SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Trái dừa sáp 'lên đời' nhờ đa dạng hóa sản phẩm

13:05, 09/06/2023
Khởi nghiệp từ đặc sản quê nhà, vợ chồng anh Trần Duy Linh (quê Cầu Kè, Trà Vinh) và chị Lâm Ngọc Tú đã tạo nên những sản phẩm đa dạng với trái dừa sáp, từ đó mở ra hướng đi mới cho loại trái này.

Bánh dinh dưỡng dừa sáp, kẹo dừa sáp, sữa chua dừa sáp sấy giòn tan, dừa sáp sợi,… đều là những sản phẩm tạo nên từ trái dừa sáp. Từ lúc mới khởi nghiệp cho tới nay, Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) do anh Trần Duy Linh và chị Lâm Ngọc Tú sáng lập đã định vị được sản phẩm trên thị trường.

347258113_629313439115295_5230980330212233168_n

 Anh Trần Duy Linh (ngoài cùng bên phải) và chị Lâm Ngọc Tú (ngoài cùng bên trái).

"Lên đời" cho trái dừa sáp

Dừa sáp là một đặc sản “độc nhất vô nhị” của vùng đất Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Hơn 90 năm nay, trái dừa sáp dẻo thơm, béo ngậy nổi tiếng gần xa, tuy nhiên chỉ dùng để ăn tươi và được bày bán ven đường thay vì được chế biến sâu như các loại nông sản khác. Cảm thấy chạnh lòng vì điều đó, anh Duy Linh “ôm ấp” giấc mơ nâng tầm sản vật quê hương.

Theo chị Lâm Ngọc Tú - Phó Giám đốc của Vicosap, trái dừa sáp khác biệt so với trái dừa thường. Dừa sáp được xem là quý hiếm, cơm dừa đặc, cùi dừa chiếm khoảng 70 - 80% khoang dừa, nước sền sệt và có độ dinh dưỡng cao. Bên cạnh đó, không phải trên một cây dừa sáp sẽ cho ra tất cả trái dừa đều sáp. Chẳng hạn trên một buồng dừa chỉ có 2 - 3 trái sáp. Thế nên, người mua không có kinh nghiệm dễ mua nhầm trái dừa khô hoặc dừa sáp kém chất lượng.

Dua sap

 Vào tháng 5/2023, Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục “Đơn vị chế biến sâu trái dừa sáp thành hệ thống nhiều dòng sản phẩm nhất, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị đặc sản dừa sáp Cầu Kè - Trà Vinh”.

Từ đó, anh Duy Linh và chị Ngọc Tú tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để tạo nên những sản phẩm từ trái dừa sáp. Hiện, Vicosap đã chế biến được nhiều dòng sản phẩm từ trái dừa sáp như kẹo dừa sáp, dừa sáp sợi, dừa sáp sấy giòn tan, sữa chua dừa sáp sấy giòn tan, bánh dinh dưỡng dừa sáp, sữa chua uống dừa sáp và trái dừa sáp hút chân không với 40 sản phẩm (SKU).

Theo chị Tú, sản phẩm dừa sáp sợi của Vicosap đã khắc phục được việc khách mua dừa sáp tươi đôi khi bổ ra bên trong không đạt chất lượng sáp, nhầm lẫn với trái dừa khô. Khắc phục nhược điểm đó, dừa sáp sợi được làm từ cơm dừa sáp nguyên chất, chế biến thành dạng sợi đóng hộp ăn liền.

Từ sản phẩm dừa sáp sợi, người tiêu dùng có thể làm topping cho các loại nước uống, kết hợp với bánh flan, làm sinh tố,… hoặc có thể kết cùng các hạt dinh dưỡng dùng kèm bánh mì kẹp (sandwich).

Đặc biệt sản phẩm dừa sáp sợi đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh và OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng

Là đơn vị khởi nghiệp trẻ được thành lập vào tháng 7/2020 của tỉnh Trà Vinh, anh Duy Linh và chị Ngọc Tú đã không ngừng nỗ lực để các sản phẩm tiếp cận được với mọi đối tượng khách hàng. Đồng thời, tìm nguồn vốn để tái đầu tư nghiên cứu đa dạng sản phẩm từ dừa sáp.

Với sản phẩm chế biến sâu từ dừa sáp, thương hiệu Vicosap đã chọn cho mình lối đi vào thị trường ngách bằng nhiều sản phẩm mới. Bởi lẽ hiện nay các công trình nghiên cứu về dừa sáp chưa nhiều, bên cạnh đó, giá thành sản phẩm đưa ra cao hơn so với mặt bằng chung.

VICOSAP

 Sản phẩm dừa sáp sợi được làm từ cơm dừa sáp nguyên chất.

Theo chị Tú, sản phẩm dù độc quyền khi chưa có nhiều doanh nghiệp cạnh tranh các sản phẩm về dừa sáp. Tuy nhiên, nhiều khách hàng chưa hiểu được đặc điểm, giá trị dinh dưỡng mà trái dừa sáp mang lại nên thường bị so sánh với trái dừa thường.

