Cây mai, cây giang lấy lá: Kỳ vọng là loại 'cây thoát nghèo' cho bà con
Được biết, đây là 2 loại cây trồng họ nhà tre, luồng nên rất phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Lang Chánh. Theo tìm hiểu, cây giang đang là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Cây có ưu điểm, sau mỗi kỳ thu hoạch lá, lượng lá sản sinh ra lứa mới nhiều hơn. Tại Lang Chánh, cây giang được hộ ông Mai Xuân Thao ở xã Đồng Lương ươm trồng, phát triển mô hình cây lấy lá trên diện tích gần 20ha.

Cây trồng mới kỳ vọng là "cây thoái nghèo" cho huyện miền núi Thanh Hóa.
Bên cạnh việc thu hoạch lá đảm bảo tiêu chí để sấy khô, xuất khẩu, thì với cành, lá nhỏ, bà con có thể dùng làm thức ăn cho trâu, bò. Mùa măng mọc, bà con tỉa bớt lá để bán, tăng thêm nguồn thu nhập. Đây là loại cây trồng dễ chăm sóc, sau 8 tháng sẽ cho thu hoạch; mỗi năm cho thu hái lá từ 6 đến 7 lần. Hiện gia đình ông Thao đang làm hồ sơ để thành lập HTX, hướng đến xây dựng nhà máy sơ chế lá giang xuất khẩu.
Tương tự, cây mai cũng là loại cây trồng lấy lá. Huyện Lang Chánh đang phát triển loại cây này trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Bởi đây là loại cây dễ trồng, thích ứng với điều kiện tự nhiên, vốn đầu tư thấp nhưng vòng đời thu hoạch lại dài. Với 1ha trồng được 300 bụi mai, mỗi năm cho thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng. Lá mai sấy khô có thể xuất khẩu sang các thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản...
Hiện trên địa bàn huyện Lang Chánh có Công ty Tân Diamond (địa chỉ tại TP Hà Hội) đang đầu tư trồng mới 30ha cây mai tại xã Yên Khương, đồng thời thực hiện khâu chế biến và xuất khẩu. Năm 2024, công ty dự kiến sẽ mở rộng diện tích lên 300ha ở một số xã như Yên Thắng, Tân Phúc... Giai đoạn 1, công ty đang thuê đất của người dân, thuê người dân trồng, chăm sóc và thu hoạch. Giai đoạn tiếp theo, công ty dự kiến cung ứng giống cho người dân, cùng trồng kết hợp với doanh nghiệp và công ty cam kết bao tiêu sản phẩm. Xã Tân Phúc đang thử nghiệm trồng cây mai và cây giang với diện tích 2ha tại một số thôn. Dự kiến sẽ triển khai mở rộng trồng 30ha tại thôn Chạc Rạnh. Xét về giá trị kinh tế, cũng như tính chất, sự phù hợp về khí hậu, thổ nhưỡng, loại cây trồng này có nhiều ưu điểm. Với dư địa đất đai lớn, nếu hội tụ đầy đủ điều kiện để thực hiện mở rộng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, kỳ vọng đây là “cây thoát nghèo” của bà con trong thời gian tới.
Bên cạnh những cây trồng mới cho tín hiệu tích cực như cây mai, cây giang, thời gian qua huyện Lang Chánh cũng có nhiều nỗ lực trong việc duy trì, phát huy những cây trồng thế mạnh truyền thống. Trong đó, huyện tập trung thâm canh, phục tráng hơn 5 nghìn ha rừng luồng. Mở rộng diện tích trồng cây vầu tại các xã: Yên Khương, Yên Thắng, Lâm Phú... Huyện cũng khuyến khích, mở rộng hàng chục ha cây dược liệu tại các xã Tân Phúc, Đồng Lương, Giao An, Trí Nang, Yên Khương, Yên Thắng đem lại hiệu quả.
Để hướng đến hình thành chuỗi liên kết bền vững, huyện Lang Chánh đã tập trung ưu tiên thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến, sản xuất, gắn với vùng thâm canh cây nguyên liệu như luồng, vầu, nứa... Đến nay, huyện đã thu hút được 11 doanh nghiệp, HTX, cơ sở chế biến lâm sản đang hoạt động. Các cơ sở này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ luồng, vầu, keo, các loại gỗ tạp.
Xuân Khang
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
