SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 14/05/2024
  • Click để copy

‘Chấn hưng văn hóa’ thiết thực và bền chắc nhìn từ giữ gìn nét đẹp Tết Huế

10:15, 09/02/2024
Khắp nơi tại Huế cuối tháng chạp tràn ngập hương và sắc Tết cổ truyền. Nhiều chương trình: lễ hội Đón Tết Hoàng Cung, Lễ Thượng Nêu, tái hiện không gian Tết xưa đậm đà bản sắc lan tỏa đến mỗi nhà cho thấy Thừa Thiên Huế đang có cuộc “chấn hưng văn hóa” thiết thực và bền chắc.

Nhiều người dân bày tỏ niềm tự hào khi bước ra phố về nông thôn, lên miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế những ngày giáp Tết. Không gian tràn ngập hương, sắc, lễ, hội Tết cổ truyền. Không khí vui rộn, chân phương gắn kết người thân, sum họp với gia đình đang mang những giá trị văn hóa tốt đẹp trở lại bền vững bắt đầu từ giáo dục con người văn hóa, khơi lại nền nếp văn hóa vốn có trong mỗi căn bếp, vườn nhà, mỗi người.

Vẻ đẹp của giàu bản sắc

Hoàng mai bung cánh nở khắp trong nội thành đến nhà dân. Phong trào “Mai vàng trước ngõ” lan tỏa. Ông Bảo Tá (kiệt 150 Kim Long, TP Huế) cho biết khu vườn nhà nay dành một khoảng diện tích lớn để chăm trồng Hoàng mai. Nhìn những cây Hoàng mai lâu năm cho hoa cánh tròn, mịn, thơm và những cây mới đang được tạo dáng bonsai ông hi vọng sang năm sau có thể tham dự Ngày hội Hoàng Mai để “thi tài” với những nhà vườn, nghệ nhân khác. Gia đình ông Bảo Tá chỉ là một trong số rất nhiều gia đình trồng giống hoa tiến vua trong “thành phố vườn” và khắp huyện, thị xã xứ Huế.

417412249_645717857567366_3537016378140919299_n

 Áo dài đang trở lại với đời sống mạnh mẽ tại "chiếc nôi áo dài" - cố đô Huế. Ảnh: NTĐT

Đó đây rộn ràng những cô má hồng, môi thắm tha thướt, nô nức diện chiếc áo dài truyền thống du xuân, chụp ảnh tại các điểm đến, chợ truyền thống của Huế. Trang phục xuân nay cho thấy đề án Huế - Kinh đô áo dài sau một quãng thời gian quảng bá hình ảnh đang trở thành lựa chọn thời thượng của những người yêu cái đẹp và văn hóa Huế nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung.

Ngày 4/2, tại điểm đến liên văn hóa Lan Viên Cổ Tích (Đường Bạch Đằng, Gia Hội, TP Huế) diễn ra Lễ Dựng Nêu của gia đình Giáo sư Thái Kim Lan. Đón Tết chơi xuân vốn trước hết bắt đầu từ Đại Nội sau lan ra ngoài dân chúng trong đó được báo hiệu bởi cây nêu.  

Phỏng theo tục lệ người xưa, Lan Viên Cổ Tích – Bảo tàng gốm cổ Sông Hương chọn ngày 25 tháng chạp để dựng nêu. Thời tiết tuyệt đẹp, sớm se lạnh rồi dần nắng rạng rỡ chan hòa như chiều lòng người rạo rực đi xem tục dựng nêu truyền thống.

Sau nghi thức Cáo Giang Sơn, cây nêu là gốc tre dài thẳng tắp được dựng từ từ lên trong niềm hân hoan của quý khách xa, gần, bạn bè, dòng tộc của giáo sư Thái Kim Lan. Câu đối chữ Nho ý nghĩa cầu “Quốc thái dân an” vươn cùng dải lụa đỏ dài hơn 3m. Lúc này, mọi người cùng cầm tay ước nguyện những điều tốt đẹp sẽ đến rồi buộc vào dải lụa giỏ tre đựng cau trầu cùng chùm chuông nhỏ vào đầu ngọn nêu.

425427447_980653300119197_4342714207577565525_n

Lễ Thượng Nêu tại Triệu Miếu, Thế Miếu - Đại Nội Huế. Ảnh: TTBTDTCĐ

Theo ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế: “Lễ Dựng Nêu ở Lan Viên cổ tích không chỉ là một nghi thức riêng của một gia đình, dòng tộc mà thực sự trở thành sinh hoạt văn hóa đầy ý nghĩa với những người yêu văn hóa và các giá trị truyền thống ở cố đô.

Rất mong, lễ dựng nêu lan tỏa mạnh mẽ, nhiều gia đình, dòng tộc noi theo. Văn hóa của một đất nước, một dân tộc hình thành từ văn hóa mỗi gia đình, dòng tộc như vậy. Đó chính là cách “chấn hưng văn hóa” thiết thực và bền chắc mà chúng ta ngày nay cần làm”.

