Nỗ lực tái chế rác thải nhựa nhìn từ Nhựa Duy Tân
Cho đến nay, một số doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn luôn nỗ lực xây dựng các dự án giảm thiểu rác thải nhựa nhằm giảm ô nhiễm nhựa. Trong đó, Công ty CP Nhựa Tái chế Duy Tân là một đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tái chế rác thải nhựa.
Vận hành theo tiêu chí "3 không"
Hấp thụ hơn 90% nhiệt lượng dư thừa do nhà kính tạo ra và lượng lớn khí CO2 ô nhiễm, đại dương đang phải "gồng gánh" để giữ được nhiệt độ trên bề mặt trái đất ở mức con người có thể tồn tại được. Thế nhưng, một lượng lớn rác thải nhựa do con người đổ ra biển mỗi ngày làm cho đại dương bị ô nhiễm ở mức báo động.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam thải khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra trên đất liền mỗi năm và lượng rác thải đổ ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn.
Chia sẻ tại "Tour trải nghiệm Xanh" khi đến thăm quan nhà máy nhựa tái chế Duy Tân do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã tổ chức ngày 10/11, ông Lê Anh - Giám đốc phát triển bền vững của Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân - cho biết việc thu gom rác thải nhựa tại Việt Nam chiếm khoảng 27%, tái chế chỉ chiếm 10%.
Hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam không mới, tuy nhiên, với những công nghệ cũ, lượng nhựa tái chế ra vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm do phát thải ra không khí và nguồn nước. Theo chia sẻ của ông Lê Anh, trước khi Duy Tân xây dựng nhà máy, công ty này đã nỗ lực nghiên cứu, tìm kiếm những công nghệ mới để giải bài toán trên.
Khởi công xây dựng từ tháng 6/2019, nhà máy nhựa Duy Tân có diện tích 65.000 m2 tại Cụm công nghiệp nhựa Đức Hòa Hạ, tỉnh Long An. Hiện nhà máy có công suất sản xuất 30.000 tấn nhựa/năm, kế hoạch giai đoạn 2 sẽ nâng công suất xử lý lên 60.000 tấn nhựa/năm, tương đương 4,6 tỷ chai nước sẽ được tái chế.
Tính đến thời điểm này, ông Lê Anh cho biết đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ tái chế "Bottle to Bottle" - mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp chai nhựa mới giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch.
Cũng theo ông Lê Anh, nhà máy đang được vận hành theo tiêu chí "3 không" trong quá trình sản xuất: Không rác thải, không khí thải, không nước thải. Việc áp dụng tiêu chí này không chỉ giúp công ty thúc đẩy việc sản xuất không gây ô nhiễm môi trường mà còn quan tâm nhiều hơn đến việc tái sử dụng các nguồn năng lượng trong sản xuất.
Ông Huỳnh Ngọc Thạch - Giám đốc điều hành Công ty Nhựa Tái chế Duy Tân - cho biết nguồn tiêu hao chính trong quy trình tái chế là nước và điện. "Chúng tôi phải xử lý nước trong chai trước khi tái chế và nước dùng trong sản xuất để rửa vây nhựa. 80% nước sau khi xử lý được quay lại quy trình sản xuất, 20% còn lại sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong công ty, không thải ra cụm công nghiệp và khu công nghiệp", ông Thạch nói và dẫn chứng tại nhà máy có hồ cá koi sinh sống bằng nguồn nước thải đã qua xử lý.
Về nguồn điện, dàn máy phục vụ cho việc tái chế nhựa được cho là sử dụng điện nhiều. Công ty này cũng đặt mục tiêu vào năm 2024, nhà máy sẽ sử dụng năng lượng mặt trời.
Bên cạnh đó, rác thải là thách thức lớn của Duy Tân. Bởi lẽ, mỗi khu vực có một hành vi sử dụng khác nhau, từ khu vực nông thôn cho tới thành thị, từ trường học cho tới các đại siêu thị,… Mỗi chai nhựa trước khi tái chế nhiễm bẩn khác nhau. "Dở khóc dở cười" với nhiều trường hợp người sử dụng xong chai nhựa thì "vô tình" bỏ cả điếu thuốc lá vào trong chai nhựa; các chất lỏng như xăng, dầu ăn, nước mắm,… cũng được nhiều người cũng khu vực nông thôn dùng chai nhựa để đựng. Điều này làm quá trình xử lý trước khi tái chế trở nên khó khăn hơn. Đối với các nắp chai, nhãn mác của chai nhựa, Duy Tân cũng phối hợp với nhiều đơn vị để tái chế ra các sản phẩm khác nhau.
