SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 30/04/2024
  • Click để copy

Quỳnh Iris de Prelle: Tìm thấy căn cước văn hóa trong Tết Việt ở Bỉ

09:31, 19/02/2024
Từ Tết cổ truyền dân tộc, nhà thơ Quỳnh Iris de Prelle đang sống và làm việc tại Vương quốc Bỉ cảm nhận những giá trị thực chất và tìm thấy ID (nhận dạng) của bản thân và văn hóa Việt. Trong đó, Tết là một ID văn hóa, căn cước văn hóa tìm thấy khi bà sống xa xứ.

Tính đến năm 2024, nhà thơ, nghệ sỹ độc lập Quỳnh Iris de Prelle sống ở vương quốc Bỉ được gần tròn 12 năm nghĩa là có 11 lần đón Tết cổ truyền Việt Nam tại Bỉ. Sau 3 ngày Tết, trước ngưỡng cửa xuân, Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo kết nối với nhà thơ tìm hiểu về nét đẹp truyền thống văn hóa độc đáo và giàu bản sắc của Tết cổ truyền Việt Nam sẽ được lưu giữ như thế nào khi sống tại Bỉ.

Phóng viên: Xin chào nhà thơ, nghệ sĩ độc lập Quỳnh Iris de Prelle. Cho tới nay, bà đã đón bao nhiêu Tết Nguyên Đán tại Bỉ?. Cảm giác năm đầu tiên đón Tết Nguyên Đán tại Bỉ như thế nào và đến bây giờ cảm giác đó có thay đổi gì không?

Quỳnh Iris de Prelle: Xin chào Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, tôi là Quỳnh Iris de Prelle, nhà thơ, nghệ sỹ độc lập tại BXL, vương quốc Bỉ. Tính đến năm 2024, tôi đã ở đây gần tròn 12 năm nghĩa là có 11 cái Tết ở Bỉ rồi.

Tết năm đầu tiên, tôi sinh em bé, bạn trai nhỏ Alexandre đúng vào tháng 1, trước Tết một tháng. Lúc đó, tôi nhớ chúng tôi cũng có bánh chưng được bạn gửi từ TP HCM sang, đầy đủ thứ trong nhà như trái cây nhiệt đới, bưởi, xoài, vải… và các đồ ăn châu Á như xôi nếp. Bố mẹ chồng tôi đến ăn Tết cùng. Đặc biệt, vào dịp Tết là sinh nhật của tôi, của chồng, của bố chồng, của ông ngoại nên nhà tôi đúng không khí Vui Như Tết vì đông đủ và sum vầy.

IMG_6310

 Nhà thơ, nghệ sỹ độc lập Quỳnh Iris de Prelle và mẹ chống sum vầy đón Tết cổ truyền Việt Nam tại Bỉ.

Cảm nhận về sự thay đổi từ lần đầu tiên đón Tết tại Bỉ đến nay chính là tôi 30 tuổi chuyển sang tôi 40 tuổi trung niên, sự chín chắn của tuổi tác và nhận thức đầy đủ hơn. Tôi giàu có hơn về tinh thần và ngày càng tối giản nên các giá trị thực chất tôi tìm được chính ID cho bản thân và văn hoá Việt. Tết là một ID văn hoá, căn cước văn hoá mà tôi tìm thấy khi sống ở Bỉ.

Phóng viên: Việc chuẩn bị Tết Nguyên Đán tại Bỉ của gia đình bà nói riêng, cộng đồng người Việt tại Bỉ mà bà quen biết có điều gì đặc biệt hơn so với khi ở Việt Nam?

Quỳnh Iris de Prelle: Cộng đồng người Việt Nam ở Bỉ khoảng hơn 11 nghìn người, rải rác khắp nơi, nhiều vùng mà tại BXL có lẽ đông nhất. Nhờ mạng xã hội mà tôi có đủ sự quan sát đời sống bà con kiều bào quê hương Việt Nam tại đây, đó là sự chuẩn bị chu đáo không kém ở Việt Nam, vẫn đủ đầy và dễ dàng tìm kiếm các sản vật như lá dong, gạo nếp, đồ ăn Việt…. Sự giao thương thuận lợi cũng tạo nên các kênh hàng online, các quỹ từ thiện để nhiều người, nhiều gia đình tụ lại với nhau dễ dàng hơn. Chương trình Tết ở nhiều vùng miền cũng đa dạng và phong phú. Ví dụ, tôi ở thủ đô có thể chạy đến nhà bạn ở thành phố khác làm bánh chưng khi tôi mới sang vài năm hay như đi ăn Tết xa ở một thành phố khác.

IMG_6397

 Nhà thơ, nghệ sỹ độc lập Quỳnh Iris de Prelle.

