TP.HCM đón nhận thêm 39 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP
UBND TP.HCM vừa tổ chức Lễ công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn thành phố năm 2022 tại Công viên 23/9 (Quận 1).
TP.HCM có thêm 39 sản phẩm OCOP 3-4 sao
Tại chương trình, UBND TP.HCM đã công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP năm 2022 cho 39 sản phẩm của 11 chủ thể, gồm: 15 sản phẩm 4 sao, 24 sản phẩm 3 sao, qua đó nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố là 66 sản phẩm.
Trong đó, huyện Cần Giờ có 6 sản phẩm OCOP đạt 3 sao của HTX Cần Giờ Tương Lai, gồm cá đù 1 nắng, khô cá lưỡi trâu, khô cá chim 1 nắng, hàu tươi, cá dứa tươi và bạch tuộc sông.
Huyện Bình Chánh có 8 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên có 4 sản phẩm (gồm mật ong nhân sâm, mật ong nghệ viên vàng, mật ong nghệ viên đen, tinh bột nghệ vàng) đạt OCOP 4 sao; Công ty XNK thực phẩm ABZ có sản phẩm rượu sâm đinh lăng đạt OCOP 3 sao; HTX Phước An có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao là rau ngót, cải ngồng, cải thìa đạt chuẩn VietGAP.
Huyện Củ Chi có 8 sản phẩm OCOP. Trong đó, Công ty Huynh Đệ Tề Hùng có 5 sản phẩm OCOP 3 sao, gồm trái cây thập cẩm sấy, khoai lang sấy hỗn hợp, chuối sấy, khoai môn sấy, khoai lang sấy và 1 sản phẩm OCOP 4 sao là mít sấy; hộ kinh doanh cơ sở sản xuất rượu, nấm sạch Ngọc Trường Phát có rượu linh chi 30 độ và rượu linh chi 40 độ đạt OCOP 3 sao.
Riêng huyện Hóc Môn có 17 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3-4 sao. Công ty Sản xuất công nghệ HB có 4 sản phẩm (gồm rau hầm HB, rau mồng tơi, rau muống và cải bẹ xanh) đạt OCOP 3 sao; HTX Rau sạch GAP có sản phẩm cải thìa Rasafood đạt OCOP 3 sao; Công ty Nông nghiệp kỹ thuật cao Nông Phát có dưa lưới Nhật Bản và cải bó xôi Nông Phát đạt OCOP 3 sao; Công ty Liên kết Thương mại Toàn Cầu có 5 sản phẩm (cà phê hòa tan Meet More vị khoai môn, vị dừa, vị bạc hà, vị nhàu, vị đậu xanh) đạt OCOP 4 sao; Công ty SX TM XNK Ngọc Liên có 5 sản phẩm (cà pháo, dưa món, cà pháo mắm tôm chua, cà pháo mắm nêm, cóc chua ngọt Ngọc Liên) đạt OCOP 4 sao.
Định hướng để phát triển sản phẩm OCOP bền vững
Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM - cho biết việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội; giúp nâng cao thu nhập, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới.
Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn thành phố từ năm 2019 đến nay với mục tiêu phát triển sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm mang tính sáng tạo của địa phương; nâng cao các đặc trưng và giá trị của sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mang tính độc đáo, riêng biệt.
Từ chỗ chỉ giới hạn trong phạm vi 5 huyện ngoại thành, nay Chương trình OCOP tại TP.HCM đã được mở rộng ra 22 quận, huyện, TP Thủ Đức. Lĩnh vực đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cũng được mở rộng, bên cạnh sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thành phố định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với 6 lĩnh vực: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm-nội thất-trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Việc mở rộng cả địa bàn và đa dạng lĩnh vực đánh giá đã thu hút được nhiều chủ thể từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và các hộ dân có sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.
Nhằm phát triển và khuyến khích các chủ thể tham gia nhiều hơn vào Chương trình OCOP, thành phố cũng đã có nhiều hoạt động biểu dương, tôn vinh, quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP đã được công nhận.
Ông Hiệp cho biết sau 3 năm thành phố sẽ đánh giá lại sản phẩm, nếu sản phẩm không đảm bảo theo tiêu chí OCOP đề ra sẽ bị thu hồi. Do đó, để sản phẩm OCOP TP.HCM phát triển bền vững, ông Hiệp mong muốn các chủ thể, doanh nghiệp cần đầu tư máy móc, thiết bị để cho ra những sản phẩm chất lượng nhất; thứ hai là sự cải tiến, những sản phẩm đạt 3 sao thì cố gắng phấn đấu để đạt 4 sao, 5 sao; thứ ba sản phẩm OCOP gắn với những nguyên liệu, nông sản địa phương, do đó cần phải quy hoạch vùng sản xuất, từ đó mang lại nguồn nguyên liệu tốt cho các chủ thể.
Đặc biệt, nguồn vốn vay cũng là yếu tố quan trọng, bởi muốn mở rộng sản xuất, năng cao chất lượng, đầu tư công nghệ mới thì các chủ thể cần phải có nguồn vốn để tiếp cận. Chính vì vậy, thành phố đang thúc đẩy khoản vay với lãi suất bằng 0, hay hỗ trợ các chủ thể trong các chương trình xúc tiến thương mại,... Điều quan trọng nhất vẫn chính là người tiêu dùng có thể tiếp cận và ủng hộ sản phẩm OCOP.
Thời gian qua, các hệ thống phân phối lớn của TP.HCM đã tích cực tìm hiểu, sản phẩm và kết nối với các chủ thể nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ chương trình công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP năm 2022, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mega Market đã ký biên bản ghi nhớ với toàn bộ 11 chủ thể; Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM ký với 7 chủ thể; Tập đoàn Central Retail ký với 3 chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của TP.HCM để hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Thanh Thảo