Tục Dựng Nêu đón Tết bị mai một được phục hồi khiến nhiều người lớn tuổi không khỏi bồi hồi xúc động khi được thấy hình ảnh cây nêu trong tiềm thức trở về với đời sống hiện thời.

Trước đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ Thượng Nêu tại Triệu Miếu, Thế Miếu – Đại Nội Huế. Lễ Thượng Nêu tái hiện nghi thức truyền thống quan trọng đầu năm mới của triều Nguyễn. Hình ảnh cây nêu vươn mình đón nắng xuân biểu thị cho sức sống xuân đang trỗi dậy trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam

Cây nêu dựng trong hoàng cung treo thêm ấn, tín, tư bảo… những vật biểu trưng cho việc phong ấn báo đóng cửa kinh thành bắt đầu kỳ nghỉ Tết. Ngày 23 tháng Chạp khi ông Táo lên chầu trời cũng là ngày đánh dấu thời điểm Tết đến qua việc dựng nêu trong cung đình. Quan niệm và niềm tin dân gian cây nêu dựng lên là xui rủi năm cũ tan biến để đón năm mới may mắn, an lành.

425459817_980653410119186_2264015211565813203_n

Việc tái hiện Lễ Thượng Nêu thu hút khách du lịch, giữ gìn bản sắc văn hóa đẹp đẽ của dân tộc. 

Lễ Thượng Nêu tái hiện bắt đầu với đại nhạc, tiểu nhạc cùng các nghi thức cung đình trang trọng từ cửa Hiển Nhơn. 10 người thanh niên trai tráng mặc trang phục lính thời Nguyễn chỉnh tề, khởi hành trong tiếng nhã nhạc để tiến vào Hoàng cung đến Triệu Tổ Miếu, cửa chính của khu vực Thế Miếu thì dừng lại để dựng cây nêu làm bằng cây tre già cao 15m. Quá trình dựng nêu thực hiện các bước trang nghiêm: nghinh thần, khánh hạ trong âm nhạc cung đình và dựng nêu.

Nêu sẽ được dựng đến ngày mùng 7 tháng chạp thì hạ xuống báo hiệu kỳ nghỉ Tết kết thúc, dân chúng trở lại với công việc. Lễ trở thành phong tục theo suốt chiều dài lịch sử nhà Nguyễn, đều đặn thực hiện thường niên vào dịp Tết Nguyên Đán. 

DSC07878

 Gói bánh chưng tại đêm Đón Tết Hoàng Cung.

Đến Huế những ngày này, du khách còn được thưởng thức chương trình tái hiện “Đón Tết Hoàng Cung” độc đáo. Những trò chơi dân gian, không gian ăn bánh, uống trà, xin chữ và thưởng ngoạn không khí Tết cổ truyền trong cung đình xứ Huế với không gian đặc biệt bao quanh bởi thành quách cổ kính sẽ là những trải nghiệm đủ để yêu và hiểu các giá trị thực sự của Tết cổ truyền.

Đêm thứ nhất của chương trình Đón Tết Hoàng Cung tạo ra không gian sôi nổi tại Phủ Nội Vụ - Đại Nội Huế. 9 đội thi gói, nấu bánh chưng tranh tài. Tối 25 tháng Chạp trình diễn rước bánh dâng tiến tiền nhân tại Thế Miếu theo phong tục xưa.

DSC07891

Những hình ảnh về đón Tết Hoàng Cung.

Bánh chưng, bánh giầy trong truyền thuyết do Lang Liêu là con thứ 18 của vua Hùng Vương thứ sáu tạo ra trở thành đặc sản không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Đặc biệt, theo phong tục cung đình Huế, cứ Tết đến xuân về sẽ thành kính dâng bánh chưng, bánh tét lên Thế Miếu, dân chúng cũng dâng cúng cho tổ tiên.

Âm nhạc mừng xuân kề bên ánh lửa bập bùng, khói tỏa thơm giúp du khách sống trong không khí sum vầy, ấm áp của ký ức Tết cung đình.

DSC07870

 Đón Tết Hoàng Cung nhận khơi dậy hương sắc Tết cổ truyền độc đáo.

Nhà văn Hoàng Thị Thu Thủy tham gia lễ hội cho hay: “Hôm nay tôi cảm thấy rộn ràng, háo hức, vui vẻ và hào hứng. Xung quanh nơi nào cũng xuân. Những nồi bánh chưng, bánh tét đang bốc khói khiến ai đang xa nhà nhìn vào cũng muốn về nhà ngay”.

Tại chương trình, họa sĩ Nguyễn Phước Hải Trung – tác giả cuốn sách Tết Hoàng Cung - trình diễn viết thư pháp, tặng chữ. Nhiều thế hệ người dân, du khách trong đó có những học sinh, sinh viên đứng đợi để xin chữ theo phong tục xưa về treo với hi vọng một năm mới sức khỏe, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn, cầu tài. Những nét mực uyển chuyển được gửi gắm bao ước vọng tốt đẹp như: chữ bình an, tĩnh, tuệ, cát tường…

DSC07848

 Nấu bánh Tét tại Đón Tết Hoàng Cung.

