SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Nhiều dư địa cho các sản phẩm chế biến sâu từ nguồn nguyên liệu bản địa

15:18, 20/09/2023
Tận dụng nguồn nguyên liệu bản địa, các doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư chế biến sâu nâng cao giá trị sản phẩm.

Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước với các đặc sản Việt, nhiều doanh nghiệp đã cho ra đời các sản phẩm thuần Việt đóng gói, có thể sử dụng trực tiếp, tiện lợi nhưng vẫn đảm bảo độ tươi ngon, được khách hàng ưa chuộng. Đồng thời, các doanh nghiệp này còn kết nối với cộng đồng địa phương để đảm bảo nguồn nguyên liệu.

Tận dụng nguồn tài nguyên bản địa

Đảm bảo được độ tươi ngon, nhanh, tiện lợi đồng thời giá thành cũng phải đảm bảo sự cạnh tranh, các dự án tham gia tại cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp xanh” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức được đánh giá cao. 

knx 1

 Nhiều dự án trong vòng thi bán kết tại TP.HCM sử dụng nguồn nguyên liệu bản địa của địa phương mình để gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Thành lập từ tháng 5/2021, K.Products – công ty chuyên chế biến các món ăn thuần Việt như phở, bún bò Huế, bún riêu, cá kho làng Vũ Đại… dần định vị được phân khúc khách hàng trong và ngoài nước. K.Products đặt ra hai mục tiêu chính là phục vụ cho người Nhật sử dụng món ăn thuần Việt, đồng thời phục vụ cho người Việt những món ăn tiện lợi và đảm bảo chất lượng.

Theo bà Mai Thị Thu Trang – Giám đốc kinh doanh K.Products, sau khi học tập và làm việc tại Nhật Bản, bà trở về Việt Nam khởi nghiệp. Nhận thấy nhu cầu sử dụng các món ăn liền tại thị trường trong nước chưa tạo được niềm tin cho khách hàng vì nhiều sản phẩm còn sử dụng chất phụ gia, hương vị công nghiệp; mặt khác, ở nước ngoài, các món ăn thuần Việt đóng gói theo dạng sử dụng trực tiếp còn rất ít, vì vậy nhóm sáng lập nghiên cứu và cho ra đời nhiều dòng sản phẩm như ăn liền hoặc chế biến nhanh.

“Những món ăn liền là cá kho làng Vũ Đại, cá nục kho tiêu,,.. đặc trưng là để ở nhiệt độ thường, có thể bảo quản trong vòng 12-24 tháng nhưng không sử dụng chất bảo quản. Với các loại nước dùng của bún bò Huế, bún riêu,… chúng tôi không sử dụng chất phụ gia, mà hầm xương 16 tiếng”, bà Mai Thị Thu Trang nói và dẫn chứng cụ thể với món cá kho làng Vũ Đại, đây là sản phẩm mở ra ăn liền, thịt cá săn chắc, xương cá phải rục, nước sốt đậm đà,… chỉ với giá 44.000 đồng.

Hiện K.Products cũng đang liên kết với nhiều đơn vị tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để đảm bảo nguồn nguyên liệu, chẳng hạn như cá nục phải đạt chuẩn OCOP 4 sao. Hiện sản phẩm đã bán tại thị trường Nhật Bản từ tháng 7/2022 và bán tại Việt Nam từ tháng 10/2022, các dòng sản phẩm cũng đang được đẩy mạnh trên sàn thương mại điện tử.

KNX 2

Chị Kiều Bảo Hân - sáng lập Công ty TNHH Hapinut.

Sử dụng nguồn nguyên liệu là giống lúa 13/2, chị Kiều Bảo Hân (quê Quảng Nam) – người sáng lập Công ty TNHH Hapinut cho ra đời dòng sản phẩm chế biến sâu từ gạo như bộ kit sợi phở, sợi mỳ Quảng, bún bò. Theo chị Hân, với những sản phẩm này, chỉ cần 1 phút 30 giây là có thể cho ra được vị nguyên bản, giống sợi tươi, nhanh hơn so với các sản phẩm khác trên thị trường khoảng 5-7 phút.

Bên cạnh đó, Hapinut cũng có sản phẩm sốt tươi cô đặc từ nguồn nguyên liệu bản địa Quảng Nam. "Mong muốn lớn nhất của mình là phát triển những sản phẩm có nguyên liệu bản địa như gạo 13/2 của Quảng nam. Với sốt thì mình dùng nguyên liệu tươi như củ nén nấu ra gói sốt cô đặc, có cả mảnh nén tươi”, chị Hân chia sẻ.

Trong khi đó, chị Dương Thị Hồng Chuyên – chủ thương hiệu lạp xưởng cá lóc cho biết hiện doanh nghiệp đã liên kết với hộ nông nông dân chăn nuôi, hợp tác xã,.. kí kết trực tiếp để đảm bảo nguồn nguyên liệu. Sản phẩm mang tính bền vững, liên kết hai chiều giữa người sản xuất với hộ nông dân. Phế phẩm làm ra từ đầu cá có thể xử lý vi sinh và bán lại cho hộ nông dân xay ra làm nguồn thức ăn cho cá, nhà sản xuất mua lại cá từ người nông dân, bảo vệ được môi trường.

