SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Thủ tục cấp bằng sở hữu trí tuệ chậm, nhiều doanh nghiệp gặp khó

07:56, 03/06/2023
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi thời gian cấp bằng sở hữu trí tuệ kéo dài dẫn đến việc thương mại hóa và chuyển giao công nghệ bị trì trệ.

Tình trạng cấp bằng sở hữu trí tuệ đối với sáng chế còn chậm đã tạo ra nhiều thế khó cho doanh nghiệp trong việc thương mại hóa và bảo vệ thành quả sáng tạo.

Nhiều thế khó cho doanh nghiệp

Tháng 8/2019, ThS. Phan Văn Hiệp – giảng viên Trường Đại học Văn Hiến đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ thông minh ITS đã đăng ký 4 bằng độc quyền sáng chế cho chuỗi máy sấy năng lượng mặt trời. Cho đến tháng 5/2023, ThS. Hiệp vẫn chưa nhận được kết quả đăng ký bằng sáng chế cho loại máy sấy "vạn năng" này.

Theo ThS. Hiệp, thời gian thẩm định sáng chế tại Việt Nam kéo dài, điều này không ảnh lớn đến các sáng chế chưa được thương mại hóa, tuy nhiên với những sáng chế đã được bán ra thị trường thì dễ bị "ăn cắp" tràn lan.

may say van nang - nvcc

ThS. Phan Văn Hiệp (bên phải ngoài cùng) với máy sấy năng lượng mặt trời. Ảnh: NVCC

Mới đây, ThS. Hiệp phát hiện ra một đơn vị rao bán thiết bị máy sấy của mình. Ngay lập tức, ông Hiệp gửi một văn bản đến đơn vị có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, tuy nhiên điều mà ông Hiệp nhận lại từ đơn vị này là sự thách thức. "Nếu như trước đây đơn vị ăn cắp bản quyền chỉ quảng cáo trên google 1 tuần rồi nghỉ thì sau khi nhận văn bản do công ty của tôi gửi, đơn vị này lại liên tục quảng cáo", ThS. Hiệp bày tỏ sự bức xúc.

Hệ thống máy sấy năng lượng mặt trời của ông Hiệp được hình thành từ đề tài nghiên cứu khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đặt hàng. ThS. Hiệp cho rằng từ đề tài nghiên cứu khoa học để thương mại hóa ra thị trường chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, tuy nhiên các sản phẩm chưa được pháp luật bảo vệ chặt chẽ, đồng thời thủ tục cấp bằng lâu nên nhiều doanh nghiệp không dám thương mại hóa ra thị trường. Đây là cũng một trong những nguyên nhân kìm hãm việc hình thành nên thị trường công nghệ, sàn giao dịch công nghệ.

Chẳng hạn, thiết bị máy sấy của ThS. Hiệp hiện có nhiều đơn vị đề nghị chuyển giao công nghệ và làm đại lý để phân phối sản phẩm nhưng ông từ chối vì dễ bị xâm phạm bản quyền. Hiện tại, ThS. Hiệp chỉ hợp tác với các trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ của các tỉnh thành.

"Nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ của nhiều người hiện nay rất kém, lẽ ra những nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ phải được đưa vào giảng dạy trong chương trình từ cấp trung học cơ sở để nâng cao ý thức", ThS. Hiệp nói.

Bên cạnh đó, ThS. Hiệp cho rằng hiện nay những cá nhân, tổ chức muốn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đa phần đều thuê một đơn vị dịch vụ làm, đa số là các công ty luật. Tuy nhiên, nhiều đơn vị làm dịch vụ chỉ rành về luật, còn việc viết mô tả sáng chế liên quan đến kỹ thuật lại chưa thể diễn đạt được trọn vẹn nội dung kỹ thuật, điểm mới của sáng chế. Mặt khác, nhiều đơn vị nhận làm dịch vụ với chi phí rất cao nhưng cuối cùng lại "đem con bỏ chợ".

Ngoài ra, do chưa được cấp bằng bảo hộ sáng chế trong nước nên ThS. Hiệp chưa dám bán máy sấy ra thị trường nước ngoài. Khi được cấp bằng độc quyền trong nước sẽ tiến hành đăng ký bảo hộ ở các thị trường mà công ty dự kiến bán thiết bị công nghệ như Campuchia, Lào. Đồng thời, việc chưa được cấp bằng độc quyền sáng chế nên chưa tính tới phương án định giá công nghệ. Theo ThS. Hiệp, việc định giá công nghệ sẽ biến tài sản trí tuệ thành vốn chủ sở hữu của công ty, điều này quan trọng đối với công ty khởi nghiệp.