Tết năm nay, chúng tôi tổ chức được chương trình gói bánh chưng cho bà con kiều bào và được quan tâm. Nhà tôi các thành viên đều tham gia từ những khâu chuẩn bị như rửa lá, học gói bánh đến khâu nấu bánh xuyên đêm. Hai bạn nhỏ có nhiều kỷ niệm khó quên như tôi hồi bé mà đến giờ bố mẹ tôi ngoài 70 tuổi vẫn duy trì việc gói bánh chưng để tôi khỏi nhớ nhà khi mỗi dịp nhìn thấy Tết qua màn hình. Hay như có nhiều bạn bè mua đồ Tết để ủng hộ các quỹ từ thiện, trao cho nhau các món quà và gặp gỡ nhau. Tôi đi đọc thơ tại một sự kiện Tết Việt ở Namur, một kỷ niệm không bao giờ quên bởi tiếng Việt và những người yêu văn chương tiếng Việt.

Phóng viên: Bà có thể kể về một số thứ không thể thiếu khi đón Tết tại Bỉ. Để chuẩn bị những thứ đó, bà có khó khăn gì để mua sắm được không?

Quỳnh Iris de Prelle: Với tôi và gia đình tôi, món không thể thiếu khi đón Tết ở Bỉ là bánh chưng và hoa Tết. Nhà tôi thích bánh chưng vì nghiện đồ nếp và đó cũng là ký ức tuổi thơ của tôi khi còn nhỏ. Bố tôi gói bánh đẹp, ông gói bộ chứ không cần khuôn. Năm nào bố mẹ tôi cũng nấu cùng bạn bè thân quen tầm mấy chục chiếc chung nhau để ăn Tết. Ông gói bánh cũng một phần để tôi thấy quê nhà và cho các cháu được biết về truyền thống văn hoá Việt.

Có năm, tôi thường hay mua bánh chưng của người quen gói rồi bán cho anh chị em trong cộng đồng. Có năm, tôi tự gói dù không đẹp, tự nấu. Mọi thứ không khó khăn như mọi người hình dung mà thậm chí dễ tìm, chỉ cần bạn tìm đúng chỗ mua để đặt và đúng thời điểm như lá dong, gạo nếp cái hoa vàng, lạt hay mọi nguyên liệu cần thiết…

Phóng viên: Bà có những kỷ niệm đặc biệt nào về chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc tại Bỉ?

Quỳnh Iris de Prelle: Kỷ niệm vui nhất có lẽ trong đời tôi không bao giờ quên đó là năm nay khi tôi tham gia cùng Tổng hội người Việt Nam tại vương quốc Bỉ tổ chức gói bánh. Chúng tôi cần một cái nồi lớn có thể nấu được tầm 70 cái bánh chưng. Làm sao mua được nồi nấu bánh chưng ngay trong lúc tuyết rơi, mưa gió bên này. Quyết định trong tích tắc, chúng tôi có chiếc nồi thần thánh và mua cả cái dù để che khói, che gió nấu bánh chưng. Rất nhiều bà con tình nguyện viên gói bánh cùng nhau để luộc gần 140 cái. Chồng và 2 bạn nhỏ của gia đình tôi tham gia nấu bánh cùng mẹ, giúp mẹ để kịp giao bánh, làm sự kiện này.

86f9c2edf2885fd60699

 Tết là dịp đoàn viên của gia đình và lan tỏa bản sắc văn hóa Việt Nam.

Về hoa Tết, bên này khá sẵn đào, tầm xuân và những hoa mùa xuân như miền Bắc Việt Nam nên không khí rất tươi vui, rộn ràng. Có khi từ giáng sinh tôi đã có hoa Tết hay giáp Tết là có dù mùa xuân ở Bỉ là tháng 3.

Phóng viên: Bà có quản trị trang Triết học của Tết. Bà thường chia sẻ những thông điệp gì trên trang này?

Quỳnh Iris de Prelle: Không ít người tò mò về Triết học của Tết vì nghe như rất nghiêm trọng nhưng với tôi Triết học Tết chính là giá trị tinh thần và di sản mà Tết Việt duy nhất còn lại đó chính là sự gặp gỡ nhau trong gia đình, các thế hệ sum vầy bên mâm cơm, bên nồi bánh chưng và nhiều thực hành khác cho Tết như chợ Tết, chơi Tết, ẩm thực Tết, mừng sách Tết, hoa Tết… dường như mọi điều tốt đẹp nhất dành cho Tết và trong Tết. Lúc này, không ai to tiếng với nhau nữa, không còn xích mích tị hiểm mà hoá giải một cách tự nhiên. Tết Việt kết nối và đoàn kết thống nhất nhau dù trong thời khắc ngắn của sự chuyển đổi mùa xuân hay thời gian và ai cũng nhớ Tết như ký ức, kỷ niệm…

IMG_6110

 Tết là ID văn hóa, căn cước văn hóa khi sống xa xứ.