“Trên thị trường chủ yếu lạp xưởng heo, bò dễ gây ngán cho người tiêu dùng, lạp xưởng từ cá bổ sung dinh dưỡng, lấy được giòn dai tự nhiên của cá, giúp người tiêu dùng sử dụng sản phẩm này ít ngán. Giá thành sản phẩm lạp xưởng cá có tính cạnh tranh, có giá 240.000 đồng”, chị Chuyên nói.

Vùng nguyên liệu nông sản còn lớn

Tại Việt Nam, vùng nguyên liệu nông sản được các chuyên gia cho rằng vẫn còn lớn, cần được khai thác chế biến sâu.

Theo bà Vũ Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), nhiều dự án trong vòng thi bán kết khởi nghiệp xanh tại TP.HCM sử dụng nguồn nguyên liệu bản địa của địa phương mình để gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Cụ thể từ các nông sản như: Các loại hoa, măng, hạt macca, mật ong, atiso, nấm, dừa, bưởi non, măng tây, trái nhàu, chanh, rượu cần, lạp xưởng cá, đường tự nhiên, bã cà phê làm phân bón, du lịch sinh thái kết hợp trùn quế, sữa dê… hay một số dự án về sàn giao dịch tín chỉ carbon...

"Năm nay, số lượng dự án và chất lượng dự án cũng được cải thiện, chúng tôi chú trọng thêm yếu tố doanh nghiệp xanh, đưa vào việc phát triển kinh tế bền vững, góp phần giảm phát thải khí carbon, đồng thời sản phẩm có mẫu mã mới", bà Kim Anh nói.

Cũng theo bà Kim Anh, phát triển về tài nguyên bản địa là một tiêu chí của BSA khi xây dựng chương trình khởi nghiệp nông nghiệp. Từ cây, lá đến nguồn nước đều có thể tận dụng để phát triển tài nguyên bản địa.

KNX 3

 Sản phẩm lạp xưởng cá lóc được trưng bày và giới thiệu tại cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh.

Còn theo ông Nguyễn Trung Dũng – Tổng Giám đốc Dh Foods, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, với nguồn tài nguyên phong phú nên khởi nghiệp về nông nghiệp nên và rất cần cho đất nước. Bên cạnh đó, Việt Nam sở hữu nhiều vùng khí hậu nên có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp, đa dạng và độc đáo. Tuy nhiên để thương mại hoá được, các startup nên làm chỉn chu từ đầu, lựa chọn các nguyên liệu vùng miền mà mình có thế mạnh.

“Đặc biệt cần chế biến sâu để tăng giá trị cho sản phẩm và xây dựng câu chuyện văn hoá bản địa xoay quanh sản phẩm địa phương đó. Người tiêu dùng trên thế giới, nhất là lớp Gen Z khi quyết định mua 1 sản phẩm, họ muốn biết sản phẩm đc tạo ra từ những nguyên liệu ở đâu, được sản xuất bởi ai, có thân thiện với môi trường, con người hay không”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng lưu ý thêm về bao bì, đóng gói, ngoài việc đẹp, bắt mắt, phù hợp thì việc sử dụng các bao bì thân thiện với môi trường là lợi thế cạnh tranh lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp khởi nghiệp về nông nghiệp nên sản xuất theo hướng tự nhiên, hạn chế hoặc tốt nhất không dùng chất bảo vệ thực vật nhân tạo hay phân hoá học. Bởi lẽ, nông nghiệp xanh, sạch là tương lai của Việt Nam cũng như thế giới.

Võ Liên

Tin khác

Kinh tế 11 giờ trước
(SHTT) - Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ chiều nay (2/5), giá xăng tăng nhẹ. Mỗi lít xăng RON95 tăng 40 đồng, giá bán lên mức gần 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 12 giờ trước
Những chiếc mo cau xứ Tiên thuộc huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) qua bàn tay sáng tạo thành đôi dép, túi xách và nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác.
Kinh tế 12 giờ trước
(SHTT) - S&P Global công bố báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 4/2024. Báo cáo ghi nhận, ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tháng 4 khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh giúp sản lượng tăng trở lại.
Kinh tế 16 giờ trước
(SHTT) - Sau 6 ngày diễn ra (từ 26/4 đến 1/5), Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024 đã thu hút gần 56.000 lượt khách tham quan mua sắm, doanh thu đạt 17,9 tỷ đồng.
Kinh tế 4 ngày trước
(SHTT) - Theo báo cáo của Cục Thuế Thanh Hóa, thu nội địa trên địa bàn tỉnh tháng 4 ước đạt 2.100 tỷ đồng, bằng 76% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng thu nội địa của tỉnh này ước đạt 11.526 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ.