SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 14/05/2024
  • Click để copy

Cây dừa nước ‘lên đời’ nhờ tiết ra mật ngọt

10:59, 06/07/2023
Cây dừa nước tưởng chừng không nhiều giá trị cho đến khi VietNipa khai thác mật dừa nước, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị dinh dưỡng lẫn kinh tế cao. Điều này góp phần tạo ra việc làm cho bà con huyện Cần Giờ và hạn chế tình trạng chặt phá loại cây này.

Dừa nước là loại cây mọc trong những vùng sình lầy dọc theo bờ sông, hay vùng ven cửa biển có thủy triều lên xuống, có nước chảy chậm bồi đắp phù sa dinh dưỡng. Loại cây này cũng mang lại nhiều công dụng trong cuộc sống từ lá, thân và quả dừa nước.

Đưa dừa nước trở thành cây công nghiệp giá trị cao

Tại Việt Nam, cây dừa nước được biết đến rất nhiều ở vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, từ trước đến nay, người dân chỉ chặt lá dừa phơi khô để lợp nhà, hoặc lấy cơm dừa để làm mức, pha chế, dùng trực tiếp,... nên giá trị của cây dừa nước mang lại không cao kéo theo diện tích ngày càng thu hẹp khi người dân san lấp mặt bằng.

Screenshot 2023-07-04 152753

 Cây dừa nước Việt Nam dần tạo được giá trị nhờ tiết ra mật có giá trị kinh tế cao.

Riêng tại TP.HCM, cây dừa nước mọc rất nhiều tại huyện Cần Giờ. Năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam. Nơi đây trở thành địa điểm du lịch khá nổi tiếng tại TP.HCM và cả miền Đông Nam Bộ, thu hút được nhiều du khách đến tham quan, du lịch và dừa nước cũng trở thành loại đặc sản dân dã được du khách lựa chọn làm quà.

Tuy nhiên, cơm dừa chỉ có thể dùng trong thời gian ngắn, chính vì vậy anh Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam (VietNipa) - cùng các cộng sự trong VietNipa đi tìm nguyên lý làm sao để bảo quản cơm dừa nước được lâu hơn. Trong quá trình nghiên cứu, anh Tiến cùng các cộng sự lại phát hiện ra nguồn nguyên liệu mới đầy tiềm năng là mật dừa nước. Vì vậy, anh bắt đầu nghiên cứu sâu các kỹ thuật để lấy mật dừa nước.

Năm 2017, anh Tiến bắt đầu nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu liên quan đến loại cây này. Sau đó, anh phát hiện cuống của buồng dừa nước sau khi chặt là nơi tiết ra mật. Muốn lấy được mật, phải mát-xa cho cuống để khơi thông mạch dẫn, mát-xa liên tục khoảng một tháng trước thời điểm thu hoạch. Đặc biệt, để lấy được mật, ngoài mát-xa, không được chặt lá cây dừa nước.

“Trước đây, khi thu hoạch dừa người dân chỉ chặt lấy buồng dừa, cuống dừa thì bỏ đi. Nhưng qua nhiều tài liệu tôi nghiên cứu thấy nếu cuốn dừa được chăm sóc tốt, sau khi thu hoạch buồng dừa, phần cuống sẽ tiết ra mật. Một cây dừa nước có thể tiết ra được 1 lít mật trong một ngày và mình thu hoạch liên tục trong 30 ngày”, anh Tiến chia sẻ.

Năm 2019, Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam (VietNipa) được thành lập với sứ mệnh nâng tầm giá trị cây dừa nước Việt Nam, phát triển theo những giá trị bền vững: tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, mang lại sản phẩm có chất lượng cao cho người tiêu dùng và góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên.

75a479101f0bcf55961a

Các sản phẩm được tạo ra từ mật dừa nước.

Công ty đã khai thác và chế biến sản phẩm từ mật dừa nước và đưa ra thị trường ba sản phẩm gồm: Mật dừa nước tinh chất, mật dừa nước cô đặc, đường dừa nước.

Cụ thể, mật dừa nước tinh chất là mật sau khi thu về sẽ được đưa vào hệ thống lọc thanh trùng, đóng chai thủy tinh, bảo quản lạnh và dùng như nước giải khát. Nước có vị ngọt, hơi mằn mặn từ các loại muối khoáng sẵn có trong mật.

Sản phẩm thứ hai là mật dừa nước cô đặc. Từ 10 lít mật dừa tinh chất, qua quá trình cô đặc trong nhiều giờ liền sẽ thu được khoảng 1 lít mật. Mật dừa nước cô đặc có thể dùng như đường tự nhiên thay thế cho đường và mật ong, phù hợp cho cả người có chế độ kiêng đường. Dòng sản phẩm thứ ba là đường dừa nước.

Để có những sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, VietNipa đã không ngừng cải tiến về quy trình công nghệ và thiết bị, tạo ra sản phẩm ngày càng chất lượng hơn.

Với công nghệ sản xuất tiên tiến đã được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm HACCP, các sản phẩm mật dừa nước sau khi cô đặc vẫn giữ được giá trị dưỡng chất của sản phẩm.

Sản phẩm đã được mang đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM (Sở Khoa học và Công nghệ). Qua kiểm nghiệm cho các thông số phù hợp với người tiểu đường, ăn chay, ăn kiêng chất tạo ngọt, có khả năng thanh nhiệt, giải độc và phần nào bù lại lượng khoáng của cơ thể bị mất.

aeed2537482c9872c13d

Sản phẩm mật dừa nước nhận được sự đón nhận tích cực từ người tiêu dùng.

