Hàng tiêu dùng nhanh sẽ tiếp tục tăng trưởng dịp Tết 2024
Tại hội thảo "Những biến động thị trường và cơ hội kinh doanh mùa cuối năm" do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức, các chuyên gia dự báo người tiêu dùng có thể sẽ thắt chặt chi tiêu trong dịp tết Nguyên Đán 2024.
Theo bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Công ty nghiên cứu thị trường Kantar WorldPanel Việt Nam, nửa cuối năm 2022 đến nay, thị trường có nhiều biến động, có tích cực lẫn tiêu cực. Điều này ảnh hưởng lớn tới tâm lý người tiêu dùng, đặc biệt là dẫn đến sự phân hóa cao. Do đó các doanh nghiệp cần phải giải bài toán làm thế nào để thỏa mãn nhu cầu của nhiều nhóm tiêu dùng khác nhau.
"Doanh nghiệp cần cân đối danh mục sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, có chương trình kích cầu ngắn hạn để giữ người tiêu dùng trong giai đoạn khó khăn,...", bà Nga nói.
Theo bà Nga, người tiêu dùng bị ảnh hưởng về thu nhập, giảm giờ làm, không có việc làm. Theo khảo sát Kantar, 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính. Mức hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính tăng cao đáng kể so với một năm trước và thời điểm trước Covid-19. Sự khó khăn ảnh hưởng tới tất cả các nhóm thu nhập, mặc dù nhóm hộ gia đình thu nhập cao ít bị ảnh hưởng so với mặt bằng chung.
Trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu, hoạt động giải trí và ăn ngoài có nhiều khả năng bị cắt giảm trong khi các ngành thực phẩm và thiết yếu phẩm ít bị ảnh hưởng hơn. Theo khảo sát của Kantar, 66% người cho biết cắt giảm giải trí bên ngoài như xem phim,…; giảm đi ăn ngoài; các thiết bị gia dụng; thực phẩm và mỹ phẩm người ta nói không giảm.
Người tiêu dùng có những mối quan tâm khác nhau và cân nhắc trong mua sắm, họ có xu hướng lựa chọn những sản phẩm theo tiêu chí ưu tiên về sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà, cá nhân hóa nhu cầu. Bên cạnh đó, người tiêu dùng tìm kiếm nhiều cơ hội để nhận được giá trị gia tăng trong dịp mua sắm như chuyển sang phân khúc thấp hơn, mua số lượng lớn để tiết kiệm, tìm kiếm khuyến mãi.
Theo bà Nga, khoảng thời gian 5 tuần đầu tiên của Tết Nguyên Đán là thời gian mua sắm tết kéo dài từ ngày 7/1 đến 10/2/2024. Trong đó, hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong dịp cuối năm sẽ ưu tiên cho những sản phẩm có tính ứng dụng cao.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng đánh giá lại mức độ quan trọng và có xu hướng ưu tiên những ngành hàng mang lại giá trị trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, những sản phẩm có tính ứng dụng cao như thực phẩm, nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) có thể tiếp tục tăng trưởng.
"Mặc dù người tiêu dùng đang lạc quan về tình hình tài chính kinh tế trong 12 tháng tới, dịp Tết 2024, dấu hiệu của việc nới lỏng chi tiêu vẫn chưa thực sự rõ rệt", bà Nga nói.
Ngoài ra, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng tính tiện lợi và sẽ ưu tiên những kênh mua sắm mang lại nhiều giá trị hơn. Những trải nghiệm mua sắm mới nhờ sự phát triển của công nghệ như thương mại điện tử; hoặc có tính tiện lợi cao như siêu thị nhỏ được dự đoán tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong dịp Tết 2024.
Võ Liên