Đưa các sản phẩm OCOP TP.HCM lên sàn livestream
Các sản phẩm OCOP của TP.HCM như mật dừa nước, yến đảo Cần Giờ, khô cá dứa một nắng… khi được bán theo hình thức phát sóng trực tuyến (livestream) trên nền tảng TikTok đã tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp.
Rút ngắn khoảng cách với người tiêu dùng
Ngày hội "Ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng OCOP của TP.HCM thông qua hình thức thương mại điện tử - trên nền tảng mạng xã hội" vừa được tổ chức tại Cần Giờ trong ba ngày (từ 19 đến 21/10).
Ngày hội có sự góp mặt của hơn 80 KOC, KOL (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường), Tiktoker tham quan, trải nghiệm và bán hàng tại huyện Cần Giờ. Trong 3 ngày hội, các phiên live đã tiếp cận 16 triệu người với hơn 350.000 người xem phiên live bán hàng, thu về hơn 900 triệu đồng.
Sự kiện mở ra những triển vọng tăng cường liên kết và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của TP.HCM và Cần Giờ đến với người dân trong nước và quốc tế, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực về tiềm năng công nghệ số trong xã hội.
Theo ông Trương Tiến Triển – Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, hiện nay trên địa bàn huyện Cần Giờ (TP.HCM) có 18 sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP, trong đó có 12 sản phẩm OCOP 4 sao. Trong năm 2023, huyện Cần Giờ đã có rà soát và hướng dẫn lập hồ sơ cho 22 sản phẩm để trình thành phố thẩm định công nhận đạt chuẩn OCOP, đặc biệt là có sản phẩm OCOP về du lịch.
Cũng theo ông Triển, thương mại điện tử là xu thế tất yếu mà huyện Cần Giờ đang hướng đến cho các nhà sản xuất, các doanh nghiệp của địa bàn. "Kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử để các mặt hàng được quảng bá tới người tiêu dùng, từ đó thông qua các hệ thống phát triển đồng bộ với hệ thống logistics để phát triển trên địa bàn của huyện, chuỗi cung ứng chung của TP.HCM và cả nước", ông Triển nói.
Có gian hàng tại ngày hội, ông Nguyễn Ngọc Luận - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kế thương mại Toàn cầu (thương hiệu cà phê Meet More) - cho biết doanh nghiệp của ông vừa tham gia vào chương trình bán hàng trên TikTok Shop khoảng 2 tháng nay. Thương hiệu này đã đầu tư 3 phòng livestream, mỗi phiên 2 tiếng, thời gian livestream bán hàng từ 10 giờ đến 12 giờ đêm.
"Ca bán thấp nhất thu được 4 triệu cho một phiên livestream, tối đa nhất là 15 triệu, trung bình mỗi ngày thu được 30-40 triệu. Chúng tôi cũng ghi nhận tháng đầu tiên tăng trưởng hơn 30% so với trước đó", ông Luận cho biết.
Có mặt tại phiên livestream, bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền (Huyền Huno) - người sở hữu hơn 1,3 triệu lượt theo dõi trên nền tảng TikTok - mong muốn hỗ trợ bà con, doanh nghiệp để đưa sản phẩm OCOP TP.HCM đến tay người tiêu dùng. "Tại huyện Cần Giờ, các sản phẩm như đường ăn kiêng từ mật dừa nước độc đáo, khác biệt so với nhiều sản phẩm khác. Khi bán các sản phẩm OCOP cũng khiến tôi tự tin hơn vì chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu", bà Huyền nói.
Bà Phan Ngọc Diệu - Giám đốc Quản lý nhà máy Công ty Yến Đảo Cần Giờ - chủ động đưa các mặt hàng chế biến từ yến lên các sàn thương mại điện tử. Việc bán các sản phẩm trên sàn thương mại rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, đem lại doanh thu lớn. Hiện các sản phẩm như yến sào, tổ yến, cháo yến, cà phê yến cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên các sàn để tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.
Cần chiến lược riêng về giá bán
Các sàn thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ dẫn đến cuộc cạnh tranh lớn về giá bán sản phẩm giữa các thương hiệu. Không chỉ vậy, sự chênh lệch về giá của một thương hiệu giữa sàn điện tử và các kênh phân phối cũng nhiều lần khiến khách hàng phản ứng mạnh.
Theo ông Phan Minh Thức, nhiều chủ thương hiệu đa phần gặp khó khăn về mặt công nghệ. Bên cạnh đó là câu chuyện về giá, giá bán tại các hệ thống phân phối, đại lý chênh lệch so với các nền tảng trực tuyến.
"Trên nền tảng online, các chủ thương hiệu có được sự hỗ trợ của nền tảng về mã giảm giá, vô hình trung khi khách hàng nhận được mã giảm giá sẽ có thể mua sản phẩm với giá rẻ hơn so với cái đại lý phân phối. Đó cũng là một bài toán mà nhãn hàng phải cân đối rất kỹ để xử lý câu chuyện về việc phân phối đại lý của mình", ông Thức cho biết.
Đồng tình với ý kiến trên, theo ông Luận người sáng lập thương hiệu Meet More Coffee, việc chênh lệch giá khi bán hàng qua các kênh truyền thống và các sàn là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, doanh nghiệp này cũng đã đưa ra một chiến lược cho sàn TikTok.
Sau thời gian bán hàng trên TikTok, ông Luận nhận thấy khách hàng mua sản phẩm trên tiktok thường theo cảm tính và sở thích. Nắm bắt điều đó, doanh nghiệp này chọn hình thức tặng quà hấp dẫn cho khách hàng, giá bán sản phẩm đã cộng chi phí sàn, quà tặng nên bằng vẫn đảm bảo bằng giá ngoài siêu thị.
Cũng theo ông Luận, khó khăn lúc ban đầu là doanh nghiệp cần phải có một số nhân sự am hiểu về bán hàng trên TikTok Shop. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải bỏ ra chi phí lớn, vì thời gian đầu khó có được lượt xem cao. "Bắt buộc chúng ta phải thường xuyên tương tác trên kênh của khách hàng, đồng thời đưa ra chi phí chạy quảng cáo", ông Luận nói.
Bình Tú