“Những chất có trong sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, sẵn có trong cây dừa nước, chứ mình không dùng bất kỳ chất bảo quản nào trong quá trình sản xuất. Do đó, mật dừa nước của VietNipa nhận được sự đón nhận tích cực từ phía người dùng vì những giá trị chất lượng mà nó đem lại. Sản phẩm đã được kết nối thành công vào các hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm cao cấp. Sản phẩm mật dừa nước của chúng tôi cũng nhận được chứng nhận OCOP 4 sao”, anh Tiến chia sẻ.

Mô hình khai thác và chế biến sản phẩm từ mật dừa nước của anh Phan Minh Tiến đã đạt được giải Nhì trong cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Sáng tạo Thanh niên nông thôn năm 2019 do Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm BSA tổ chức.

Mật Dừa Nước được công nhận là Sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu của TP.HCM năm 2019.

Tạo việc làm cho người dân huyện Cần Giờ

Việc thu hoạch mật dừa nước không chỉ tạo ra các sản phẩm mang giá trị cao, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho người dân, góp phần bảo vệ hệ sinh thái của tự nhiên và góp phần bảo vệ môi trường.

Theo anh Tiến, để đáp ứng đủ sản lượng cung cấp ra thị trường, Công ty VietNipa đã liên kết với các hộ dân canh tác cây dừa nước tại huyện Cần Giờ để khai thác lấy mật. Theo đó, người dân canh tác và lấy mật bằng cách gõ vào cuống dừa để nó tiết ra mật, sau đó công ty sẽ thu mua lại số mật đó với giá cao. So với lá dừa nước chỉ thu hoạch được 1-2 lần mỗi năm, thì người dân có thể thu hoạch mật từ mỗi cuống dừa khoảng 30 ngày, nguồn thu ổn định hơn trước đây.

345625462_1034957487890285_7185405820446647122_n

Cách cuống dừa nước tiết ra mật ngọt. 

Như vậy, từ khi biết cách khai thác được mật từ cuống dừa nước, những người nông dân tại huyện Cần Giờ đã có thêm công việc, nguồn thu nhập ổn định, đồng thời vừa giúp bảo vệ “lá phổi xanh” của TP.HCM. Bởi người dân đã không còn chặt bỏ loại cây này, thay vào đó bắt đầu canh tác ngay trên chính vườn dừa nước của mình.

Anh Tiến cho biết trung bình 1 ha dừa nước có thể khai thác mật và chế biến được 15-20 tấn đường dừa nước/năm, tương đương với đường mía. Trong khi đó, quỹ dừa nước tại huyện Cần Giờ còn rất nhiều, đặc biệt cây dừa nước có thể khai thác liên tục trong vòng từ 30-50 năm, nếu khai thác hiệu quả sẽ càng cho giá trị kinh tế cao hơn và bền vững.

Theo khảo sát của Công ty VietNipa tại huyện Cần Giờ, diện tích cây dừa nước tại đây có khoảng 900 ha mọc tự nhiên chưa được khai thác, ngoài ra ở Miền Tây Nam Bộ diện tích dừa nước còn gấp 10 lần, do đó sản lượng cực kỳ lớn.

0212c074a56f75312c7e

Anh Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam (VietNipa) tiếp tục nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm từ mật dừa nước.

“Với giá trị từ nguồn nguyên liệu mật dừa nước mang lại, tôi cho rằng cây dừa nước không chỉ tạo ra sinh kế cho bà con có nguồn thu nhập tốt hơn trước đây, mà còn giúp bảo vệ môi trường, hệ sinh thái khi người dân trồng, phát triển cây dừa nước nhiều hơn. Tôi cũng tin là cây dừa nước này có thể trở thành một cái cây cao su thứ hai tại Việt Nam”, anh Tiến bày tỏ.

Hiện anh Tiến cùng các cộng sự VietNipa không ngừng tìm kiếm những sản phẩm mới có thể tạo ra từ mật dừa nước để đa dạng hóa sản phẩm và khai thác hết giá trị từ mật dừa nước, phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, song song đó công ty cũng đang xúc tiến thương mại tại các thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản,... hướng đến xuất khẩu bền vững, mang hình ảnh cây dừa nước và mật dừa nước Cần Giờ đi xa.

Thanh Thảo

Tin khác

Kinh tế 14 giờ trước
(SHTT) - Tính đến hết tháng 4/2024, TX Đông Triều đã đón tiếp 619.472 lượt khách, tăng 218.881 lượt so với cùng kỳ năm 2023; đạt 77% so với chỉ tiêu tỉnh giao năm 2024 (800.000 lượt). Trong đó, khách du lịch quốc tế là 18.982 lượt, đạt 63,2% so với chỉ tiêu thị xã giao năm 2024 (30.000 lượt)...
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa đã phối hợp với CTCP Sáng tạo xanh Việt Nam và Trung tâm Tư vấn đầu tư và phát triển khoa học công nghệ môi trường Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học 'Chuyển đổi xanh' - Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Miền núi Thanh Hóa có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP với 111 sản phẩm được công nhận. Để các sản phẩm thực sự phát huy tiềm năng, thế mạnh và trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân là bài toán khó.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Thời gian gần đây, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa không ngừng đẩy mạnh việc tìm kiếm, liên kết, phát triển các loại cây trồng mới, đem lại giá trị kinh tế cao. Cây giang, cây mai lấy lá được trồng, kỳ vọng sẽ là “cây thoát nghèo” cho bà con huyện Lang Chánh.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Chương trình “Cho vay linh hoạt” của HDBank tiếp sức cho khách hàng đang có nhu cầu mua bất động sản, xây dựng, sửa nhà và tiêu dùng.