Hiện Duy Tân cũng đáp ứng các tiêu chuẩn ISO cho hệ thống quản lý. Bên cạnh đó, sản phẩm của công ty đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng nhận từ Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) là minh chứng cho chất lượng sản phẩm hạt nhựa tái sinh an toàn cho sức khỏe, phù hợp để sản xuất bao bì cho thực phẩm, bao gồm cả nước uống.
Kỳ vọng tại thị trường nội địa
Không chỉ Duy Tân, nhiều đơn vị thu gom tái chế khác cũng "đau đầu" với việc phân loại rác tại nguồn. Việc phân loại không tốt dẫn đến nguyên liệu đầu vào sẽ bị trộn lẫn nhiều tạp chất khác, tỉ lệ hao hụt cao.
"Mùa mưa vừa rồi, chúng tôi thu gom về 100 tấn thì chỉ sử dụng được 45-50 tấn, số còn lại phải tách ra riêng vì lẫn nhiều tạp chất, ống hút, nước, bùn đất,…", ông Lê Anh – Giám đốc phát triển bền vững - nói.
10 tháng đầu năm 2023, nhà máy Duy Tân đã thu gom và tái chế 18.200 tấn (tương đương 1,6 tỷ chai). Số lượng chai nhựa đã được xử lý tái chế không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các công ty đối tác nhãn hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn tại Việt Nam mà còn xuất khẩu sang 12 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ và Châu Âu với sản lượng xuất khẩu 9.100 tấn/56%, thị trường nội địa chiếm 44%. Ông Lê Anh kì vọng sẽ lan tỏa việc sử dụng nhựa tái chế tại thị trường Việt Nam để đưa con số này tăng lên.
Bên cạnh đó, vấn đề về thuế đầu vào khi thu gom chai nhựa từ những cô chú mua ve chai cũng là một thách thức lớn. Bên cạnh đó, ngành tái chế nói chung tại Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ đặc thù, đại diện công ty này cũng kì vọng từ cơ chế EPR, không chỉ nhà máy tái chế nhựa mà còn nhôm, thủy tinh, giấy,… cũng có những ưu đãi để thúc đẩy ngành tái chế phát triển.
Hiện nay, Duy Tân phối hợp với các đơn vị thu gom và những cô chú thu gom ve chai, đa phần chỉ mới tới được những vựa thu gom lớn. Hiện mạng lưới thu gom của công ty này tới Đà Nẵng. Nếu sản lượng nâng lên công suất 100 nghìn tấn/năm thì thu gom với mạng lưới dài hơn.
"Việc phân loại rác thải tại nguồn tốt hơn thì tỷ lệ hao hụt sẽ thấp hơn. Nếu thuế đầu vào được hợp thức hóa từ những vựa thu gom nhỏ và cô chú ve chai thì lúc đó đầu vào tốt thì đầu ra ổn hơn. Bên cạnh đó, câu chuyện nhựa tái sinh giá cao hơn nguyên sinh là câu chuyện trên toàn thế giới, đó không phải là khoản chi phí mà là khoản đầu tư cho tương lai", ông Lê Anh nói.
Hiện nay, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đang tích cực phổ biến về Quy định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất - Extended Producer Responsibility (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Có thể hiểu, EPR là một cách tiếp cận chính sách môi trường dựa trên việc quy định nghĩa vụ của các nhà sản xuất trong việc chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm. Thông qua EPR, các doanh nghiệp có thể từng bước chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, nghĩa là mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác.
Võ Liên
TIN LIÊN QUAN
-
Chương trình cộng đồng làm sạch bờ biển ICC, chống rác thải nhựa tại bãi biển Quất Lâm
-
Đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, tiến đến tương lai của các ngành kinh tế xanh, không còn rác thải nhựa
-
Mỹ nghiên cứu công nghệ mới giúp biến rác thải nhựa ô tô thành vật liệu cao cấp
-
'Doanh nông' trẻ huyện Cần Giờ sẵn sàng 'cất cánh'