'Chuyển đổi xanh' - Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Quốc Uy, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa nhấn mạnh: Chuyển đổi xanh đang trở thành một xu hướng khách quan và là ưu tiên trong lựa chọn định hướng phát triển của nhiều quốc gia. Chuyển đổi xanh mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp cả thời cơ và thách thức đan xen. Nó mang lại tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp gắn với lợi ích bền vững cho cộng đồng về văn hóa, xã hội và môi trường.
Xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường cũng là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được Đảng đề ra trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tại phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế xanh (GEF) năm 2023 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) phối hợp tổ chức, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng bền vững; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Việt Nam hướng tới sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và năng lượng xanh để các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, bền vững, lâu dài.
Để đạt được mục tiêu trên, ngoài vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cần phát huy nỗ lực của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong việc “xanh hóa” sản phẩm. Quá trình chuyển đổi xanh muốn thành công cần phải tư duy và hành động đột phá. Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cần: Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn có tính đến các tác động của các quy định tiêu chuẩn và quy định môi trường của sản phẩm. Đầu tư đổi mới công nghệ đồng bộ và hiện đại để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong doanh nghiệp, đặc biệt là năng lực phân tích kinh tế và môi trường. Tăng cường hơn nữa hỗ trợ tư vấn của các tổ chức, đơn vị, Nhà nước đối với các doanh nghiệp công nghiệp thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn...
Tại hội thảo, các tham luận chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: Những nội dung chính trong các quy định về quản lý phát thải khí nhà kính của Trung ương và của tỉnh Thanh Hóa; tác động của chính sách giảm phát thải trong nước và quốc tế đến doanh nghiệp; chính sách kinh tế tuần hoàn: Những cơ hội và thách thức với doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe các chuyên gia kinh tế truyền đạt nội dung về: Nguyên tắc và phạm vi kiểm kê khí nhà kính. Các đại biểu cũng đã thảo luận nhiều vấn đề và nhận được sự tư vấn, giải đáp từ các chuyên gia về một số nội dung như: Nhu cầu của doanh nghiệp; lộ trình giảm phát thải khí nhà kính.
Hội thảo là cơ hội để mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc hơn về chuyển đổi xanh; đồng thời, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong chuyển đổi xanh.
TH