Đề xuất miễn thuế 5 năm cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại TP.HCM
Chiều 15/8, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về WHISE và các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo năm 2023. Tọa đàm gắn với Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Tại Điều 8 của Nghị quyết này, Quốc hội đã phê chuẩn các chính sách đặc thù trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho phép TP.HCM thí điểm các chính sách ưu đãi cho các thành phần chủ chốt của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Tại tọa đàm, bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM – nêu lên 2 đối tượng nằm trong nhóm chính sách miễn thuế.
Cụ thể, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn TP.HCM.
Thứ hai là nhóm chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của các cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố.
Với nhóm chính sách miễn thuế, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phải có hoạt động sản xuất, kinh doanh một trong các dạng như: Sản phẩm được hình thành từ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng đã được cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ,…; sản phẩm đạt giải thưởng về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hoặc đạt giải tại các cuộc thi khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo cấp thành phố, quốc gia, quốc tế; sản phẩm có ứng dụng công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới.
Với tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải có hoạt động cung cấp một số dịch vụ cho cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp; doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đề xuất cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và giấy chứng nhận dành cho 3 loại hình tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo bà Trúc, loại giấy chứng nhận này cần thiết vì khi cục thuế muốn miễn thuế cho đối tượng này phải có ít nhất một loại giấy xác nhận đối với đối tượng được miễn thuế. Với giấy chứng nhận này, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ là đơn vị cấp, hủy bỏ, hoặc thu hồi.
Góp ý dự thảo, ông Đồng Minh Hồng – Giám đốc công ty chuyên dịch vụ về thuế - cho rằng nếu như dự thảo hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp thì thời gian nên dài hơn 5 năm vì nếu doanh nghiệp kinh doanh tốt thì 5-6 năm mới phát sinh thu nhập để đóng thuế.
Tuy nhiên, theo bà Quý Trúc, không dễ để đề xuất chính sách liên quan đến miễn giảm thuế. “Đây chỉ là 5 năm thí điểm, chúng tôi không ngại để triển khai một chính sách mà các nước khác đã có cho TP.HCM, vì không dễ gì TP.HCM được duyệt chính sách này”, bà Trúc - Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ nói.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, hiện nay trong lĩnh vực thuế vẫn chưa có nghị định của Chính phủ hướng dẫn nên vẫn chờ nghị định được ban hành.
Ông Dũng cho rằng các chính sách của Nhà nước là sự kiến tạo, cung cấp hạ tầng, dịch vụ sao cho tốt nhất để nhiều đối tượng có thể thụ hưởng. Còn chính sách tài chính thì thường để khích lệ tinh thần là chính, từ đó các doanh nghiệp tư nhân thấy ổn sẽ tham gia đầu tư.
Còn theo bà Nguyễn Thị Diệu Hằng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp BSSC, đối với các cơ sở ươm tạo – đơn vị nhận thụ hưởng từ chính sách - lưu ý chương trình đang thí điểm nên các cơ sở ươm tạo cần làm tốt để 5 năm sau các chính sách này chính thức trở thành của TP.HCM.
Võ Liên