng sẵn sàng khai thác thị trường tín chỉ carbon.

Trong chương trình góp sức cùng TP.HCM đẩy mạnh chuyển đổi xanh và xây dựng kinh tế xanh, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã xây dựng chương trình tổng hợp để quảng bá những hoạt động này.

Vừa qua, các đơn vị này đã tổ chức chương trình với nhiều hoạt động: Tour khảo sát các công trình xanh, tham quan, trải nghiệm… tại huyện đảo Cần Giờ, TP.HCM.

Tiềm năng lớn từ nguồn nguyên liệu

Chương trình không chỉ giới thiệu các mô hình kinh tế xanh mà còn thúc đẩy sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp và cộng đồng. Bên cạnh đó, chương trình còn đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc tạo ra cơ hội học hỏi, cải thiện môi trường và chất lượng cuộc sống.

Theo ông Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam (Vietnipa) – nhận thấy tiềm năng lớn từ cây dừa nước, công ty đã nghiên cứu và phát triển các sản phẩm như mật dừa nước, đường ăn kiêng hữu cơ từ dừa nước. "Nếu trước đây mỗi cây dừa người nông dân chỉ chặt buồng dừa và lá để bán thì ngày nay có thể khai thác thêm mật dừa, điều này giúp giá trị tăng gấp 10 lần", ông Tiến nói.

vietnipa

Ông Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam (Vietnipa).

Theo ông Tiến, tuổi thọ của cây dừa nước lên tới 50 năm. Hiện 1 ha dừa nước thì có thể thu hoạch từ 15-20 tấn dừa nước cô đặc mỗi năm. Hiện Vietnipa cũng đang liên kết với các hộ nông dân, sắp tới có thể mở rộng lên 30 ha. Bên cạnh đó, diện tích dừa nước chưa được khai thác tại huyện Cần Giờ lên tới 900 ha, điều này cho thấy nguyên liệu đầu vào cực kì lớn.

Bên cạnh dừa nước, huyện Cần Giờ còn được thiên nhiên ưu ái là "lá phổi xanh" của TP.HCM để phát triển chim yến. Với diện tích rừng ngập mặn lớn ven biển, môi trường trong lành và khí hậu ôn hoà, Cần Giờ được cho là "ngôi nhà" tự nhiên mang đến nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào và chất lượng cho loài chim yến phát triển. Hiện nay, Cần Giờ có 520 nhà yến – đây là nơi có nhiều nhà nuôi Yến nhất nước ta.

Bà Phan Ngọc Diệu - Giám đốc quản lý nhà máy Yến Đảo Cần Giờ -  cho biết hiện doanh nghiệp này đang phát triển đa dạng các sản phẩm từ yến như: Tổ yến tinh chế, tổ yến thô, yến hũ, cháo tổ yến, cà phê yến…

"Yến đảo có nguồn nguyên liệu chính là yến ở Cần Giờ, đây là huyện duy nhất của TP.HCM vừa có sông vừa có biển, vừa có đảo với diện tích rừng 35 nghìn ha. Vì vậy, Cần Giờ là môi trường trong lành chim yến tạo ra được tổ chất lượng, xanh sạch", bà Diệu nói và cho biết sắp tới sẽ đẩy mạnh lượng tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử và TikTok Shop.

yen dao can gio

 Cần Giờ hiện có hơn 500 nhà nuôi yến, với sản lượng bình quân 11-12 tấn/năm.

Còn theo ông Trương Tiến Triển – Phó chủ tịch UBND huyện Cần giờ, yến là lợi thế của huyện Cần Giờ. Hiện nay, Cần Giờ có khoảng 500 căn nhà yến, những căn nhà này có gắn hệ thống dẫn dụ chim yến đến làm tổ, và được thu hoạch hoàn toàn tự nhiên. Sau khi thu hoạch xong, doanh nghiệp sẽ chế biến ra các sản phẩm từ tổ yến thô. 

Sẵn sàng cho thị trường tín chỉ carbon

Việt Nam đã nhận được hơn 41 triệu USD đầu tiên dành cho tín chỉ carbon rừng do Ngân hàng Thế giới (WB) chuyển nhượng. Việc sớm thực hiện thị trường tín chỉ carbon đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và đóng góp chung vào việc giảm phát thải. 

Tín chỉ carbon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí CO2. Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn CO2, hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ… ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon.

Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, tín chỉ carbon là vấn đề hấp dẫn. Hiện Việt Nam đã nhận được khoản tiền của Ngân hàng Thế giới (WB) dành cho những quốc gia phát triển đẩy mạnh bước đầu mua bán tín chỉ carbon. Tuy nhiên, việc hình thành ra thị trường tín chỉ carbon không chỉ tùy thuộc vào những doanh nghiệp khai nhiều tín chỉ carbon để đưa vào thị trường mà còn phải xây dựng pháp luật để vận hành thị trường, lực lượng tư vấn dịch vụ,… Như vậy, Việt Nam mới có đầy đủ các yếu tố để hoạt động.

Bà Hạnh cũng cho biết thêm hiện nay nông dân Việt Nam đã bắt đầu nghĩ tới việc trồng cây theo tiêu chuẩn để sau này có thể tham gia vào việc mua bán tín chỉ carbon.

Vietnipa cũng là một trong những doanh nghiệp sử dụng tài nguyên tự nhiên một cách bền vững để sản xuất mật dừa và đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn. Theo ông Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam, nếu thông qua việc bán các tín chỉ carbon từ cây dừa nước thì cây dừa nước sẽ tăng giá trị lên tới 50% so với trước đây.

Ông Tiến cho biết cây dừa nước không cần phải bón phân, chăm nước, không cần sử dụng các chất hóa học. Theo việc thống kê, tính toán của Vietnipa, khi khai thác mật dừa nước, việc hấp thụ carbon ở trên không khí nhiều hơn. Bên cạnh đó, cây dừa nước chịu được độ ngập mặn, chịu được điều kiện sống khó khăn hơn các cây trồng khác. 

"Nếu khai thác mật dừa nước thì việc hấp thụ carbon được tăng cao nhiều hơn. Trong một tháng, một cuống dừa nước sẽ cho ra được 30 lít mật. Trong mật có chứa các hàm lượng gồm carbohydrate, nghĩa là tích tụ lấy CO2 chuyển đổi qua carbohydrate để tạo ra đường", ông Tiến cho biết.

yen can gio

Đa dạng các sản phẩm chế biến từ yến, mẫu mã cũng được đầu tư nhằm thu hút khách hàng.

Theo ông Trương Tiến Triển - Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, việc sử dụng tín chỉ carbon để giao dịch thương mại là nội dung hoàn toàn mới và là tín hiệu tốt cho huyện Cần giờ. Hiện nay, huyện Cần Giờ cũng đang tiếp cận với các quy định về sử dụng tín chỉ carbon để mang đến giá trị cho huyện Cần Giờ.

"Cần Giờ là lá phổi xanh của TP.HCM, nhưng chúng ta chưa cụ thể hóa nguồn giá trị mang lại rõ nét. Hiện nay, huyện Cần Giờ đang theo dõi chặt chẽ và hướng dẫn các quy định nhằm thực hiện đúng trong việc sử dụng tín chỉ carbon để giao dịch thương mại", ông Triển nói.

Bình Tú

Tin khác

Kinh tế 2 giờ trước
(SHTT) - Theo báo cáo của Cục Thuế Thanh Hóa, thu nội địa trên địa bàn tỉnh tháng 4 ước đạt 2.100 tỷ đồng, bằng 76% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng thu nội địa của tỉnh này ước đạt 11.526 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ.
Kinh tế 2 giờ trước
(SHTT) - Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.
Kinh tế 2 giờ trước
(SHTT) - Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt kim ngạch hơn 15 tỷ USD tính tới ngày 15/4.
Kinh tế 2 giờ trước
(SHTT) - Đó là thông tin được đưa ra trong Báo cáo Đầu tư công nghệ và Đổi mới sáng tạo 2024 được công bố hôm 26/4 vừa qua.
Kinh tế 5 giờ trước
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người chọn đi du lịch hoặc về quê thăm gia đình. Các thú cưng như chó, mèo thường không thể đi theo cùng chủ nên dịch vụ trông giữ chó mèo đã trở nên đắt khách trong dịp này.