Thời gian đầu, các sản phẩm chế biến từ dừa sáp khó tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng vì sản phẩm có giá cao. Từ đó, chị Tú cùng các bạn trẻ tại Vicosap nhìn nhận lại hướng đi cho các sản phẩm để tiếp cận với người tiêu dùng. “Mình đi đúng hướng nhưng chưa chuẩn, chưa đem được đặc sản quê hương cho nhiều đối tượng khách hàng mà chỉ tiếp cận được với khách hàng trung cấp trở lên”, chị Tú chia sẻ.

Chị Tú tiếp tục tạo ra nhiều dòng sản phẩm khác như bánh dinh dưỡng từ dừa sáp. Sản phẩm kết hợp dừa sáp với rau củ quả tươi như khoai lang, bí đỏ, chuối, giá thành giảm xuống nhưng vẫn đảm bảo được sản phẩm tự nhiên, vừa bổ dưỡng, hợp lý dành cho nhiều đối tượng, cả người ăn thuần chay.

Kể lại khoảng thời gian đầu khi lập nghiệp, để tạo nên những sản phẩm chế biến từ dừa sáp, chị Tú và anh Duy Linh đã trải qua nhiều lần nghiên cứu thất bại. Vì sản phẩm không sử dụng hóa chất bảo quản, những sản phẩm từ tự nhiên nên bảo quản nhiệt độ không tốt sẽ bị hư hỏng.

Trong hành trình nỗ lực lan tỏa đặc sản của quê hương đến tỉnh thành và cả thế giới, sự may mắn của đôi vợ chồng này là được lập nghiệp tại tỉnh Trà Vinh. Thời gian đầu, Vicosap đã nhận được sự hỗ trợ từ địa phương, hỗ trợ mua máy móc và nâng cấp công nghệ để tạo nên năng suất cao, chất lượng tốt cho sản phẩm.

Tạo cơ hội việc làm cho lao động tại địa phương

Kể từ khi thành lập, Vicosap đã có nhiều nỗ lực cùng cộng đồng bảo tồn nguồn gen bản địa, phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao dựa trên ứng dụng công nghệ chế biến, đa dạng hóa nguồn thu, cải thiện cuộc sống cho nông dân trồng dừa huyện Cầu Kè.

Bên cạnh đó, cùng với sự gia tăng về mặt sản lượng, nhu cầu thu hút lao động để làm việc của doanh nghiệp cũng tăng lên, nhất là lao động nghèo, lao động tại chỗ, góp phần giải quyết bài toán việc làm cho địa phương.

“Với đặc trưng ngành hàng chế biến thực phẩm, cùng với việc được trang bị các thiết bị máy móc hiện đại, tự động hóa, Công ty cũng ưu tiên tuyển dụng lao động nữ do tính chất công việc phù hợp với sức khỏe và giới tính, góp phần hỗ trợ cải thiện thu nhập cho người lao động, nhất là lao động nữ”, chị Tú cho biết.

Hiện nay, Vicosap đang thu mua dừa sáp từ HTX Dừa sáp Hoà Tân - là HTX được thành lập năm 2015, với hơn 50 hộ thành viên, tổng diện tích canh tác của hội viên gần 45 ha, hiện có 28 ha được sản xuất theo chuẩn VietGAP và cho sản lượng trái mỗi năm khoảng 40 tấn.

dua sap 1

 Vicosap tiếp tục quảng bá sản phẩm từ trái dừa sáp tới khách hàng trong và ngoài nước.

Định hướng trong thời gian tới, Vicosap sẽ liên kết với các nông hộ xây dựng vùng trồng dừa sáp chuyên sâu hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Vicosap tiếp tục đa dạng hoá các dòng sản phẩm từ nguyên liệu dừa sáp, phát triển thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo được đầu ra cho bà con.

Theo chị Tú, năm 2023 là một năm khó khăn về kinh tế, Vicosap cũng cảm nhận rõ sự khó khăn đó. Doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu các sản phẩm mới và mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện Vicosap cũng xuất khẩu được các sản phẩm qua các thị trường như Anh, Nhật, Đài Loan.

Bật mí thêm, chị Tú cho biết sắp tới Vicosap sẽ xây dựng dự án du lịch liên quan đến dừa sáp, lịch sử phát triển cây dừa sáp để thu hút khách du lịch tới tỉnh Trà Vinh.

Võ Liên

Tin khác

Kinh tế 7 giờ trước
(SHTT) - Theo báo cáo của Cục Thuế Thanh Hóa, thu nội địa trên địa bàn tỉnh tháng 4 ước đạt 2.100 tỷ đồng, bằng 76% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng thu nội địa của tỉnh này ước đạt 11.526 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ.
Kinh tế 7 giờ trước
(SHTT) - Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.
Kinh tế 7 giờ trước
(SHTT) - Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt kim ngạch hơn 15 tỷ USD tính tới ngày 15/4.
Kinh tế 7 giờ trước
(SHTT) - Đó là thông tin được đưa ra trong Báo cáo Đầu tư công nghệ và Đổi mới sáng tạo 2024 được công bố hôm 26/4 vừa qua.
Kinh tế 10 giờ trước
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người chọn đi du lịch hoặc về quê thăm gia đình. Các thú cưng như chó, mèo thường không thể đi theo cùng chủ nên dịch vụ trông giữ chó mèo đã trở nên đắt khách trong dịp này.