Cũng gặp những khó khăn khi thủ tục cấp bằng sở hữu trí tuệ chậm, ông Lê Trung Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH Ewater Engineering nộp đơn đăng ký sáng chế cho thiết bị tạo nước ion đồng và thiết bị ion hóa nước nhưng hơn 3 năm mới nhận được kết quả từ Cục Sở hữu trí tuệ.

Theo ông Hiếu, bằng độc quyền sáng chế có thời hạn bảo hộ là 20 năm và bằng độc quyền giải pháp hữu ích là 10 năm. Khi không được cấp bằng sáng chế thì doanh nghiệp có thể bảo hô dưới hình thức bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho nên chỉ còn 6 - 7 năm để thương mại hóa.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp sử dụng bằng sáng chế để thương lượng với khách hàng và bảo vệ sáng tạo của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thủ tục cấp bằng chậm dẫn đến việc mất đi lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, điều này cũng gây cản trở khi doanh nghiệp muốn phát triển các sáng chế tiếp nối từ sáng chế đầu tiên, tính kế thừa không được liên tục.

Ông Hiếu cũng cho rằng chi phí thuê các đơn vị dịch vụ viết đơn sáng chế hiện nay lớn, nhưng doanh nghiệp tự làm thì không đủ nghiệp vụ. Do vậy, nếu có một cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ làm thủ tục cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẵn sàng trả chi phí hợp lý.

Ông Hiếu mong muốn thủ tục cấp bằng sở hữu trí tuệ đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật đã đưa ra.

Quá tải trong việc xử lý đơn

Theo ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, hiện thời gian cấp bằng chậm trễ có cả lý do khách quan và chủ quan. Đa số các cơ quan sở hữu công nghiệp từ Mỹ cho đến Nhật, Châu Âu đều gặp tình trạng quá tải trong việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua khá cao đã tạo nên nhu cầu xác lập đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng cao, khoảng 5-10%. Ông Hồng cho biết việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp là quá trình thẩm định đi vào nội dung, điều này đòi hỏi nhiều điều kiện thực hiện thẩm định. Tuy nhiên nguồn lực đầu tư cho hệ thống lại hạn chế, đặc biệt trước đây mức lệ phí thẩm định này thấp vì việc dành cho chủ thể nước ngoài cao hơn, chủ thể trong nước thấp.

quy trinh don sang che

Quy trình xử lý đơn sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ. 

Khi tham gia thiết chế và cam kết quốc tế thì Việt Nam phải đảm bảo sự bình đẳng giữa chủ thể trong và ngoài nước. Tại Việt Nam, chi phí thẩm định khá thấp so với các nước trên thế giới cho nên việc đầu tư nguồn lực thẩm định không dễ dàng, nhất là trong điều kiện Việt Nam còn khó khăn trong vấn đề ngân sách Nhà nước đầu tư để phát triển.

Ông Hồng cho biết hiện nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu và nhiều điều kiện khác chưa được đảm bảo đã dẫn đến việc xử lý đơn chậm trong thời gian qua. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã tìm nhiều giải pháp để khắc phục các vấn đề này như làm sao để có cách sử dụng kết quả đăng ký sáng chế của nước ngoài, các vấn đề liên quan đến việc bổ sung thẩm định viên, việc hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin để xử lý đơn tốt hơn.

Theo ông Hồng, đơn sẽ được giải quyết dần dần trong thời gian sắp đến. Trước đó, việc xử lý đơn đã có những cải thiện đáng kể, tuy nhiên trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng trong việc xử lý đơn. "Vấn đề xử lý đơn vẫn đang được nghiên cứu để đưa ra giải pháp nhanh nhất", ông Hồng nói.

Võ Liên

Tin khác

Tin tức 49 phút trước
(SHTT) - Thời gian qua các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai nhiều kỹ thuật mới, giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở, không phải chuyển lên tuyến trên điều trị, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng cao của người dân.
Tin tức 50 phút trước
(SHTT) - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương nhấn mạnh, những người làm nội dung thông tin trên môi trường mạng cần có trách nhiệm hơn.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin tại buổi Họp báo, thông tin về tình hình kinh tế -xã hội Quý I năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm các tháng tiếp theo, ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ buổi Họp báo thông tin về tình hình kinh tế -xã hội Quý I năm 2024 được UBND Thành phố Hà Nội tổ chức vào chiều ngày 28/3 vừa qua, trong quý đầu năm, Thủ đô đã ghi nhận nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Công an thành phố Hà Nội mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về 24 thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người dân cần chú ý để tránh mất tiền oan.