Triết học Tết không chỉ nói về Tết, văn hoá truyền thống hay căn cước văn hoá Việt Nam mà còn là sự gặp gỡ Việt Nam hay sự chia sẻ tinh thần, các giá trị mà người Việt từ xưa chúng ta đã có, gìn giữ cho hiện tại và mai sau như lòng yêu thương con người, sự tử tế, bao dung, sự chịu thương chịu khó, giá trị gia đình, tình bạn hay sự hoà bình, kết nối nhau… và cả thơ ca, văn chương Việt.

Phóng viên: Qua chia sẻ của nhà thơ, nghệ sỹ độc lập - Quỳnh Iris de Prelle, Tết cổ truyền của dân tộc vẫn đậm đà bản sắc và nhiều giá trị ngay cả khi đón Tết xa xứ. Điều gì khiến bà cảm thấy vui nhất và buồn nhất khi đón Tết tại Bỉ?

Quỳnh Iris de Prelle: Vui nhất khi đón Tết ở Bỉ chính là văn hoá và Tết Việt trong ngôi nhà của chính mình với những con người ở nơi này như bố mẹ chồng tôi là người Bỉ và những người bạn quốc tế. Nghĩa là văn hoá Việt Nam lan toả rộng khắp và được nhiều người biết đến một cách thực chất và trực tiếp, chi tiết. Vui tiếp theo có lẽ chính là khi tôi tham gia vào cộng đồng người Việt tại đây thì những khát vọng về một hình ảnh Việt Nam tươi đẹp và hiền hoà sẽ hiện hữu ờ những công việc tôi tham gia và xuất hiện. Điều ấy khẳng định được con đường cũng như tiếng nói của văn hoá Việt Nam được đến cụ thể hơn, gần gũi hơn với bà con kiều bào cũng như các thế hệ tiếp theo của tương lai.

dde21d1d39789426cd69

 Bánh chưng - món ăn không thể thiếu trong Tết cổ truyền Việt Nam được nhà thơ, nghệ sỹ Quỳnh Quỳnh Iris de Prelle cùng gia đình và những người Việt sống tại Bỉ tham gia gói để đón Tết Giáp Thìn 2024.

Tôi không có thời gian để buồn hay cảm thấy lạc lõng nơi tôi đang sống như mọi người hay gọi là xứ Người một cách xa lạ, lạnh lùng vì thế nếu bảo tôi buồn khi đón Tết ở Bỉ đối với tôi dường như không có. Vui như Tết mà, nguyên cái chuyện đi chợ Tết vài lần thôi đã tưng bừng rồi đến chuyện trang trí, sắp đặt nhà cửa, ăn Tết cùng gia đình. Hai con tôi cũng đang lớn lên và nhận thức nhiều hơn về các giá trị hay công việc của mẹ như trình diễn sắp đặt Tết, các bạn luôn hào hứng và thích thú. Tết là sự kiện quan trọng với chúng tôi như các sự kiện văn hoá khác ở đây, vì thế làm gì có lý do buồn nữa.

Ở ngay trung tâm châu Âu hay như Bỉ là một nơi có rất nhiều các rau củ quả trên toàn thế giới nên ngày Tết hay gần Tết họ cũng chuẩn bị các đồ Tết và sắm Tết như Việt Nam. Sự gần gũi và thân thuộc này chính là điều để chúng tôi gắn bó và yêu thương quê hương bên này như chính quê gốc của mình. Bạn có thể theo dõi trên mạng xã hội để thấy không khí Tết của chúng tôi như thế, rất đủ đầy và vui vẻ.

 Bảo Hòa

Tin khác

Giải trí 8 giờ trước
(SHTT) - Với lịch sử hơn 700 năm Phù Lãng hiện lên âm trầm, mộc mạc nhưng vô cùng tinh tế với các sản phẩm từ đất sét đỏ. Đặc trưng của gốm Phù Lãng ấy là gợi lên “chất quê” bình dị, gần gũi, mộc mạc nhưng đầy tinh tế và thể hiện sự điêu luyện trong kỹ thuật làm gốm.
Giải trí 8 giờ trước
(SHTT) - Từ Hà Nội, qua cầu Chương Dương qua Quốc Lộ 1A khoảng 20 km chúng ta sẽ đến với Hồi Quan - nơi có nghề “cửi canh” nổi tiếng khắp vùng Kinh Bắc. Dân gian vẫn luôn truyền tai nhau về nghề “cửi canh” nơi đây rằng: “Hồi Quan là đất cửi canh, rộn ràng sớm tối thoi đưa nhịp nhàng”.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Trong ký ức của người Việt Nam, mâm cỗ Trung Thu khi xưa ngoài hoa quả, bánh trái nhất định phải có bộ phỗng đất, ông tiến sỹ và đèn ông sao. Phỗng đất không chỉ là món đồ chơi thuần túy của con trẻ mà còn cất giữ những hồn cốt văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam xưa.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Nghi Sơn biển ngọc - Khát vọng vươn xa", đó là chủ đề mà di lịch biển Nghi Sơn (Thanh Hóa). Chính thức được khai mạc vào tối ngày 26/4.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Ngày 26/4, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì, với chủ đề ”Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”.