Xin chữ từ xa xưa là nét đẹp văn hóa được coi trọng, khởi đầu cho năm mới vạn sự như ý, khởi sắc. Tục xin chữ - cho/tặng chữ bắt nguồn từ truyền thống hiếu học, trân trọng nét chữ đẹp, xem chữ như phúc lộc may mắn.

Nhiều không gian trải nghiệm Tết xưa

Bên cạnh chương trình Đón Tết Hoàng Cung, tại quảng trường Ngọ Môn – Đại Nội Huế chương trình Tết Huế năm 2024 khai mạc với nhiều hoạt động tái hiện nét văn hóa truyền thống tết xưa xứ Huế đặc sắc. Đây là sự kiện điểm nhấn của Fesitval Huế 2024 trong Lễ hội Xuân Cố đô do Ban Dân vận Thành ủy Huế tổ chức với chủ đề “Gắn kết yêu thương” hướng đến sẻ chia yêu thương đối với các gia đình khó khăn, hộ nghèo khuyết tật.

DSC07809

 Những sản phẩm đặc trưng Huế tại Chợ xuân - miền ký ức.

Không gian Chợ xuân – miền ký ức giúp du khách được tận mắt chứng kiến những “của ngon vật lạ” xứ Huế không thể không trầm trồ về sự phong phú, tài hoa, tinh tế của người Huế tại 36 xã, phường. Những không gian thao diễn, giới thiệu, trải nghiệm sản phẩm thủ công truyền thống Huế, quảng bá, trưng bày sản vật, quà lưu niệm, sản phẩm đặc trưng địa phương đều ăm ắp mùi vị, màu sắc xuân cố đô.

Ghé qua gian hàng tham gia Chợ xuân – miền ký ức của phường Kim Long, nhận ra những sản phẩm bánh kẹo truyền thống đã mai một xuất hiện trên kệ hàng đầy tự hào. Đặc biệt nhất là bánh phục linh – loại bánh tiến vua và mứt cam. Bánh phục linh thường được làm từ bột nếp, bột đậu xanh… nhưng đặc biệt nhất là bánh làm từ bột bình tinh từ củ chét vùng đất Lệ Thủy. Đây là loại củ gần như thất truyền vì năng suất thấp được phục hồi từ vùng nguyên liệu trồng đến sản xuất bánh tại phường Kim Long.

Khách tham quan Chợ Xuân quan tâm nhiều đến gian hàng, người lớn biết họ mua về để cúng gia tiên còn các bạn trẻ háo hức thưởng thức, ăn thử và chụp ảnh”.

Bà Dương Thị Thu Thủy – Trưởng ban Dân vận Thành ủy Huế - cho hay chương trình nhằm hun đúc, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chung sức, đồng lòng xây dựng TP Huế văn minh – thân thiện – an toàn – giàu bản sắc”.

DSC07682

 Chấn hưng văn hóa bền chắc từ giáo dục con người văn hóa.

Tại phía tây tỉnh Thừa Thiên Huế chương trình Sắc xuân vùng cao A Lưới diễn ra từ ngày 3-5/2. Từ trình diễn 18 món ăn ngày Tết, các gian hàng nông sản, đặc sản người dân còn biểu diễn 18 điệu dân vũ, dân nhạc cùng nhiều trò chơi dân gian.

Không phải chỉ là phong trào, người dân Huế đang yêu việc mình làm và xem mình chính là những “đại sứ” của văn hóa Huế. Sức mạnh nội sinh đó được phát triển từ những chương trình, đề án lớn giàu cảm hứng và mang tính chiến lược của tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ Tết Huế, chúng ta có thể hi vọng chấn hưng văn hóa làm cho văn hóa hưng thịnh sẽ tạo nên những đột phá chiến lược phát triển kinh tế vùng đất này và đất nước trong thời kỳ mới.

Bảo Hòa

Tin khác

Giải trí 1 giờ trước
(SHTT) - Stop motion là công nghệ làm phim hoạt hình đã có lịch sử hơn 100 năm tuổi, cho đến nay công nghệ này vẫn chứng minh được sức hút không hề giảm sút của mình.
Giải trí 2 giờ trước
(SHTT) - Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, việc xử phạt hành chính với những người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng vô cùng nhiều, việc xử phạt hành chính hiện đã không còn đủ tính răn đe với các đối tượng này.
Giải trí 9 giờ trước
(SHTT) - Chào đón Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và dịp hè 2024, Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt dự án biểu diễn có tên gọi “Mùa hè yêu thương”.
Giải trí 9 giờ trước
SHTT) - Trong phim ngắn “Phía sau hạnh phúc” do D-Media Film sản xuất có sự tham gia của nam diễn viên Trần Kim Hải- nam diễn viên nổi đình đám trong Lật mặt 6 và Lật mặt 7 của đạo diễn Lý Hải.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Tại quảng trường Trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm, UBND TP Hải Phòng long trọng tổ chức đêm hội “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 và đón nhận Bằng ghi danh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới.